Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trung tâm thương mại cố giữ khách

Quần hàng vắng người mua là cảnh thường thấy tại các TTTM ở TPHCM hiện nay. Ảnh: Minh Tâm

Tại nhiều trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn TPHCM, lượng khách đến mua sắm thưa vắng, sức mua giảm sút đã tạo áp lực lớn lên các chủ kinh doanh thuê mặt bằng, khiến không ít người phải trả quầy, ra khỏi TTTM. Hiện các TTTM phải tung nhiều chiêu, nhiều chương trình phục vụ để giữ chân và hút khách thuê mới.

Ghi nhận ở một số TTTM thời gian gần đây, sức mua đã giảm mạnh khi người tiêu dùng giảm chi cho mua sắm, khiến một số chủ quầy hàng tại các TTTM buộc phải cắt giảm nhân viên, trả mặt bằng để cắt lỗ. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Maximart, đơn vị quản lý hai TTTM ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình và đường 3/2, quận 10, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng các khách thuê mặt bằng đang kinh doanh rất khó khăn khi sức mua giảm sút.

Chị Phương, một khách hàng mua sắm tại TTTM Saigon Square nhận xét, hiện có khá nhiều người bán hàng đã nghỉ bán, sang quầy vì buôn bán khó khăn. “Như chủ quầy tôi quen đã hơn 5 năm nay chẳng hạn. Hôm rồi tôi đến mua hàng thì quầy đã đóng, gọi điện thoại cho chị ấy thì mới hay do bán ế quá nên chị nghỉ bán, ở nhà làm việc khác”, chị Phương kể.

Theo bà Hồng của hệ thống siêu thị Maximart, để chia sẻ và hỗ trợ khách thuê như một cách để giữ chân khách hàng giữa lúc khó khăn thì các chủ TTTM đang phải làm nhiều cách, bao gồm hỗ trợ về giá thuê. Không tiết lộ cụ thể mức giảm của giá thuê mặt bằng trọn gói là bao nhiêu so với trước đây nhưng bà Hồng cho biết đây là một cách không thể không làm lúc này.

Các doanh nghiệp có ý định đi thuê mặt bằng cũng xác nhận điều này với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và ông Quách Nguyễn Thanh Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Trang trí nội thất Cao Tốc, là một trong số họ. Ông cho biết thời gian qua ông nhận được khá nhiều lời chào vào các TTTM với phương thức ăn chia trên doanh số bán hàng, không cần phải thuê mặt bằng hoặc đạt chỉ tiêu doanh số 3 tháng, 6 tháng như yêu cầu trước kia.

Theo ông Phong, nguyên nhân của sự chiều khách thuê mặt bằng như hiện nay cho thấy là các TTTM đang vắng, mất khách thuê nên chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách và hút khách mới nhằm lấp chỗ mặt bằng đang trống.

Bên cạnh việc giảm giá hoặc thay đổi cách thức hợp tác, các TTTM cũng liên tục tổ chức các chươngh trình khuyến mãi để hút khách đến mua hàng. “Chúng tôi hỗ trợ các quầy hàng bằng cách xây dựng chương trình, thực hiện quảng bá để hút khách”, bà Hồng nói.

Đại diện một TTTM nằm ngay trung tâm quận 1 cho biết, suốt thời gian qua phải liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi để kéo khách đến TTTM này vì khi có chương trình khuyến mãi thì mới có khách qua lại, hết chương trình là lại vắng. Vì vậy, bà nói các TTTM phải liên tục động não làm các chương trình chứ không đợi đến dịp lễ như những năm trước đây.

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, nhờ các chương trình khuyến mãi do TTTM tổ chức mà giá nhiều mặt hàng ở đây hợp lý hơn so với giá hàng cùng loại, cùng nhãn hiệu bán tại các cửa hàng độc lập. Ví dụ, tại gian hàng của nhãn hiệu Ninomaxx ở TTTM Parkson Trường Sơn đang có chương trình khuyến mãi mua một áo nam hoặc nữ với giá 250.000 đồng và mua hai áo chỉ có giá 399.000 đồng. Trong khi đó, ở các cửa hàng Ninomaxx lại không áp dụng chương trình này.

Khuyến mãi bằng cách mua một tặng một, giảm giá cho một phiếu thanh toán có từ hai mặt hàng cùng loại trở lên, giảm giá bán sản phẩm từ 10% đến hơn 50%, bán hàng kèm tặng phiếu mua hàng cho lần sau... là những cách thức phổ biến mà các trung tâm thương mại, các chủ quầy hàng đang áp dụng rộng rãi để khách mở hầu bao cho mua sắm và để níu chân họ quay trở lại khi nhiều khó khăn vẫn còn đó.

(Thời báo kinh te SG)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng