Trong số 22 dự án thăm dò - khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ở nước ngoài thì hợp đồng liên doanh khai thác dầu khí tại mỏ Junin 2 (Vê-nê-xu-ê-la) là dự án lớn nhất cả về trữ lượng, vốn đầu tư, là kết quả của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Vê-nê-xu-ê-la, là bước đi đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam sang thị trường châu Mỹ la-tinh.
Cán bộ PVEP khảo sát thực địa mỏ dầu. |
Là kết quả hơn bốn năm kiên trì, quyết liệt, tập trung trí tuệ công sức của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đi tìm thêm nguồn năng lượng cho Tổ quốc.
Những bước đi của dự án
Nằm trong chương trình hợp tác liên chính phủ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Vê-nê-xu-ê-la, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hu-gô Cha-vét ngày 29-7-2006. Hiệp định hợp tác về năng lượng giữa hai nước đã được ký kết, mở ra trang sử hợp tác trên lĩnh vực khai thác dầu khí của ngành dầu khí Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la - một quốc gia có tiềm năng và tiềm lực lớn về dầu khí.
Chỉ ba tháng sau, vào tháng 10-2006, đoàn Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã sang Vê-nê-xu-ê-la gặp gỡ bàn thảo với đối tác về nội dung chương trình hợp tác, ngày 6-10-2006, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hu-gô Cha-vét, hai bên đã ký các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trong đó có hợp tác triển khai thăm dò, đánh giá trữ lượng và cấp chứng chỉ trữ lượng lô số 2 khu vực Junin thuộc vành đai dầu Orinoco có trữ lượng lớn nhất Vê-nê-xu-ê-la.
Tháng 5-2007, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước nhân chuyến thăm Vê-nê-xu-ê-la của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Quốc gia Vê-nê-xu-ê-la (PDVSA) đã ký hợp đồng thành lập công ty liên doanh khai thác nâng cấp dầu tại lô Junin 2.
Sau khi bản hợp đồng thành lập Công ty liên doanh giữa Corporation Petroleo Del Vê-nê-xu-ê-la (CVP) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) được ký vào ngày 20-11-2008 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Vê-nê-xu-ê-la của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt quá trình đàm phán, trong năm 2009 và sáu tháng đầu năm 2010, hàng chục đoàn cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ Ban Luật và Quan hệ quốc tế của Tập đoàn đã cùng với Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) sang Vê-nê-xu-ê-la để thương thảo hợp đồng, nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của hai bên trong liên doanh.
Quá trình đàm phán, bàn thảo chi tiết các điều khoản trong hợp đồng liên doanh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã bốn lần sang Vê-nê-xu-ê-la để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình đàm phán vì có những vấn đề liên quan đến cấp Chính phủ hai nước. Ngoài ra, còn phải kể đến sự giúp đỡ của các bộ, ngành như: Ngoại giao, Kế hoạch và Ðầu tư, Công thương, Ngân hàng Nhà nước, v.v. trong hai năm đàm phán. Ngày 29-6-2010, hợp đồng thành lập và quản lý công ty liên doanh khai thác và nâng cấp dầu tại mỏ Junin 2 đã được ký tại Thủ đô Ca-ra-cát dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Ðinh La Thăng và đại diện các bộ: Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch và Ðầu tư.
Triển khai với tinh thần quyết liệt sâu sát, cụ thể ngay từ đầu
Khu vực dầu Orinoco (Vê-nê-xu-ê-la). |
Nhận rõ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của dự án Junin 2, ngay sau lễ ký kết, sáng 30-6 tại Vê-nê-xu-ê-la, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện dự án phát triển tại đây. Chủ tịch HÐQT PVN Ðinh La Thăng nhấn mạnh: "Ðây là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay và cũng là dự án đầy khó khăn, lại cách xa Tổ quốc hơn 20 nghìn km, nhưng dự án có sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ hai nước. Dó đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí phải thật sự xung kích, đi đầu vào những nơi khó khăn để sớm vận hành khai thác. Ðem lại hiệu quả cho dự án, cho liên doanh, đem lại lợi ích cho hai nước Việt Nam - Vê-nê-xu-ê-la".
Không cho phép tự bằng lòng với những gì đã đạt được là phương châm hành động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Bởi dừng lại là tụt hậu, dừng lại là bỏ lỡ thời cơ. Ðảng ủy Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí PVEP đã thể hiện quyết tâm: Huy động mọi nguồn lực để vận hành ngay dự án. Ðồng chí Trần Ðức Chính, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐ thành viên Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí cho biết: Hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, thách thức đang ở phía trước, ký được hợp đồng đã khó, triển khai thực hiện hợp đồng còn khó hơn nhiều, nhưng bằng kinh nghiệm, bằng năng lực sẵn có, chắc chắn Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí sẽ tìm được dầu cho đất nước.
Mỏ Junin 2 nằm cách Thủ đô Ca-ra-cát gần 1.000 km, đây là vùng đầm lầy, hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có, liên doanh sẽ phải làm đường cung cấp điện, nước, xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ để có thể bảo đảm việc ăn ở, sinh hoạt cho hàng chục nghìn người. Do đó phải lường hết những khó khăn nơi "đất khách quê người". Ðó là thủ tục hành chính, thời gian hành chính, cung cách làm việc của bạn còn chậm trễ, trật tự, an toàn xã hội chưa thật tốt, tỷ lệ trượt giá, lạm phát còn ở mức cao. Do đó nếu quá trình triển khai chậm (các thủ tục đầu tư - mua sắm) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của dự án.
Ðồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết: Với tinh thần chủ động và vào cuộc một cách quyết liệt, PVEP sẽ kiện toàn văn phòng đại diện, bổ sung cán bộ có trình độ, năng lực làm việc trong liên doanh, mặt khác sẽ cử sang Vê-nê-xu-ê-la một Phó Tổng giám đốc để trực tiếp lãnh đạo, điều hành dự án, tinh thần chung được xác định rõ trong thời gian tới là: Trách nhiệm kiên trì, chủ động và quyết liệt để đến năm 2012 ra sản phẩm dầu đầu tiên, đáp ứng niềm mong đợi của Ðảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, khẳng định niềm tin của các bạn Vê-nê-xu-ê-la.
So với các dự án liên doanh khai thác dầu khí tại Vê-nê-xu-ê-la, dự án liên doanh giữa PVEP với Petroleo del Vê-nê-xu-ê-la là dự án được tiến hành nhanh nhất, là nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí hai nước. Ðây cũng là dự án có tổng mức đầu tư lớn lên đến hơn 8 tỷ USD, phía Việt Nam góp 3,2 tỷ USD và gần 600 triệu USD phí khi tham gia dự án. Từ năm 2012, mỗi ngày liên doanh sẽ khai thác 50 nghìn thùng dầu. Từ năm 2015, mỗi ngày sẽ có 100 nghìn thùng dầu chuyển về Việt Nam cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Triển vọng to lớn
Ngay sau khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Vê-nê-xu-ê-la (PDVSA) ký hợp đồng thành lập công ty liên doanh khai thác mỏ Junin 2, báo chí thế giới đánh giá cao sự thành công của Việt Nam khi tham gia dự án. Ðứng bên cạnh các Tập đoàn Dầu khí có uy tín của các nước có nền công nghiệp khai thác, chế biến dầu mỏ như: Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam không chỉ được tham gia, mà còn trực tiếp điều hành khai thác tại vành đai dầu khí khổng lồ Orinoco của Vê-nê-xu-ê-la. Với Junin 2, đây là mỏ có trữ lượng khá lớn, 1,4 tỷ thùng, tương đương với 200 nghìn thùng dầu/ngày.
Bạn đã thăm dò, đánh giá đầy đủ trữ lượng, mỏ Junin 2 được nhiều tập đoàn dầu khí nước ngoài quan tâm, nhưng bằng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, Vê-nê-xu-ê-la đã dành dự án Junin 2 cho Việt Nam. Trước ngày đoàn Chính phủ, bộ, ngành Việt Nam về nước, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Năng lượng điện Vê-nê-xu-ê-la Ali Rodriquez Araque đã ký bản thỏa thuận, chấp nhận việc tính thuế kéo dài 8 năm, để từ năm thứ 9, phía ta bắt đầu có lãi. Ngoài ra, sau khi kết thúc hợp đồng liên doanh khai thác 25 năm, dự án có thể kéo dài thêm 15 năm, phía bạn sẵn sàng hợp tác để mở rộng cơ hội đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sang Vê-nê-xu-ê-la mà trước mắt là thăm dò, đánh giá trữ lượng dầu ở lòng hồ Bo-ra-ca-bô và vịnh ngoài khơi Vê-nê-xu-ê-la. Phía bạn cũng thông báo, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la sẽ tham gia đầu tư dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II, để lọc dầu từ mỏ dầu Junin 2 do liên doanh PetroMacareo giữa Việt Nam và Vê-nê-xu-ê-la khai thác. Trong thời gian tới sẽ có thêm các liên doanh thăm dò, khai thác chế biến dầu khí của Petro Việt Nam ra đời ở Vê-nê-xu-ê-la, phía bạn cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm cầu nối để hàng hóa, lương thực, thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Vê-nê-xu-ê-la. Vì từ trước đến nay, các loại sản phẩm hàng hóa như dệt, may, da giày, v.v. đều phải nhập qua nước thứ ba.
Trong buổi tiếp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Thương mại Vê-nê-xu-ê-la đề nghị nước ta xuất khẩu và cung cấp cho Vê-nê-xu-ê-la mỗi năm 300 nghìn tấn gạo, đề nghị được nhập khẩu 1.500 máy biến áp/năm... và nhiều loại hàng hóa nhu yếu phẩm khác.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao cho Ðại sứ nước ta tại Vê-nê-xu-ê-la Trần Thanh Huân, chủ động liên hệ, là đầu mối để đáp ứng ngay những yêu cầu của phía bạn, việc ký kết hợp đồng thành lập liên doanh dầu khí PetroMacareo là kết quả, là bước đi đầu tiên tại quốc gia ở châu Mỹ la-tinh, được bạn đánh giá cao. Nhưng theo Tổng Giám đốc Petro Việt Nam Phùng Ðình Thực: Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, trở ngại, Petro Việt Nam sẽ chứng minh năng lực, tính chuyên nghiệp, cam kết thực hiện đúng tiến độ dự án, để tiếp tục mở rộng và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa ngành dầu khí hai nước, hiện thực và làm sáng ngời thêm mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước.
(Theo Tiến Phú // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com