Ngày 15/12, Công ty truyền thông và du lịch Bách Thiện chính thức công bố bảng xếp hạng “G1000 - Top 1000 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009” dựa theo tiêu chí doanh thu. Dưới đây là toàn cảnh doanh nghiệp trong bảng xếp hạng này.
Trong 1000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009 có đến 72,2% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. |
Cơ cấu ngành nghề
Trong 1000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009 có đến 72,2% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 8,4% trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, 12,9% trong lĩnh vực dịch vụ và 3,7% trong lĩnh vực thủy sản.
Cơ cấu này cho chúng ta thấy các doanh nghiệp lớn nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Ưu thế của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cũng là một điều đáng mừng, đây là cơ sở tạo nền tảng để nước ta thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Nếu tính riêng trong lĩnh vực Công nghiệp, lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp lớn nhất là ngành công nghiệp năng lượng chiếm tỷ lệ 18.4%, ngành xây dựng đứng vị trí thứ 2 với 16.1%,tiếp theo là ngành Da giày - Dệt may đứng thứ xếp ở vị trí thứ 3 với 13.9%.
Cơ cấu này cũng thể hiện phần nào vai trò của các doanh nghiệp ngành Công nghiệp năng lượng, xây dựng và Da giày - Dệt may trong năm qua. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, nhưng các ngành này vẫn khẳng định vị trí trong khối ngành Công nghiệp của toàn nền kinh tế
Cơ cấu sở hữu doanh nghiệp
Về cơ cấu loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc khu vực kinh tế Nhà nước bao gồm các Tập đoàn, các Tổng công ty và các công ty Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 45,7%. Các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước cũng gần như chiếm vị trí độc tôn trong G20 – Top 20 Doanh nghiệp lớn nhất.
Số lượng các Tập đoàn và Tổng công ty là rất nhiều. Có tổng cộng 8 tập đoàn kinh tế nhà nước, 31 tập đoàn kinh tế tư nhân và 120 Tổng công ty.
Số lượng các công ty cổ phần là 323 trong đó có 125 doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng minh bạch hoá thông tin, thể hiện sự mong muốn hợp tác đầu tư của doanh nghiệp với các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.
Doanh nghiệp tư nhân cũng đang dần thể hiện vị thế của mình trong nền kinh tế với số lượng doanh nghiệp tư nhân chiếm tỉ lệ là 28,9%
Một điều đáng chú ý nữa là số lượng các doanh nghiệp FDI đã chiếm 25,4% trong bảng xếp hạng năm nay. Điều này cũng là dễ hiểu bởi Việt Nam đã thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thể hiện qua sự bùng nổ vốn FDI vào Việt Nam mấy năm qua.
Phân bố địa bàn
Doanh nghiệp Top 1000 năm nay trải rộng trên địa bàn 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Không có gì ngạc nhiên khi Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp với 302 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và 239 doanh nghiệp tại Hà Nội. Tiếp đến là các doanh nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng,…Nhìn chung khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền Đông Nam Bộ là hai khu vực kinh tế thu hút nhiều nhà đầu tư nhất.
Lao động
Top 1000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 2,4 triệu lao động. Các doanh nghiệp có số lao động lớn như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (119.536 người), Tập đoàn dệt may Việt Nam (118.941 người), Tập đoàn bưu chính viến thông Việt Nam (91.000 người)…..
Kết quả hoạt động kinh doanh
Tổng doanh thu của Top 1000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2009 là trên 3,2 triệu tỷ đồng, tương đương 190 tỷ USD. Mặc dù năm 2008 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các doanh nghiệp trong Top 1000 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 20-25% so với năm trước. Các doanh nghiệp đạt mức doanh thu lớn như Tập đoàn dầu khí Quốc gia, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn…
Để đánh giá mức độ phát triển của các tỉnh thành, Công ty truyền thông và du lịch Bách Thiện đã thống kê tỉ lệ doanh thu theo địa phương và theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Hà Nội là địa phương có tỉ lệ doanh thu của các doanh nghiệp cao nhất chiếm tỉ lệ 45,3%, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh chiếm 29,3%. Sở dĩ doanh nghiệp Hà Nội chiếm tỉ lệ doanh thu cao như vậy là do hầu hết các tập đoàn và tổng công ty lớn đều có trụ sở chính tại Hà Nội.
Tỉ lệ doanh thu của các doanh nghiệp theo địa phương có tỉ lệ chênh lệch rất lớn, chỉ tính riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm tỉ lệ gần 75% tổng doanh thu các doanh nghiệp.
Doanh thu trung bình của một doanh nghiệp tại Hà Nội cũng là cao nhất đạt 6.566 tỷ đồng, thứ hai là doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 3.359 tỷ đồng, tiếp theo là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 3.245 tỷ đồng.
Doanh thu lĩnh vực công nghiệp chiếm phần lớn tổng doanh thu đạt tỉ lệ 75,7%, thứ 2 là ngành dịch vụ chiếm tỉ lệ 14,7%, lĩnh vực Nông nghiệp đứng ở vị trí thứ 3 với 6,9% tổng doanh thu.
Tuy nhiên doanh thu trung bình của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lại đạt cao nhất, đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, lĩnh vực công nghiệp đứng thứ hai với 3.634 tỷ, thứ ba là Nông nghiệp đạt 2.863 tỷ. Sự chênh lệch doanh thu trung bình của các doanh nghiệp là không lớn.
Năm nay doanh thu tối thiểu của các doanh nghiệp là 600 tỷ, nhưng Công ty Bách Thiện hi vọng năm tới doanh thu tối thiểu của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng sẽ là 1000 tỷ. Để hướng tới mục tiêu “1000 Doanh nghiệp 1000 tỷ chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.”
Mặc dù sẽ không tránh khỏi các sai sót trong việc điều tra thu thập số liệu thống kê, vì vậy Công ty truyền thông và du lịch Bách Thiện mong nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng các doanh nghiệp, từ cơ quan quản lý nhà nước và từ công chúng để hoàn thiện hơn nữa bảng xếp hạng G1000 nói riêng và ngành xếp hạng Việt Nam nói chung.
(Theo P.V // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com