Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh nghiệm về Du lịch Hành Hương Đất Thánh

Những chia sẻ sau đây xuất phát từ kinh nghiệm trong những lần đi hành hương Thánh Ðịa, trong khu vực do chính phủ Israel và chính phủ của người Palestinians kiểm soát. Vì là những kinh nghiệm cá nhân nên không nhất thiết đúng với tất cả mọi người. Rất mong những ai đã từng đi hành hương, hay có kinh nghiệm trong lãnh vực này, hãy chia sẻ với mọi người để việc đi hành hương Thánh Ðịa được tốt đẹp.

1. Thị thực:
Trước khi đi hành hương thì nên liên hệ với Ðại Sứ Quán Israel, hoặc chính phủ của những nước nước liên hệ, để xem có cần xin visa hay không. Việc này rất cần thiết vì không ai muốn ra phi trường rồi mới vỡ lẽ rằng mình không đủ điều kiện nhập cảnh. Israel miễn visa cho du khách của rất nhiều nước trên thế giới, và khi ở Israel có thể đến thăm một số các nơi thánh ở khu vực do chính phủ của người Palestinians kiểm soát. Tuy nhiên tình hình an ninh không nhất thiết lúc nào cũng cho phép khách hành hương qua lại những khu vực này một cách dễ dàng.

Nếu muốn đi qua các nước khác ở chung quanh Israel thì nên hỏi thủ tục xuất nhập cảnh kỹ lưỡng trước khi hoạch định chương trình, vì đôi khi dấu đóng nhập-xuất cảnh của một nước này có thể khiến chúng ta bị từ chối nhập cảnh vào một nước khác. Hơn nữa, tình hình chính trị có thể thay đổi bất ngờ, nên cách tốt nhất vẫn là nên xem thông tin chính thức của các chính phủ liên hệ trên mạng lưới thông tin toàn cầu, hoặc liên lạc với văn phòng đại diện hoặc đại sứ quán của các chính phủ hữu quan.

2. Giao thông:
Cửa ngõ chính bằng đường hàng không vào Israel là phi trường Ben Gurion ở gần Tel Aviv, cách Jêrusalem chưa tới 1 tiếng đồng hồ đi xe. Tuy nhiên, khách hành hương có thể đến Thánh Ðịa bằng cách đến phi trường của các nước chung quanh, hoặc bằng đường bộ hay đường biển tùy theo sự chọn lựa muốn đi thăm những khu vực nào của Thánh Ðịa. Nếu chỉ muốn đi trong phạm vi nước Israel, và khu vực do chính phủ của người Palestinians kiểm soát, thì có lẽ phi trường Ben Gurion là cửa ngõ thuận lợi nhất. Vì tình hình chính trị chung ở Thánh Ðịa nên việc xuất nhập cảnh hoặc đi ngang qua biên giới của các nước, hoặc các vùng dưới quyền kiểm soát của các chính phủ khác nhau, đều có sự kiểm soát rất gắt gao. Nói chung, khách hành hương nên luôn đem theo giấy tờ tùy thân, tránh mang những phù hiệu có tính chất chính trị trên áo hoặc nón, và phải tuân thủ chặt chẽ những luật lệ tương tự ở phi trường của nhiều nước hiện nay trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ di chuyển trong khu vực của một nước, ví dụ Israel, thì vấn đề giao thông hết sức thuận tiện, dù đi bằng xe lửa, xe buýt, hay xe hơi. Ðường xá rất hiện đại như các nước Âu- Mỹ, và bản đồ cả nước hay từng vùng có chỉ dẫn rất rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tự lái xe vào các khu phố cổ, hay khu dân cư, thì có lẽ sự phức tạp cũng tương tự như bất kỳ một thành phố nào trên thế giới

alt

3. Y tế: Israel và các nước chung quanh thường không yêu cầu khách hành hương phải chích ngừa trước khi đến. Tuy nhiên, tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi đi hành hương là điều hữu ích, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe. Các tiệm thuốc và bệnh viện ở Israel cũng như các nước lân cận đã đạt trình độ khá cao về y tế, không thua gì các nước Âu-Mỹ. Vì thế, nếu cần thiết thì khách hành hương có thể được chăm sóc sức khỏe một cách khá tốt. Tuy nhiên, nếu không muốn trả những món tiền khổng lồ khi chẳng may bị tai nạn hay bệnh tật thì mua bảo hiểm du lịch là điều tối cần thiết cho chuyến đi hành hương. Tất nhiên cũng cần thỏa thuận kỹ lưỡng với công ty bảo hiểm về những nơi sẽ đi đến kẻo họ có thể không bao gồm tất cả mọi khu vực ở Thánh Ðịa, đặc biệt là đối với những trường hợp tự thuê xe riêng. 4. Thời tiết & Múi Giờ: Khu vực Thánh Ðịa nói chung khí hậu ấm áp gần như quanh năm, mùa hè khá nóng, đặc biệt tại khu vực Biển Chết. Mùa đông cũng khá lạnh, và đôi khi có thể có tuyết. Những con số sau đây có thể tương đối áp dụng cho nhiều vùng trong nước Israel và khu vực do chính phủ của người Palestinians kiểm soát:

  • Mùa Giáng Sinh: khoảng 5º đến 15º C.
  • Mùa Phục Sinh: khoảng 10º đến 25º C
  • Mùa hè: khoảng 20º đến 40º C.

Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng nhiệt độ ban trưa và chiều tối có thể chênh nhau khá nhiều, hoặc khu vực gần biển cũng khác với khu vực gần núi, miền bắc hoặc miền nam, hoặc vào sâu trong lục địa. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể cảm thấy thời tiết một cách khác nhau tùy thể trạng mỗi người, hoặc tùy khu vực mà chúng ta đã từng quen sống. Nói chung ở Thánh Ðịa hiếm khi có mưa vào khoảng mùa hè, nhưng mùa đông thì thường có mưa, tuy không nhiều, nhưng cũng có thể làm gián đoạn phần nào chuyến hành hương.

Giờ tại Israel chênh với giờ GMT 2 tiếng đồng hồ về phía đông. Nghĩa là từ UK vào mùa đông mà đến hành hương tại Thánh Ðịa thì sẽ phải cộng thêm 2 giờ nữa, ví dụ như ở UK là 5 giờ chiều thì ở Israel đã là 7 giờ tối. Những người ở Việt Nam đi hành hương Thánh Ðịa thì sẽ phải trừ đi 5 tiếng đồng hồ, ví dụ như ở Việt Nam là 12 giờ trưa thì ở Israel mới là 7 giờ sáng. Những người từ Hoa Kỳ đến hành hương Thánh Ðịa thì cần tính xem mình sống ở tiểu bang nào, và vào mùa nào nữa. Ðiều này cho thấy khách hành hương phải chuẩn bị tinh thần để thích ứng với sự lệch giờ sau một chuyến bay dài. Khách hành hương cũng cần lưu ý giờ giấc khi gọi điện thoại về cho gia đình.

5. Y phục:
Trừ những thành phố lớn và khu du lịch, dân chúng ở Thánh Ðịa nói chung ăn mặc khá truyền thống và kín đáo, đặc biệt khi họ vào những nhà thờ, thánh thất hay giáo đường. Ðôi khi, khách hành hương còn được yêu cầu phải choàng khăn hay đội thêm mũ theo tập quán của tôn giáo hoặc địa phương. Vì thế khi đến Thánh Ðịa chúng ta cần tôn trọng những phong tục tốt đẹp này bằng cách ăn mặc cho phù hợp. Nếu cảm thấy thời tiết quá nóng thì có thể mang theo áo khoác mỏng hay khăn choàng trong túi xách để khoác vào khi cần thiết. Một chiếc nón vải, đôi giày đi bộ, và cặp kiếng mát cũng là những thứ cần thiết cho cuộc hành hương. Hầu hết các khách hành hương đều mang theo một túi xách nhỏ để tiện dụng. Tuy nạn móc túi hay giật xách tay rất hiếm gặp, nhưng khách hành hương cũng nên cẩn thận với giấy tờ, tiền bạc hoặc tư trang như khi đi du lịch ở bất kỳ một nơi nào khác vậy.

6. Tiền tệ:
Nếu định đi trong khu vực nước nào thì nên đổi ra tiền của nước đó để tiện tiêu dùng. Tuy nhiên, những ngoại tệ mạnh như bảng Anh, Euro, hoặc Mỹ Kim đều rất tiện dụng, kể cả ở những tiệm buôn bán nhỏ ven đường. Những khách sạn, siêu thị, hay nhà hàng lớn có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Trong khu vực nước Israel và khu vực do chính phủ của người Palestinians kiểm soát thì tiền Shekel được coi là loại tiền chính thức. Nên luôn mang theo một số tiền Shekel lẻ để tiện dụng, nhất là khi cần đi nhà vệ sinh, v.v... Nói chung tiền mặt vẫn được ưa chuộng hơn, và lưu ý là máy rút tiền tự động thường không phổ biến ở những thành phố nhỏ hoặc vùng xa. Khi mua những đồ lưu niệm, băng nhạc, sách, v.v.... với số lượng tương đối lớn thì nên hỏi xem có thể được miễn thuế hay không. Một số cửa hàng lớn sẽ cấp giấy chứng nhận cho khách để có thể dễ dàng lấy lại tiền thuế ở phi trường hoặc cửa khẩu. 

7. Hành lý: Như bất kỳ chuyến đi nào, khách hành hương đến Thánh Ðịa nên mang theo hành lý thật gọn nhẹ càng tốt. Cách hay nhất là mang dưới mức yêu cầu của các công ty vận tải hay máy bay cho phép. Ðến một nơi như Thánh Ðịa thì khách hành hương sẽ không khỏi choáng ngợp bởi những cửa hàng bán vật phẩm kỷ niệm. Ai cũng muốn mua về những món quà lưu niệm hay tặng cho thân nhân bằng hữu, đặc biệt là những món làm bằng gỗ ô-liu đặc sản của Thánh Ðịa. Do đó, những vật kỷ niệm có thể chiếm một trọng lượng khá lớn trong số hành lý mang về nước.

Ngoài một số vật dụng cá nhân cần thiết, khách hành hương cũng nên mang theo một cuốn Thánh Kinh. Ðến những địa điểm hành hương, ngoài việc lắng nghe hướng dẫn viên giải thích, khách hành hương nên đọc những đoạn Thánh Kinh liên hệ, ghi chú nếu cần thiết. Sau đó chúng ta sẽ thấy rằng những gì mình đọc tại Thánh Ðịa, cũng như ở nhà, là những lời sống động mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta.

8. Thông tin liên lạc:
Với rất nhiều tiệm cho thuê internet ở các thành phố, khách hành hương có thể dễ dàng liên hệ với người thân ở quê nhà hay khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên, hệ thống điện thoại và fax trong khách sạn hay nhà trọ là một phương tiện nhanh chóng. Nếu muốn tiết kiệm, khách hành hương có thể mua thẻ điện thoại để dùng. Ðối với những người không quan tâm lắm đến giá cả thì điện thoại di động là một phương tiện hữu hiệu. Tuy nhiên, khách hành hương cần lưu ý là khu vực của chính phủ Israel và khu vực của chính phủ người Palestinians có thể có hai mạng lưới phủ sóng khác nhau, và máy dùng được khu vực này không nhất thiết dùng được ở khu vực kia, dù chỉ cách nhau vài cây số. Vì vậy, khách hành hương cần liên hệ với công ty điện thoại của mình ở quê hương để biết rõ hơn trước khi khởi hành, và cũng nên chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng sử dụng các phương tiện khác khi cần thiết.

Việc gởi thư, bưu thiếp, v.v... qua đường bưu điện cũng rất dễ dàng đối với những địa chỉ trong Israel, hoặc qua các hộp thư bưu chính mà khách hàng thuê bao. Tuy nhiên, cũng như hệ thống bưu điện ở nhiều nước khác ở trên thế giới, vận tốc và sự thất thoát cũng có thể là những yếu tố mà khách hành hương cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng phương tiện truyền thống này.

9. Những địa điểm hành hương:
Nhìn vào bản đồ xứ Palestine thời xưa, chúng ta sẽ thấy chằng chịt những di tích lịch sử có liên hệ với Cựu và Tân Ước. Nếu mới đi hành hương Thánh Ðịa lần đầu tiên, chúng ta sẽ rất háo hức muốn đi thăm tất cả mọi nơi trong quỹ thời gian ngắn ngủi tại Thánh Ðịa. Ðiều này khiến cho ban tổ chức phải làm chúng ta hài lòng bằng cách lên lịch di chuyển dày đặc mỗi ngày, chỉ dừng lại mỗi địa điểm một thời gian ngắn, và luôn hối thúc mọi người nhanh chân lên xe, xuống xe, nên chuyến đi rất giống như cảnh 'cưỡi ngựa xem hoa'. Tại mỗi nơi hành hương, chúng ta lại cố gắng ghi vào trong máy quay phim hay chụp hình tất cả mọi ngóc ngách để kỷ niệm. Ðiều này làm mất rất nhiều thời gian cho cả đoàn hành hương, và chúng ta sẽ không cảm nhận được những điều cần thiết mà mỗi khác hành hương thực sự muốn đạt được.

Ðể tránh tâm lý phổ biến này, chúng ta hãy tự nhủ với lòng mình rằng chúng ta sẽ có dịp trở lại Thánh Ðịa thêm nhiều lần nữa để hành hương, để có dịp cảm nhận tính thánh thiêng của những nơi đã ghi lại lịch sử ơn cứu độ, và đặc biệt nhất là đã mang dấu chân của Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Với tâm tình đó, chúng ta sẽ chú ý lắng nghe những lời trưởng đoàn giải thích, và cùng nhau đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, v.v... để chuyến đi thực sự là một cuộc hành hương có ý nghĩa và giá trị tinh thần, chứ không quá chú tâm vào những thước phim mang về từ Thánh Ðịa để khoe với bạn bè hay họ hàng.

Ðiều thực tế tại các địa điểm hành hương là nếu có di tích khảo cổ học, hay trưng bày, thì thường sẽ phải trả lệ phí vào cửa. Nếu đi theo đoàn có tổ chức sẵn thì hướng dẫn viên sẽ thanh toán khoản lệ phí này chung cho cả đoàn, nhưng nếu đi tự túc thì khách hành hương phải tự trả. Tuy nhiên, khoản lệ phí này không nhất thiết là của dâng cúng mà khách hành hương đóng góp cho nhà thờ hay nhà dòng. Vì thế, nếu không có quyên góp trong Thánh Lễ tại địa điểm hành hương thì cũng nên rộng rãi bỏ vào thùng tiền để góp phần xây dựng và gìn giữ sự hiện diện của Giáo Hội tại Thánh Ðịa.

10. Thời gian thăm viếng các thánh tích:
Như các nước ở xứ nóng, một số địa điểm hành hương thường đóng cửa nghỉ trưa từ khoảng 12.00 giờ đến 2.00 giờ chiều. Ðây cũng là lúc khách hành hương cần được ăn trưa và nghỉ ngơi lại sức sau một buổi sáng di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Nếu đi theo một đoàn lớn có hướng dẫn viên thì việc nghỉ trưa sẽ không là một vấn đề, vì các hướng dẫn viên du lịch thường biết rõ lịch mở/đóng cửa ở các địa điểm thăm viếng. Tuy nhiên nếu đi tự túc từng nhóm nhỏ thì nên chuẩn bị thức ăn trưa sẵn sàng. Giả sử nhóm đang ở Jerusalem thì không phải là chuyện lớn, nhưng nếu đang ở một địa điểm xa thành phố, như Capernaum, hay núi Tabor chẳng hạn, mà đến những nơi này đúng vào giờ nghỉ trưa thì thật bất tiện nếu không mang sẵn thức ăn hoặc nước uống. Do đó, cần nắm vững thời gian mở đóng cửa của những nơi muốn đến để tránh bị thất vọng.

11. Lộ trình cho một chuyến đi tự túc:
Muốn đi một mình đi đến Thánh Ðịa, hoặc đi một nhóm nhỏ không thuê hướng dẫn viên chuyên nghiệp, là một điều thú vị và có thể thực hiện một cách dễ dàng. Ðiều đầu tiên là khách hành hương cần có khả năng giao thiệp được bằng tiếng Anh, hoặc một trong những tiếng phổ thông ở Thánh Ðịa như Hebrew, Ả Rập, hoặc ít là tiếng Pháp, Ý, hoặc Ðức, v.v… Thông tin về thời tiết, vé máy bay, khách sạn, v.v… rất phong phú trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Tùy theo điểm đến mà khách hành hương có thể chọn để ở tại Jerusalem trước, hoặc Nazareth trước. Nếu đến bằng đường hành không và đáp tại phi trường Ben Gurion, thì khách hành hương có thể chọn nơi nào trước cũng được, vì thời gian đi xe đến Jerusalem cũng như Nazareth không cách biệt nhau nhiều lắm. Sở dĩ khách hành hương nên chọn một trong hai địa điểm trên vì cả Jerusalem và Nazareth đều nhiều khách sạn cũng như nhà khách của các tu viện hay hệ phái Kitô giáo. Khách hành hương có thể dùng Jerusalem để làm nơi trọ chính cho việc thăm viếng những địa điểm tại Jerusalem và vùng phụ cận ở phía nam; Nazareth làm nơi trọ chính cho việc thăm viếng Nazareth và những vùng phụ cận ở phía bắc. Nếu khách hành hương có thể thuê xe để tự lái đến những nơi hành hương thì thật tuyệt vời. Có nhiều hãng cho thuê xe ở phi trường cũng như khắp nơi trên lãnh thổ Israel, và họ chấp nhận giấy phép lái xe quốc tế.

Tuy nhiên, một số khách hành hương muốn kết hợp với du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng, v.v… thì ngoài Jerusalem và Nazareth, có thể chọn nghỉ thêm vài ngày ở Tel Aviv, Tiberias, Haifa, hay bên bờ Biển Chết. Những khách nào có nhiều thời gian hơn, và muốn ở Bethlehem vài đêm thì cũng là dịp để hiểu biết thêm về thành phố có một không hai trên thế giới này. Còn những người muốn có bầu không khí thinh lặng thì Ein Karem, núi Carmel, hoặc núi Bát Phúc là những địa điểm tĩnh tâm tuyệt vời.

Sau đây là vài lộ trình gợi ý cho những khách hành hương mới đến Thánh Ðịa lần đầu tiên, nhưng đi tự túc hoặc nhóm nhỏ, hoặc trong phạm vi gia đình. Giả sử khách hành hương khách chọn điểm đến là phi trường Ben Gurion gần Tel Aviv.
Nếu khách muốn thuê xe tự lái lấy thì nên đi về phía bắc trước. Khách có thể chọn Nazareth, hoặc Tiberias, làm điểm dừng chân vài ngày. Từ phi trường Ben Gurion đến Nazareth hay Tiberias chỉ khoảng 2 giờ lái xe. Ðường xá tương tự như các quốc gia Âu-Mỹ nên việc di chuyển rất thoải mái. Từ Nazareth hay Tiberias thì khách hành hương có thể đến Cana, núi Tabor, Capernaum, Chorazin, Tel Dan, hoặc Caesarea, núi Carmel, Akko, v.v… một cách dễ dàng. Sau đó khách có thể lái xe về hướng nam để đến Jerusalem. Tuy nhiên, khách hành hương cần lưu ý những điều kiện của hãng thuê xe. Nếu họ đồng ý để xe được đi đến tất cả mọi vùng thuộc lãnh thổ của Israel và vùng do chính phủ của người Palestinians kiểm soát thì tốt. Nếu không thì khách hành hương phải cẩn thận khi đi về phía nam, vì hai khu vực của Israel và của chính phủ Palestinians nằm đan xen với nhau, không có biên giới rõ ràng, đôi khi có những trạm kiểm soát, nhưng lại được coi như lãnh thổ của hai quốc gia riêng biệt, chưa có quan hệ pháp lý với nhau. Nếu khách hành hương đi dọc theo bờ biển hướng về Tel Aviv thì vẫn thuộc khu vực Israel, nhưng nếu đi dọc theo sông Jordan thì khách hành hương có thể phải đi qua những khu vực do chính phủ của người Palestinians phụ trách như Jericô chẳng hạn, và như vậy là vi phạm hợp đồng với hãng thuê xe. Do đó, cách tốt nhất là trả xe tự lái tại Nazareth hoăc Tiberias, rồi thuê xe của công ty du lịch có tài xế địa phương lái về phía nam. Dọc theo sông Jordan, khách hành hương có thể dừng lại ngắm ngọn núi tương truyền rằng Chúa Giêsu đã bị cám dỗ sau 40 đêm ngày ăn chay trong sa mạc (Mt 4,1-11 ; Mc 1,12-13 ; Lc 4,1-13), ghé thành phố Jericô, tắm tại Biển Chết, hay ghé lại di tích khảo cổ học Qumram. Khi đến Jerusalem thì có nhiều địa điểm mà khách hành hương có thể đi bộ đến thăm dễ dàng, và nên dùng  vài ngày tại đây để đi thăm những địa điểm trong và ngoài thành Jerusalem. Sau đó, khách hành hương có thể đón taxi đi Bethlehem thăm nhà thờ nơi Chúa sinh ra, hang sữa, hay cánh đồng chiên trong vòng 1 ngày. Hôm sau có thể đón taxi, hay thuê xe của công ty du lịch có tài xế người địa phương đưa đến Bethany, Ein Karem, hay Massada.

  • Nếu khách hành hương muốn thuê xe của công ty du lịch có tài xế địa phương lái thì nên liên hệ trước. Có rất nhiều những công ty này quảng cáo trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Họ sẽ đưa đến những nơi mà khách hành hương đã thỏa thuận với họ. Ðây là điều dễ dàng vì khách hành hương có thể lựa chọn miền Nazareth trước, hoặc miền Jerusalem trước không thành vấn đề. Khi đến một trong hai nơi này thì du khách có thể sắp xếp thời gian để đi thăm những nơi mình muốn. Thông thường công ty du lịch cũng sẽ muốn khách hành hương thuê thêm hướng dẫn viên của họ. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào thời gian và túi tiền của khách hành hương, và không luôn luôn cần thiết. Việc thuê xe du lịch có người địa phương lái cũng rất tiện lợi nếu nhóm khoảng 5-10 người.
  • Nếu khách hành hương muốn dùng phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt hoặc xe lửa thì nên đi đến Jerusalem Jerusalem khách hành hương có thể đi bộ để thăm khá nhiều địa điểm trong và ngoài thành Jerusalem. Một vài vùng như Bethlehem, Bethany hoặc Ein Karem thì nên dùng taxi cho tiện. Sau đó, khách hành hương có thể đón xe từ Jêrusalem lên Nazareth hoặc Tiberias. Từ một trong hai địa điểm này khách hành hương có thể đón taxi đi đến những vùng chung quanh. Sau đó khách hành hương có thể đón xe đi Haifa để lên núi Carmel. Từ Haifa khách hành hương có thể đến Akko bằng xe lửa, và nếu muốn ra phi trường Ben Gurion cũng có xe lửa. Nói chung việc di chuyển bằng phương tiện công cộng khá tiện lợi và rẻ tiền. Tuy nhiên, khách cần có nhiều thời gian, và có ít tham vọng đi thăm nhiều nơi. trước. Trong thời gian ở
  • Một cách hành hương và du lịch tại Thánh Ðịa rất thú vị. và không tốn kém lắm, là đi bằng xe đạp. Tất nhiên cách này chỉ dành cho những người có sức khỏe, và có nhiều kinh nghiệm dã ngoại. Cách tốt nhất là mang theo xe đạp của mình với những dụng cụ cần thiết cho chuyến đi. Nên đi thành từng nhóm nhỏ, hoặc chia nhóm lớn thành nhiều nhóm nhỏ, để luôn luôn có người giúp đỡ nhau nếu chẳng may bị hư xe dọc đường. Không nên hy vọng có những tiệm sửa xe đạp, ở dọc đường cũng như các thành phố, nên khách hành hương cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chuyến đi. Nếu không thể thực hiện toàn bộ hành trình bằng xe đạp, nhưng nếu muốn, khách hành hương cũng có thể thực hiện một phần chuyến đi, một cách rất dễ dàng. Ví dụ như khách hành hương có thể trọ tại Nazareth, hoặc Tiberias, và dùng xe đạp đi đến Cana, Capernaum, Chorazin, núi Tabor, Nain, v.v... Một điểm thuận lợi đối với những người muốn chọn cách đi bằng xe đạp là có thể liên hệ trước với những cộng đoàn Kitô Giáo, hoặc các nông trang (kibbutzim), hoặc các tổ chức dã ngoại, để có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau. Những ai không thể đi xa bằng xe đạp, nhưng muốn có chút cảm nghiệm, thì có thể thuê xe đạp tại Tel Aviv, và đi trong khu vực thành phố, hoặc dạo quanh bãi biển, thì cũng thấy rất thú vị.

(Theo dulichviet)

  • Chơi gì, xem gì... dịp lễ hội pháo hoa?
  • Khám phá trên rừng dưới biển
  • An Hoa Resident - Cụm biệt thự DL cao cấp đầu tiên của Việt Nam
  • Khách sạn tại Scotland có dịch vụ ăn nghỉ tốt nhất
  • Cùng Carnival vui chơi mùa lễ hội
  • Các khu ăn uống tại Singapore
  • Du lịch “Theo chân Bác”
  • Đồng hành cùng tst tourist trên đường tour nội
  • Du Lịch Châu Âu
  • Du lịch Trung Quốc
  • Lạc bước vào vùng đất của mỹ nhân Trung Hoa
  • Dấu ấn VYC
  • Carnival giới thiệu tour du lịch Nhật - Mỹ và tham dự hội chợ quốc tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com