Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau Kỳ 1: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ Và cuộc trở về

LTS: Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, mảnh đất Cà Mau đã góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tư liệu nhiều kỳ xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết "Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau".

Chân dung và những chiến công chấn động thế giới trong các cuộc không chiến không cân sức của phi công Lâm Văn Lích - người đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam dùng MIG-17 "hạ đo ván" máy bay hiện đại của không quân Mỹ vào đêm 3/2/1966 và Nguyễn Văn Bảy, đánh chìm tàu khu trục của Hạm đội 7 Mỹ bằng cách đánh bom độc nhất vô nhị trên thế giới - ném thia lia.

 
Đồng chí Dương Việt Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ra tận sân bay đón Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Văn Lích (thứ hai từ trái sang) trong chuyến về thăm Cà Mau. Ảnh: THANH QUANG                  

Đây là hai tấm gương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm "Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Với tấm lòng kính yêu Bác Hồ, yêu mảnh đất miền Nam Thành đồng Tổ quốc, họ đã nỗ lực học tập, không ngại gian khổ, dũng cảm hy sinh để góp phần "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Anh hùng lực lượng vũ trang Lâm Văn Lích, chú Nguyễn Anh Sơn và thân nhân của Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy đã giúp đỡ tư liệu hoàn thành bài viết này.

"Những tháng năm chẳng ai sống riêng mình

Từng số phận gắn liền cùng Tổ quốc" (thơ Khưu Ngọc Bảy)

Ngày 2/8/1964, tàu USS Maddox của Mỹ xâm nhập hải phận miền Bắc Việt Nam, công khai hỗ trợ một cuộc đột kích của lính biệt kích ngụy Sài Gòn đã bị ngư lôi ta tấn công.Sau đó 2 ngày, một cuộc tấn công ngư lôi lần 2 được Mỹ tung tin giả, tạo cớ để Mỹ mở chiến dịch Pierce Arrow oanh kích trừng phạt vào ngày 5/8/1964 (được gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ). Trong ngày đó, các chiến đấu cơ Mỹ đã hàng chục lần cất cánh từ Hàng không mẫu hạm USS Constellation và USS Ticonderoga để oanh tạc các căn cứ tàu ngư lôi và các trang thiết bị quân sự của quân đội ta.

Thực chất của Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, hơn 40 năm sau được hé lộ: Đó là sự kiện do chính Mỹ dựng lên để có cớ xâm phạm miền Bắc nước ta.

Ngày 1/8/2008, trong bản tin của BBC có cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin chi tiết về vấn đề này.

"Nói về sự kiện Vịnh Bắc Bộ mà chính quyền Mỹ từng cáo buộc Việt Nam gây ra vụ tấn công chiến hạm Mỹ đêm ngày 2 tháng 8 năm 1964, thông báo của Hiệp hội Khoa học gia Mỹ nói:

''Thông tin giải mật cho thấy không những nó không đúng, như Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara nói với Quốc hội rằng bằng chứng của vụ tấn công là ''không thể luận cứ'' được, mà trái lại các thông tin tình báo tín hiệu chứng minh rằng “Không có vụ tấn công nào trong đêm đó”.

Ông Steven Aftergood, Giám đốc dự án về bí mật chính phủ của Hiệp hội Khoa học gia được AFP trích lời nói thêm:

''Điều mà nghiên cứu này cho thấy là những thông tin tình báo có được chứng tỏ rằng không có vụ tấn công nào.

''Đây là sự đảo ngược hoàn toàn các chi tiết lịch sử.

''Trước đây đã có những dấu hiệu về chuyện này nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có một nghiên cứu đầy đủ”.

Hoa Kỳ cũng từng cáo buộc Việt Nam có cuộc tấn công tàu chiến Mỹ lần hai vào ngày 4 tháng 8 nhưng từ lâu nay người ta đã khẳng định rằng đây là điều “thêu dệt”.

Vào thời điểm lịch sử đầu tháng 8 đó, đoán trước được dã tâm của đế quốc Mỹ, lớp phi công lái máy bay đầu tiên được lệnh trở về Việt Nam, bảo vệ vùng trời Tổ quốc thân yêu trước một kẻ địch hùng mạnh.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, nguyên phi công chiến đấu, Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam, cho biết: "Ngày 6/8/1964, lớp phi công lái máy bay đầu tiên bay về nước an toàn. Đến giữa trưa khi trời trong, pháo hiệu được bắn lên, đội hình 4 máy bay MIG 17 bắt đầu gầm thét lao lên bầu trời bay về hướng Đông Nam. Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện chỉ huy phi đội đầu tiên, bay phụ số 2 là Phạm Ngọc Lan, số 3 là Tào Minh, số 4 là Lâm Văn Lích".

Cũng trong buổi chiều đầu tiên của ngày hạ cánh, các phi công: Phạm Ngọc Lan, Lâm Văn Lích, Trần Hanh và Nguyễn Nhật Chiêu có chuyến bay tuần thám đầu tiên thành công.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy nhớ lại: "Ngày 11/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị không quân chiến đấu của chúng tôi. Các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… tháp tùng cùng Bác".

Bộ chỉ huy Không quân Việt Nam quyết định tung ngay các máy bay chiến đấu ra trận khi lãnh thổ phía Bắc trên vĩ tuyến 20 bị tấn công./.


(Đoàn Phương Nam/CMO)