Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thanh tra kiến nghị thu hồi 1.400 tỷ đồng, Vinaconex nói gì?

Phần lớn số tiền 1.400 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi tại Vinaconex “đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Đây là thông tin giải trình từ Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), sau những kết luận của cơ quan thanh tra, cũng như kiến nghị thu hồi về cho ngân sách nhà nước số tiền 1.400 tỷ đồng tại tổng công ty này.

Cụ thể, theo kết luận vừa công bố (11/12/2008), Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính ra quyết định thu của Vinaconex và các đơn vị thành viên về cho ngân sách nhà nước số tiền là 1.415 tỷ đồng.

Số tiền trên gồm 1.324 tỷ đồng (1.082 tỷ đồng giá trị vốn nhà nước chưa xử lý tại thời điểm bàn giao sang công ty cổ phần và 241 tỷ tiền lãi chậm nộp) Vinaconex chưa nộp về ngân sách nhà nước; 84 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích do Vinaconex đã xây dựng vi phạm quy hoạch; 3,9 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng 1 chưa nộp vào ngân sách nhà nước; 3,3 tỷ đồng, giá trị quyền sử dụng đất của 513,4m2 tại số 53 Lạc Long Quân, Hà Nội khi cổ phần hóa chưa đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp...

Về kiến nghị trên, cũng như một số kết luận khác của cơ quan thanh tra, Vinaconex vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó “phản biện” một số nội dung đáng chú ý.

Không đủ cơ sở để thu hồi?

“Không đủ cơ sở” là khẳng định mà Vinaconex đưa ra liên quan đến kiến nghị các khoản mục thu hồi trong số tiền nói trên. Những kết luận và kiến nghị của cơ quan thanh tra, theo tổng công ty này, là do chưa có sự thống nhất trong nhiều vấn đề.

Cụ thể, trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất các tòa nhà cao tầng tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, cơ quan thanh tra cho rằng phải tính vào giá trị doanh nghiệp (270 tỷ đồng), trong khi Bộ Tài chính lại cho rằng đất xây dựng các tòa nhà chung cư là thuộc quyền sử dụng chung của các hộ dân sống trong tòa nhà đó nên không thể tính giá trị quyền sử dụng cho một mình Vinaconex – chỉ là chủ sở hữu tầng 1.

Thứ hai, liên quan đến việc xây dựng nhà cầu nối và chuyển nhượng diện tích tầng 1 các tòa nhà chung cư cao tầng tại khu đô thị nói trên, Vinaconex dẫn Công văn số 3945/UBND-XD của UBND thành phố Hà Nội, để khẳng định việc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố chấp thuận cho Vinaconex xây dựng các nhà nối đó là hoàn toàn đúng pháp luật.

Từ dẫn chứng và khẳng định trên, Vinaconex cho rằng “việc xác định Vinaconex vi phạm quy hoạch xây dựng để từ đó đề nghị truy thu giá trị quyền sử dụng đất của các văn phòng này là không hợp lý”. Công văn trên của UBND thành phố Hà Nội cũng “thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư dự án nên không xác định việc bán các diện tích tầng 1 này là sai phạm”.

Cũng liên quan đến những nhà cầu nối nói trên, cơ quan thanh tra cho rằng phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp với 84 tỷ đồng.

Còn Vinaconex “phản biện” rằng: “Trên thực tế, các nhà văn phòng này được xây dựng trên một không gian mà phía dưới là tầng hầm còn phía trên là khoảng không sử dụng chung của tòa nhà chung cư. Do đó, không thể xác định quyền sử dụng đất cho các nhà nối này và chính vì không có quyền sử dụng đất nên giá trị của quyền sử dụng đất cũng không đủ căn cứ pháp lý để được tính vào giá trị doanh nghiệp”.

Chiếm phần lớn trong số hơn 1.400 tỷ đồng mà cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi là số tiền thặng dư thu được từ đợt bán đấu giá lần đầu cổ phần phát hành thêm của Tổng công ty (hơn 810 tỷ đồng).

Về vấn đề này, Vinaconex khẳng định toàn bộ số tiền thặng dư thu được đều thuộc về sở hữu của Nhà nước. Nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg ngày 18/3/2005, khoản thặng dư thu được từ đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu của Vinconex sẽ được để lại doanh nghiệp để thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước khi Tổng công ty tăng vốn điều lệ.

Ngày 5/12/2008, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có Công văn số 2141/TTg-ĐMDN chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại sau cổ phần hóa của Vinaconex, trong đó có việc quản lý sử dụng số vốn nhà nước chưa xử lý tại tổng công ty này sau cổ phần hóa. Theo đó, Vinaconex khẳng định: “việc cơ quan thanh tra kiến nghị thu khoản thặng dư này đã không còn phù hợp”.

Với những lập luận và giải trình tại những điểm cơ bản trên, Vinaconex nhấn mạnh trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán rằng: “Có thể thấy rằng, phần lớn trong số tiền 1.400 tỷ đồng mà cơ quan thanh tra kiến nghị Vinaconex phải nộp ngân sách nhà nước thực tế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khoản tiền còn lại là giá trị quyền sử dụng đất các nhà chung cư, nhà nối không có cơ sở pháp lý để kiến nghị thu của Vinaconex”.

Nắm quyền là “tất yếu khách quan”

Ngoài nội dung quanh kiến nghị thu hồi số tiền hơn 1.400 tỷ đồng, Vinaconex cũng đưa ra những giải trình để chứng minh việc nắm các vị trí chủ chốt tại nhiều công ty con, một nội dung được đề cập trong kết luận của cơ quan thanh tra, là “tất yếu khách quan”.

Tại thời điểm cơ quan thanh tra vào cuộc, tại Vinaconex có những trường hợp 1 lãnh đạo của Tổng công ty nắm vị trí chủ chốt tại 9 công ty con và 2 đơn vị có vốn góp, hay 1 lãnh đạo kiêm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị 3 công ty thành viên…

Vinaconex giải thích rằng, với vai trò và nhiệm vụ được giao, Tổng công ty cần thiết phải cử các cán bộ chủ chốt tham gia nắm giữ các chức danh chủ chốt tại các công ty cổ phần thành viên để đảm đương nhiệm vụ quản lý, “bởi đây đều là những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn đã nhiều năm công tác tại Tổng công ty”.

Văn phòng Tổng công ty cũng đồng thời là một đơn vị trực tiếp kinh doanh, với giá trị thường xuyên chiếm hơn 50% của toàn Tổng công ty. Vì thế, việc các cán bộ chủ chốt phải nắm giữ chức danh quản lý ở nhiều công ty cổ phần thành viên là “tất yếu khách quan”.

Tuy nhiên, Vinaconex cho biết cũng đã chấp hành chỉ đạo của Bộ Xây dựng, giảm dần việc kiêm nhiệm nói trên. Một số trường hợp “vẫn còn phải kiêm nhiệm” tại thời điểm thanh tra ngành làm việc là do còn chờ thủ tục phê duyệt của Đại hội đồng cổ đông.

Về kết quả kinh doanh, tổng công ty này cho rằng dư luận vừa qua chưa khách quan khi chỉ so sánh kết quả năm 2004 (hơn 130 tỷ đồng) với năm 2003 (hơn 430 tỷ đồng) để đánh giá là hoạt động của Tổng công ty không hiệu quả.

Năm 2003, Vinaconex được hạch toán phần lợi nhuận thu được từ dự án khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Theo đó lợi nhuận năm này tăng đột biến và cao nhất kể từ khi thành lập đến nay. “Nếu loại bỏ yếu tố đột biến này thì kết quả kinh doanh năm 2004 không hề giảm sút so với năm 2003”.

Và trong bản giải trình, Vinaconex một lần nữa khẳng định rằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008 sẽ vượt hơn mức dự kiến.

( Theo vneconomy )

  • HPG công bố lãi 835 tỷ đồng trong 11 tháng
  • AIG bán một bộ phận của tập đoàn với giá bèo
  • Lần đầu tiên, Toyota dự báo lỗ
  • Ông Trương Gia Bình sẽ thôi chức Tổng giám đốc FPT
  • Truyền thống trăm năm cũng phá sản
  • Lotte Mart: Xâm nhập thị trường Việt Nam
  • TKV là đầu mối duy nhất xuất khẩu than
  • Co.op Food mở chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao