Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau Kỳ 7: Những kỷ niệm thiêng liêng về Bác

Ngày 1/1/1967, phi công trẻ tuổi Lâm Văn Lích được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và thuộc lứa anh hùng quân đội đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Cũng như bất cứ người dân Việt Nam nào, những hình ảnh, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn là những hành trang quý giá trong suốt cuộc đời mỗi người. Mỗi lần nhắc đến Bác như có một tình cảm thật thân thương, trìu mến cứ lan tỏa.

 
  Bác Hồ thăm đơn vị Không quân tháng 7/1965. Ảnh tư liệu

Đại tá Lâm Văn Lích kể lại những kỷ niệm thiêng liêng ấy: "Tôi được gặp Bác Hồ 3 lần. Lần đầu tiên, Người đến thăm Trung đoàn".

Ông nhận xét rằng, Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất quan tâm đến người khác. Vì "chúng tôi đón Bác ở sân bay nhưng Người không lưu lại phòng khách như suy nghĩ của chúng tôi mà đi thẳng xuống nhà ăn. Sau đó Bác xem nhà kho, rồi xem tủ áo của anh em".

Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chàng trai miền cực Nam Tổ quốc ghi nhớ tường tận. Khắc sâu trong trí nhớ của Lâm Văn Lích hơn cả là câu nói: "Bác đến đây nhắc các chú, không khéo miền Nam đánh hết máy bay, các chú không có máy bay mà đánh đâu".

Chính câu nói đã tiếp thêm nguồn sức mạnh vô tận để làm nên những chiến thắng chấn động thế giới. Đối với chàng trai sinh ra ở làng quê xa xôi, hai tiếng thiêng liêng "Bác Hồ" chính là động lực để vượt qua tất cả gian nan, thách thức, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Lần thứ hai được gặp Bác là khi tôi bắn rơi máy bay địch vào ban đêm. Từ sân bay chúng tôi được lệnh đến Quân chủng, rồi được đưa vào Phủ Chủ tịch. Trên đường đi, tâm trạng của tôi cũng như các anh em là không biết sẽ nói chuyện với Bác Hồ như thế nào để diễn tả hết tình cảm của mình, của nhân dân đối với Bác.

Đồng chí Vũ Kỳ đón chúng tôi trước. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến hỏi chuyện. Đúng 6 giờ tối, Bác Hồ đến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở lời trước:

- Thưa Bác, các đồng chí không quân đã đến. Thưa Bác, để cháu giới thiệu…

Bác bảo:

- Để cần gì Bác hỏi. Các đồng chí giới thiệu tên tuổi, quê hương.

Đến lượt tôi, tôi nói:

- Thưa Bác, cháu tên là Lâm Văn Lích, quê ở Cà Mau.

- Để Bác hỏi.

[Nghe đến điều này, trong đầu tôi hiện lên một loạt câu hỏi. Không biết Bác định hỏi mình câu gì].

- …Tại sao cháu tên là Lích?

- Thưa Bác, có người bà con trong xóm là người Hoa đặt tên con là Xích nên đến cháu, mẹ đặt tên là Lích. Sau đó nhà kế bên cũng đặt tên là Tích, Khích.

- Cháu có mấy con? Cô ấy làm gì?

- Cháu có một con trai. Vợ cháu làm bác sĩ.

Sau phần giới thiệu, Bác bảo:

- Hết thời gian rồi. Các chú đi xem phim với Bác.

Cùng đi có đồng chí Tố Hữu, Phạm Văn Đồng. Tôi nhớ như in, hôm đó chúng tôi xem phim về Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có hoạt cảnh "Đường về quê mẹ".

Lần thứ 3, tôi được gặp Bác là lần Bác gặp các phi công bắn rơi máy bay Mỹ. Bác hỏi:

- Ai bắn rơi 1 chiếc, giơ tay lên? Cứ thể lần lượt tăng lên.

Anh hùng Lưu Quý Giao thay mặt chúng tôi phát biểu: "Chúng cháu mong ước rằng, mỗi lần bắn rơi một máy bay được tặng một Huy hiệu Bác Hồ".

“Mặc dù lần nào gặp Bác cũng ngắn ngủi nhưng tôi đều nhận thấy tình cảm của Người dành cho chúng tôi. Bác quan tâm đến từng việc nhỏ, như nơi ăn chốn ở, hoàn cảnh gia đình của từng người. Điều này càng khiến chúng tôi quyết tâm hơn trong cuộc sống mái với quân thù, giải phóng đất nước"./.

(Theo Đoàn Phương Nam/CMO)