(minh họa: Khều) |
Chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2010, diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, từ ngày 27 đến 31-1-2010, là “Improve the Status of the World: Rethink, Redesign, Rebuild” - tạm dịch là “Cải thiện tình trạng thế giới: tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại”.
Theo chương trình của diễn đàn, “tư duy lại” tập trung vào việc xem xét lại các mô hình kinh doanh, cải cách tài chính và quản lý rủi ro; “thiết kế lại” tập trung vào các thể chế, chính sách và luật lệ nhằm “bịt kín” các kẽ hở quản lý, ngăn ngừa những thất bại mang tính hệ thống, và phục hồi sự tăng trưởng; “xây dựng lại” tập trung vào lòng tin - sự tin tưởng vào một tương lai thành công của nền kinh tế thế giới. Điều thú vị là thông điệp mang tính lý luận của WEF vừa qua lại hoàn toàn trùng hợp với cách tiếp cận thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề tái lập, tái cấu trúc doanh nghiệp - vốn là chủ đề được thảo luận sôi nổi ngay từ giữa năm 2008. Sự trùng hợp này có nguyên nhân rất thuyết phục là sự giống nhau về bản chất của suy thoái kinh tế toàn cầu với suy thoái của từng doanh nghiệp. Bản chất đó là sự bất hợp lý trong các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển, trong mô hình kinh doanh, trong cơ cấu và cơ chế vận hành của nền kinh tế (và của từng doanh nghiệp). Và, cách giải quyết căn cơ nhất đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như đối với từng doanh nghiệp chính là việc phải “tư duy lại” để “thiết kế lại” và “xây dựng lại” từ “gốc” đến “ngọn”, cả phần “cứng” lẫn phần “mềm”; khác với các giải pháp tình thế, thường chỉ chú trọng đến phần “ngọn”. Hãy thử nhìn lại thực trạng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp phát triển nhanh chóng nhờ vào các cơ hội kinh doanh thuận lợi và sự lựa chọn đúng ngành hàng, đúng thời điểm, hơn là nhờ vào các chiến lược dài hạn, được xây dựng cẩn trọng và bài bản. Vì vậy, khi đã phát triển đến một quy mô nào đó, chủ doanh nghiệp bắt đầu cảm thấy lúng túng trong việc định hướng kinh doanh cũng như trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp. Khi đó, chỉ cần một tác lực hơi mạnh một chút là doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu tạo áp lực rất mạnh, không chỉ tác động xấu lên kết quả kinh doanh trước mắt mà còn để lại những “di chứng” nặng nề, làm nhiều doanh nghiệp gần như kiệt quệ và đổ sập do được xây dựng trên nền móng yếu. Giống như việc hứng chịu một cơn bão lớn, doanh nghiệp không phải chỉ gom góp những gì còn sót lại để “dựng lều tạm” và “sống qua ngày”, mà quan trọng hơn, phải tìm ra giải pháp căn cơ và toàn diện để xây dựng ngôi nhà doanh nghiệp vững chắc, có thể đương đầu với những cơn bão khác trong tương lai. Giải pháp căn cơ và toàn diện đó không gì hơn là phải xem xét, tư duy lại toàn bộ bối cảnh, cục diện bên trong, bên ngoài doanh nghiệp, từ đó xác định lại mục tiêu, định hướng chiến lược, mô hình kinh doanh, và xây dựng lại doanh nghiệp từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đi vào các giải pháp tình thế như bán tháo hàng tồn kho, thu hồi công nợ, thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí… Những giải pháp này có thể ví như “chiếc lều tạm”, giúp doanh nghiệp trú đỡ qua ngày, nhưng không thể làm cho doanh nghiệp có được ngôi nhà vững chắc, có thể chịu được các cơn bão khác sẽ đến. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững không thể không đi theo con đường của Diễn đàn Davos là tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại chính mình. Điều đáng lưu ý là một số doanh nghiệp, sau quá trình tư duy lại một cách nghiêm túc, đã nhận ra con đường mình đang đi không còn phù hợp, nếu không muốn nói là sai lầm hoàn toàn; có doanh nghiệp phải thay đổi cả mô hình tổ chức hoạt động; thậm chí có doanh nghiệp rút lui, chuyển sang kinh doanh một ngành nghề hoàn toàn mới… Không chỉ định hướng hay chọn mô hình kinh doanh mới, có khi cơ cấu và cơ chế vận hành cũng thường thay đổi đáng kể sau quá trình tư duy và thiết kế lại. Nhiều chủ doanh nghiệp đã chịu “buông” bớt quyền lực, chấp nhận “tái thiết” doanh nghiệp theo một cơ cấu và cơ chế mới cho chuyên nghiệp hơn, cho dù cơ cấu và cơ chế mới này có thể không dành chỗ đứng cao nhất cho mình. Một khi chấp nhận việc san sẻ sở hữu, san sẻ quyền lực, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chấp nhận đứng sau đối tác, làm người thứ hai, thứ ba… Cá biệt, có chủ doanh nghiệp bán hết, nhường hết việc sở hữu và quyền lực để lấy tiền về làm chuyện khác. Dù thay đổi như thế nào, nếu được tư duy, phân tích và chọn lựa một cách chuyên nghiệp, cẩn trọng, chắc chắn cũng sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều hơn là cứ ngồi ì, không dám thay đổi. Những bộ óc thông thái hàng đầu thế giới vẫn buộc phải tư duy lại, không lý gì chúng ta cứ “lầm lũi” bước đi, bất chấp chuyện gì sẽ xảy ra. Davos như một lời nhắc nhở, thôi thúc các doanh nghiệp Việt Nam hãy hành động trước khi quá muộn. Khủng hoảng có thể đã qua, nhưng không gì đảm bảo con đường phía trước sẽ chỉ toàn hoa hồng.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com