Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Vinaconex Nguyễn Văn Tuân, ra đời với xuất phát điểm thấp, Vinaconex liên tục tự đổi mới để thích ứng với điều kiện sản xuất, kinh doanh trong từng thời kỳ. Từ đơn vị xuất khẩu lao động, Vinaconex đã vươn sang lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, trở thành nhà thầu xây dựng hàng đầu của đất nước và là đơn vị đầu tiên thực hiện chiến lược đa doanh, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực tiềm năng cũng như cổ phần hóa toàn Tổng Công ty. Vinaconex đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước qua hàng nghìn công trình xây dựng trên khắp mọi miền đất nước. Trong đó có nhiều công trình quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam. 80% nhà máy xi măng trên đất nước Việt Nam mang dấu ấn người thợ Vinaconex, tiêu biểu như xi măng Bỉm Sơn, Bút Sơn, Nghi Sơn, Hoàng Mai, Hoàng Thạch... Nhiều công trình thủy điện như Buôn Kuốp (Đắc Lắc), Buôn Tua Shar (Đắc Nông), Cửa Đạt (Thanh Hóa), Sơn La... do Vinaconex làm chủ đầu tư, tổng thầu hoặc là nhà thầu thi công. Hầu hết các nhà máy nước tại các thành phố, đô thị, khu công nghiệp (KCN) trong cả nước đều do Vinaconex thiết kế, xây dựng, trong đó Vinaconex trực tiếp đầu tư nhà máy nước có công suất 300.000m3/ngày đêm cung cấp nước cho vùng phía Tây, Tây-Nam Thủ đô. Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Vinaconex đã và đang đầu tư xây dựng các khu đô thị mới (KĐTM) mà tiêu biểu là Trung Hòa - Nhân Chính, Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Bắc An Khánh (Hà Nội), Cái Giá - Cát Bà (Hải Phòng)... Đặc biệt là khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), khu nhà ở cho công nhân KCN Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) và nhiều công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội khác.
Là doanh nghiệp (DN) đi lên từ công nghệ mới, Vinaconex luôn coi công nghệ là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của thương hiệu. Hàng nghìn sáng kiến, đề tài được ứng dụng góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành, làm lợi cho DN hàng trăm tỷ đồng. Công nghệ thi công bằng cốp pha trượt được ứng dụng ở hầu hết công trình có cao độ từ vài chục mét đến 100m, tạo bước đột phá thực hiện công nghiệp hóa trong xây dựng dân dụng.
Không chỉ thành công trong kinh doanh, Vinaconex còn tích cực tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 5 năm qua (2005-2010), Vinaconex góp hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ đồng bào nghèo, gặp thiên tai ổn định cuộc sống.
Hướng tới tập đoàn kinh tế vững mạnh Là nơi hội tụ trí tuệ, niềm tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng của hơn 3.300 đảng viên và hơn 44.000 CBCNV đang lao động trên khắp mọi miền Tổ quốc, Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Vinaconex đã đề ra định hướng chiến lược phát triển Tổng Công ty thành tập đoàn kinh tế vững mạnh hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; xác định con người là nhân tố quyết định, là nguồn lực đặc biệt quan trọng... Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Thành Phương cho biết, để thực hiện được mục tiêu trên, tập thể lãnh đạo Vinaconex xác định phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng cá nhân trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, điều hành trước đơn vị và pháp luật, rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy chế quản lý điều hành của tất cả các đơn vị thành viên, đặc biệt là quy chế quản lý chất lượng sản phẩm công trình; coi chất lượng là sự tồn tại, phát triển của DN. Quy chế phải gắn chặt trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong từng lĩnh vực và mọi khâu với địa chỉ cụ thể trong quá trình quản lý, điều hành...
(Theo Khánh Khoa // Hanoimoi Online)