Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Múa Xuân Phả - ngọc quý xứ Thanh

Trò múa Ngô Quốc.

Theo lời kể của các nghệ nhân, nguồn gốc múa Xuân Phả có từ thời nhà Đinh dẹp loạn 12 xứ quân. Hàng năm, vào các ngày 10 và 11/2 âm lịch, lễ hội Xuân Phả được tổ chức tại làng Xuân Phố (nay là Xuân Phả) thuộc xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá).
 
Để chuẩn bị cho lễ hội, làng phải chọn những trai thanh, nữ tú, có đạo đức tốt, tổ chức tập luyện trước Tết những 2 tháng. Trò múa Xuân Phả có 5 điệu: 1 - Trò múa Hoa Lan: Có 2 người đội lốt kỳ lân ra múa. Tiếp đó, có ông chúa múa siêu đao và 2 quân múa đấu ngựa. Theo sau là đoàn quân 10 người múa quạt. Đoạn kết múa chèo thuyền thay lời tạm biệt kẻ ở, người đi. Phục trang cho phần múa này là áo dài tứ thân màu xanh nước biển, quần trắng mũ da bò cong 2 đầu. 2 - Trò múa Chiêm Thành: Đoạn đầu có 2 phỗng múa dâng hương. Đoạn sau có nhân vật chúa dẫn đoàn 10 người múa.
 
Phần kết múa tung hoa. Phục trang gồm mũ vải đỏ có sừng 2 bên, áo và khăn đều màu đỏ. 3 - Trò múa Lục Hồn Nhung: Mở đầu có một cụ già chống gậy, theo sau là đoàn gõ sênh. Tất cả tựa như đàn con vây quanh người mẹ. Phục trang múa gồm áo dài xanh đen, lưng thắt khăn nâu, đầu đội tóc trắng. 4 - Trò múa Ai Lao: Một người đội lốt hổ chạy mở đầu. Hai người đội lốt voi ra múa ngẫu hứng, mở đường. Chúa Lào (đội mũ cánh chuồn, áo thụng xanh chàm) xuất hiện, hai bên có lính bảo vệ. Cả đoàn đi trong tiếng sênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu hiện sức mạnh các chàng trai đi săn. 5 - Trò múa Ngô Quốc: Mở đầu có người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho hai nàng tiên và đoàn quân đi ra. Đoàn này múa quạt và khăn, tiếp đó múa mái chèo. 
 
Về phần âm nhạc, các trò múa Xuân Phả thường dùng bộ gõ dân tộc, như trống, mõ, thanh la, não bạt, rất độc đáo và gây ấn tượng mạnh. "Bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ gạo chó ăn..." - khi nghe tiếng nhạc cụ của trò múa này vang lên, mọi người đều đứng ngồi không yên. Người ta gọi là trò Xuân Phả bởi có phần diễn mở đầu của các nhân vật và con vật - diễn thường ngẫu hứng và đem lại cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Trò múa Xuân Phả có một đặc điểm: Hầu hết nhân vật trong các trò đều phải đeo mặt nạ, tạo cảm giác lạ, ngộ nghĩnh. Và cũng hầu hết trong các trò đều do diễn viên nam đảm nhiệm, còn nếu có diễn viên nữ tham gia thì chỉ ở các vai tiên, phỗng. 
 
Nói chung, múa Xuân Phả vui, mạnh và không kém phần trữ tình. Múa Xuân Phả phải sử dụng nhiều đạo cụ và mỗi đạo cụ có một hình tượng riêng. Những động tác khi múa, lúc uyển chuyển nhịp nhàng, khi lại mạnh mẽ, tạo nên những cao trào, đem đến cho khán giả một khoái cảm thẩm mỹ kỳ lạ. Trong mỗi điệu múa của trò múa Xuân Phả đều có nét độc đáo riêng mà ở các điệu múa khác của người Kinh không có. 
Múa Xuân Phả đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi xưa, Nguyễn Trãi đã dựa theo trò múa Xuân Phả để sáng tác múa Chư hầu lai triều cho Vua Lê Nhân Tông. Ngày nay, nhiều nhà biên đạo múa cũng dựa vào tinh hoa ở trò múa này để sáng tạo nên các tiết mục múa. Trò múa Xuân Phả từng được chọn là đại diện cho văn hoá xứ Thanh phô diễn ở các sự kiện như "Chào Thiên niên kỷ mới" (năm 2000), Festival Huế 2004... luôn được khán giả hâm mộ.
Trò múa Xuân Phả thường thể hiện những khát khao vươn lên của con người, như một đỉnh cao của múa dân gian đất Việt. Xem múa Xuân Phả, người ta dễ cảm nhận được vẻ đẹp lung linh của một viên ngọc quý. Có một điều đáng mừng là, làng Xuân Phả hiện nay vẫn duy trì được đội trò trẻ tuổi, thường trình diễn tại các lễ hội và đoạt nhiều giải thưởng qua các hội diễn nghệ thuật quần chúng. Trên sân khấu chuyên nghiệp, tinh hoa trò múa Xuân Phả cũng đã đem về không ít huy chương vàng, bạc. Và trên hết, vẻ đẹp của trò múa Xuân Phả đem lại niềm tự hào cho người dân xứ Thanh và xứng danh là ngọc quý trong kho tàng múa dân gian Việt Nam.
 

(Theo Báo Lao Ðộng)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Hội mùa Tây Nguyên
  • Lễ cưới của người Dao xưa
  • Mùa cưới, nói về lễ cưới các dân tộc thiểu số
  • Tây Bắc những điều lạ
  • Độc đáo trang phục của người Dao Tiền Bắc Kạn
  • Lễ hội tế thu tại Vạn An Thạnh của ngư dân Phú Quý
  • Trang phục truyền thống của người Êđê
  • Nét đẹp trong lễ hội đua thuyền dân gian Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com