Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau Kỳ 3: Anh hùng phi công đầu tiên của mảnh đất cực Nam Tổ quốc

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, học sinh miền Nam học tập, công tác trên đất Bắc đến hơn 30.000 người. Có rất nhiều người vào bộ đội, góp phần giải phóng quê hương, bảo vệ miền Bắc. Trong số hàng ngàn chiến sĩ quân đội xuất thân từ học sinh miền Nam chỉ có hơn chục người là phi công tiêm kích.

Và số người được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang càng ít hơn. Mảnh đất Cà Mau xa xôi có niềm vinh dự to lớn khi có đến 2 vị anh hùng. Đó là phi công Lâm Văn Lích, tuyên dương vào ngày 1/1/1967 và phi công Nguyễn Văn Bảy, truy tặng danh hiệu vào ngày 20/12/1994.

 
Đại tá Lâm Văn Lích trò chuyện cùng các cựu chiến binh tỉnh Cà Mau. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Năm 1994, một nhà sử học mang quốc tịch Mỹ nằng nặc xin được gặp mặt phi công Lâm Văn Lích - người đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam dùng MIG 17 "hạ đo ván" máy bay hiện đại của không quân Mỹ vào đêm 3/2/1966.

Theo từ điển mở Wikipedia, MIG 17 là máy bay phản lực chiến đấu của Liên Xô được đưa vào sử dụng từ năm 1952. Khi đó, đây là một trong những con bài chủ lực của Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, thời điểm Không quân Việt Nam sử dụng MIG 17, giới quân sự gọi nó là "out of date" (tạm dịch là cổ lỗ sĩ). Tuy nhiên, đối với các chiến sĩ Không quân Việt Nam, họ rất yêu mến MIG 17 và gọi nó bằng cái tên thân thương: Cánh én bạc.

Chính với chiếc máy bay mà giới quân sự trên thế giới gọi là "out of date", phi công Lâm Văn Lích đã có một trận đánh đêm hoàn hảo hạ gục chiếc F-4 [một loại máy bay hiện đại của lực lượng không quân Hoa Kỳ với biệt danh "con ma". Trong quân đội Hoa Kỳ, các máy bay tiêm kích thường có tên bắt đầu bằng chữ F (viết tắt từ fighter, có nghĩa là chiến đấu) như: F-100, F-105, F-4, F-16. Hoa Kỳ huênh hoang gọi chúng bằng những tên gọi "thật kêu" như: "con ma" (F-4 Phantom), "thần sấm" (F-105)].

Chính vì vậy, khi nghe tin này, không chỉ riêng Mỹ mà ngay cả các nước viện trợ quân sự cho Việt Nam cũng cảm thấy "choáng váng" bởi điều khiển F.4 là những phi công lão luyện được tuyển chọn khắt khe với hàng ngàn giờ bay, hàng trăm cuộc “bách chiến bách thắng” trong thế chiến thứ II. Và họ càng ngạc nhiên hơn khi kết thúc cuộc chiến, trước mặt là một con người đôn hậu, dung dị chất phác như bao người nông dân họ đã từng gặp trên đất nước anh hùng này...

Bắt tay với họ, ông mỉm cười, nói dí dỏm: "Chắc các anh khó tìm được phi công nào có vóc dáng nhỏ như tôi phải không?". Đến bây giờ ông vẫn bảo rằng, nếu không có một tình yêu nước cao độ, một tình yêu vô hạn luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ ông đã không thể trụ vững qua các cuộc sàng lọc khắc nghiệt của lớp đào tạo phi công của ta, không thể chiến thắng kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần trong cuộc không chiến không cân sức.

Sau khi nghỉ hưu, ông và gia đình sống tại TP Hồ Chí Minh. Một năm, ông tranh thủ một lần về quê vào dịp giỗ kỵ và gặp gỡ con cháu. Một phần vì vợ của ông, luôn nhắc về quê chồng với con cá kèo, cá bống và những món ăn đặc trưng miền Nam được các cháu nấu.

Biết tôi có nguyện vọng được viết về cuộc đời của một người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (người được phong tặng danh hiệu thứ 3 ở Cà Mau và ông cũng là anh hùng phi công đầu tiên của tỉnh Cà Mau), mặc dù thời gian ít ỏi, các con cháu của ông đều rất vui, tạo mọi điều kiện để tôi được tiếp xúc cũng như đi cùng ông thăm một số đồng đội cũ.

Đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu luôn thường trực trên môi - những ai tiếp xúc với Anh hùng phi công Lâm Văn Lích cũng khó có thể nghĩ rằng ông đã ở tuổi "xưa nay hiếm". Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ông luôn nhắc đến xã Tắc Vân, TP Cà Mau, một cách trìu mến.

Hơn 40 năm về trước, miền quê nghèo ấy đã gắn liền với đầy ắp ký ức tuổi thơ của cậu Lích vào những ngày khí thế cách mạng nóng bỏng. Biết bao nhiêu lớp người con ngã xuống khi quê hương rên xiết dưới gót giày của quân xâm lược.

Ông tâm sự: "Lúc đó tôi mới mười tuổi, nhưng hình ảnh thầy giáo Phan Ngọc Hiển hiên ngang ra pháp trường, trước lúc hy sinh còn hô vang khẩu hiệu đả đảo đế quốc Pháp đã luôn thôi thúc tôi phải noi gương anh hùng của thầy"./.


(Theo Đoàn Phương Nam/CMO)