Thứ hai tuần tới đây, số phận của quỹ Việt Nam Enterprise Investment Fund (VEIL), một trong những quỹ lớn nhất do Dragon Capital (DC) quản lý, sẽ được cổ đông bỏ phiếu định đoạt.
Kết quả dù có đi theo hướng nào, thì cũng bất lợi đối với DC, công ty quản lý quỹ nước ngoài có mặt lâu năm nhất ở Việt Nam. Tin tệ hơn, là không chỉ DC mà tất cả quỹ đầu tư niêm yết khác đều ở trong tình trạng bất ổn, khi chứng chỉ quỹ của họ tiếp tục giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị ròng.
VEIL, quỹ đóng/mở hay thoái vốn?
VR Capital, một quỹ đầu cơ trụ sở tại Nga chuyên đầu tư vào các tài sản “có vấn đề”, gần đây tăng cường mua chứng chỉ quỹ của VEIL và hiện đang vận động thoái vốn quỹ này. Richard Deitz, giám đốc điều hành quỹ này cho rằng nhà quản lý quỹ VEIL, DC không đại diện cho quyền lợi của cổ đông. Ông Deitz dẫn bằng chứng rằng nhà đầu tư đang bị thiệt khi chứng chỉ quỹ VEIL giao dịch thấp hơn so với giá trị ròng (NAV) trong một thời gian dài. Vào thời điểm hiện tại, mức chiết khấu là gần 20%. Ông Deitz nói: “Từ cách đây chín tháng chúng tôi đã đề xuất giải pháp là chuyển VEIL thành quỹ mở thay vì quỹ đóng như hiện nay. Với mô hình quỹ mở, cổ đông có thể thu lại tiền một cách dễ dàng hơn, đúng với giá trị ròng của chứng chỉ quỹ. Nhưng DC không chấp nhận. Vì vậy chúng tôi phải yêu cầu thoái vốn”.
Theo đánh giá của một nhà phân tích chứng khoán của LCF Rothschilds London, công ty theo dõi các quỹ đầu tư vào các thị trường đang lên, thì khả năng có đủ 75% phiếu để đi đến quyết định thoái vốn của VEIL là khó xảy ra; tuy nhiên nếu trên 50% cổ đông của VEIL đứng cùng phe với VR Capital thì quỹ này cũng sẽ phải đi đến quyết định thoái vốn. Giữa việc sở hữu chứng chỉ quỹ giá thấp và tính thanh khoản không cao, với việc thu tiền về cao hơn khoảng 20% giá trị cổ phiếu, thì lựa chọn thứ hai hấp dẫn hơn nhiều.
VEIL là một trong những quỹ đầu tư đầu tiên và lớn nhất của DC. Cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài khác, VEIL từng đem về lợi nhuận cho cổ đông thời điểm thị trường lên cao những năm 2006 – 2007. Điểm yếu nhất hiện nay của DC là thất bại trong khoản đầu tư vào dự án mỏ quặng hợp kim Núi Pháo, được mua vào thời điểm thị trường hưng phấn nhưng không bán được khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Nhiều căng thẳng xảy ra với dự án này, kết thúc bằng việc tập đoàn Masan mua lại 70% phần sở hữu của DC trong dự án này trong một thoả thuận mà phần thiệt hại thuộc về DC. Một phần của quỹ VEIL được huy động đầu tư vào dự án này, và đây là lý do mà các cổ đông như VR Capital có thể gán trách nhiệm cho DC là “đầu tư không hiệu quả” và “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ.” VR Capital còn doạ sẽ áp lực thay đổi ban quản lý quỹ.
Quỹ mở tại Việt Nam? Các nhà đầu tư nước ngoài bấy lâu nay chủ yếu đầu tư vào Việt Nam qua các quỹ đóng, trong đó chứng chỉ quỹ được mua bán trên thị trường niêm yết và nhà đầu tư chỉ có thể đổi chứng chỉ quỹ lấy tiền khi quỹ thoái vốn. Đây không phải là hình thức được ưa chuộng, đặc biệt vì tính thanh khoản của các chứng chỉ quỹ này không cao. Quỹ mở cho phép nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu từ quỹ và cũng có thể đổi cổ phiếu lấy tiền vào bất kỳ thời điểm nào. Với hình thức này, giá trị ròng của quỹ phải được định giá hàng ngày. Theo ông Lê Hải Trà, phó tổng giám đốc sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho quỹ mở trong nước. Tuy nhiên ông Trà cũng cho biết việc một quỹ niêm yết ở nước ngoài, bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức quỹ mở, nếu không bán cho nhà đầu tư Việt Nam thì không chịu quy định của khung pháp lý Việt Nam. Nói cách khác, việc các quỹ đầu tư vào Việt Nam niêm yết ở nước ngoài chuyển từ quỹ đóng sang quỹ mở là không trái với quy định tại Việt Nam. |
Ông Dominic Scriven, nhà quản lý của DC cho rằng việc chuyển VEIL thành quỹ mở theo yêu cầu của VR Capital là không khả thi vì luật pháp Việt Nam chưa có quy định cho hình thức quỹ mở. Hình thức đầu tư này được cho là có thể khiến cho thị trường dễ thay đổi; đồng thời Việt Nam cũng chưa có một thị trường hối đoái ổn định để hỗ trợ cho quỹ mở. “VR Capital cũng đã đầu tư vào Indochina Capital. Đầu tư vào những tài sản đang gặp vấn đề là nghề của họ. Tôi không nói rằng họ là xấu hay tốt, nhưng chúng tôi không chỉ đại diện cho quyền lợi của một cổ đông, mà còn đại diện quyền lợi cho nhiều cổ đông khác”, ông Scriven nói.
Đe doạ nào với các quỹ Việt Nam?
Tại đại hội cổ đông tuần tới, số phận của VEIL sẽ được quyết định, và thị trường sẽ biết liệu VEIL có giống như Indochina Capital hay không. Đây không chỉ là vận hạn của DC, mà tất cả các quỹ niêm yết đầu tư vào thị trường Việt Nam đều đang đứng trước khả năng bị giải tán nếu ý chí cổ đông đủ lớn để đẩy đến quyết định thoái vốn hàng loạt quỹ. Theo dữ liệu của LCF Rothschilds London, 21 quỹ Việt Nam có mức chiết khấu trung bình gần 30%; bốn quỹ đầu tư vào các công ty chưa niêm yết có mức chiết khấu khoảng 45%; năm quỹ đầu tư địa ốc có mức chiết khấu trên 45%. Với mức chiết khấu lớn như thế này, có một khoảng chênh lệch gần 1,5 tỉ USD giữa giá trị ròng của quỹ với giá trị giao dịch – một khoản đầu tư hấp dẫn với những nhà đầu tư như VR Capital.
Mức chiết khấu của các quỹ đầu tư Việt Nam cao hơn nhiều so với các thị trường châu Á khác: Trung Quốc trung bình 13%, Ấn Độ 8 – 9%. Tại sao có hiện tượng này? Theo ông Scriven, có hai lý do, một là do chu kỳ đầu tư – các nhà đầu tư nước ngoài lớn chưa quay lại Việt Nam sau khủng hoảng; hai là tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường kể từ sau khủng hoảng.
Nhà quản lý quỹ VinaCapital, ông Don Lam, thì cho rằng kinh tế Việt Nam đang trong một trạng thái mạnh khoẻ, nhưng các nhà quản lý quỹ ở nước ngoài không nhìn thấy được sự lạc quan của nhà đầu tư tại Việt Nam. “Vì nền kinh tế đang vận hành tốt, vấn đề hẳn là phải nằm trong quan niệm. Một số nhà quan sát cho rằng các chuyên gia ở nước ngoài vẫn chưa hài lòng với những quyết định về chính sách ở Việt Nam, mặc dù Chính phủ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn 2008 – 2009. Có lẽ là do thiếu sự rõ ràng trong một số quyết định và chính sách, và Chính phủ chưa phải lúc nào cũng chuyển tải thông điệp rõ ràng đến thị trường”, ông Lam nói.
VinaCapital đang gọi vốn cho một quỹ đầu tư địa ốc không niêm yết. Ông Lam cho rằng: “Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam đang tăng… Vấn đề mà một số nhà quản lý quỹ đang gặp phải trong vòng hai năm qua liên quan đến một số phi vụ đầu tư cụ thể để lại tác động xấu cho danh mục đầu tư của họ”.
Nếu đối mặt với việc thoái vốn, theo điều lệ VEIL vẫn có hai năm để bán các tài sản của mình; tác động lên thị trường chứng khoán trong nước có thể nói là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu không chỉ VEIL mà nhiều quỹ khác cùng đối mặt với áp lực này, thì tác động lúc đó lên thị trường chứng khoán sẽ lớn hơn nhiều. Vốn đầu tư từ các quỹ này chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường sẽ phải tìm một cách khác để tiếp cận với nguồn vốn đầu tư. Nói cách khác, tuy vấn đề của mỗi quỹ một khác, nhưng họ đều gặp một khó khăn chung là khó kêu gọi nguồn vốn đầu tư mới.
(Theo Lan Anh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com