TBKTSG đặt câu hỏi với một số nhà tư vấn doanh nghiệp rằng giả sử một ngày đẹp trời nào đó tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin đến gõ cửa nhờ giúp tái cấu trúc Vinashin thì liệu họ sẽ nhận lời hay thoái thác.
Có người im lặng không trả lời, nhiều người thẳng thắn trả lời là không dám nhận. Nhiều người thận trọng nhưng cũng có những doanh nghiệp hào hứng, coi đấy là một bài toán hóc búa cần phải có lời giải, cũng như vinh hạnh được góp sức vào cuộc trùng tu con tàu mắc nạn này.
Dẫu nhận lời hay thoái thác, dẫu thận trọng hay hào hứng thì các nhà tư vấn đều nhất trí với nhau ở chỗ những thông tin họ có được từ Vinashin quá tù mù, không đủ cơ sở để xây dựng một chiến lược tái cơ cấu hiệu quả.
Thông tin về Vinashin quả thật khiến cho người ta luôn giật mình. Lâu lâu doanh nghiệp này lại lòi thêm một khoản nợ mới, từ 86.000 tỉ đồng, bỗng chốc nghe phong thanh lên 120.000 tỉ. Khối tài sản được cho là 120.000 tỉ đồng của doanh nghiệp này cũng chỉ là sự ước lượng, mà chưa chắc giá trị thực đã đến được mức ấy. Những phi vụ làm ăn mờ ám, rồi những con số lãi giả lỗ thật cứ nhảy múa. Ngay cả đến đại biểu Quốc hội cũng không có được thông tin chính xác, huống hồ chỉ là một nhà tư vấn hay một người dân ngoài cuộc.
Nỗi e sợ về câu chuyện trái bóng trách nhiệm của tập đoàn này cũng khiến các nhà tư vấn ngán ngại. “Tôi rất sợ trách nhiệm tập thể”, ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win, cho biết.
Có hơn 10 năm kinh nghiệm làm quản lý ở một số tập đoàn đa quốc gia, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn IME, nói với TBKTSG rằng sự khác biệt của một công ty nước ngoài và Vinashin chính là trách nhiệm. Mà như ở Vinashin câu chuyện thành công và thất bại đan xen, và phần trách nhiệm cũng chồng chéo. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, cũng như của đội ngũ điều hành là nhân tố quyết định, chi phối các nhân tố khác và hoạt động của doanh nghiệp. Ông Hòa nói những quy trình hoạt động, chính sách kinh doanh, chiến lược điều hành, thị trường... và cả một hệ thống đều từ trách nhiệm mà ra, mà một khi không được phân định rõ ràng thì khi hữu sự, người ta sẽ tìm cách né tránh.
Vậy ai là người trực tiếp chịu trách nhiệm cao nhất của Vinashin, hay của “Vinashin mới”? Và liệu người đó có dám chịu trách nhiệm về việc đưa ra quyết định cuối cùng theo yêu cầu của doanh nghiệp tư vấn hay không? Và người chịu trách nhiệm đó muốn đạt được gì khi tiến hành tái cấu trúc? Những câu hỏi này là những điều mà nhà tư vấn muốn biết, bên cạnh những thông tin trung thực về số nợ, số tài sản hiện hữu. “Mọi thứ cần phải được minh bạch, mà đây cũng chính là trách nhiệm”, ông Đỗ Hòa nói.
Nói cách khác, để tái cơ cấu một Vinashin đang rệu rã, thì nhà tư vấn muốn biết được mục tiêu, yêu cầu mà Hội đồng quản trị, hay Ban điều hành của Vinashin, hay “Vinashin mới”, muốn hướng đến. Chỉ khi nắm bắt được toàn bộ hiện trạng một cách trung thực bằng các cuộc khảo sát, nghiên cứu, thì nhà tư vấn mới có thể bắt đầu đưa ra các giải pháp đồng bộ, các mục tiêu cần đạt được trong từng thời hạn cụ thể.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com