Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau Kỳ 5: Khổ luyện

Những ngày đầu luyện tập, tôi buồn nôn không chịu được. Trước mắt mình tối om, hoa mắt không thấy được gì. Nôn thì sợ anh em và giáo viên biết được, họ đánh giá mình không đủ năng lực không cho học nữa.  Lúc nào buồn nôn, tôi lén quay đi nôn vào găng tay và giấu trong buồng lái. Hết giờ học lấy về" - Lâm Văn Lích kể lại những tháng ngày học lái máy bay đầy vất vả.

Đến phần thực hành cũng gian nan không kém. Mùa đông lạnh tê người. Tuyết ngập phủ đầu gối, phải khiêng lò sưởi đến "hâm" cho động cơ nóng lên mới khởi động máy bay được.

Học viên phải trải qua rất nhiều bài tập thực hành từ đơn giản đến phức tạp, sau cùng mới được "thả bay đơn", tức là lái một mình.

 

 
Ngày 22/5/1970, du kích xã Khánh Hưng bắn hạ 1 phản lực Mỹ tại xóm Chủ Mía, thu 6 đại liên 1 và 2 nòng và 1 col 12 ly.Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH

Ông vẫn còn nhớ, lần thả bay đơn đầu tiên hồi hộp lắm, ở dưới đất có ngã cũng không sao, chứ trên trời mà "sai số" là mất mạng. Phải ráng bình tĩnh lại. Cứ tự nhắc nhở mình là nếu bay không tốt sẽ không được bay loại khác. Mà không được bay loại khác thì xuống đất luôn, không được làm phi công nữa. Vậy là thả bay đơn thành công.

Sau khi mãn khóa huấn luyện, đồng chí Đào Đình Luyện - sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - là phi công chỉ huy những chiếc MIG 17 đầu tiên trở về Tổ quốc. Đầu tháng 8 năm 1964, đội bay xuất phát từ Sân bay Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc về một sân bay vừa được xây dựng xong (Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày nay).

Các cuộc chiến đấu của Không quân Việt Nam bao giờ cũng được các chiến sĩ và bộ phận tham mưu tính toán kỹ lưỡng từng tình huống dù nhỏ nhất. Không ai trong số các sĩ quan Mỹ nghĩ rằng các MIG 17 có thể đương đầu với máy bay Mỹ. Càng bất ngờ hơn chuyện ta có thể hạ gục máy bay của cường quốc quân sự số 1 trên thế giới vào ban đêm.

"Sau khi ta hạ được máy bay địch, cấp trên chỉ thị chúng tôi phải nghiên cứu cách đánh địch vào ban đêm. Ngay trong lý thuyết học ở nước bạn cũng không có. Hỏi thăm thì họ bảo, chính họ cũng chưa đánh đêm lần nào. Nhưng mình quyết tâm phải hạ được máy bay Mỹ, buộc chúng khuất phục trước uy lực của Không quân Việt Nam".

Khi ánh bình minh tắt hẳn, các vì sao bắt đầu nhấp nháy trên bầu trời là lúc Lâm Văn Lích cùng Đào Đình Luyện "ôm" máy bay lao vào bầu trời. "Muốn đánh đêm thành công, trước tiên mình phải quen với việc bay đêm. Từ đó rút ra các kinh nghiệm, phổ biến đến anh em để tránh hao tổn về người và vũ khí".

Các chiến sĩ ta đều muốn nhanh chóng xuất kích trừng trị bọn phi công Mỹ đang ngày đêm mang bom đạn gây tội ác cho đồng bào. Chính vì vậy, "tâm lý anh em lúc đó không sợ hy sinh, chỉ sợ không bắn rơi được máy bay Mỹ".

Trận không chiến đêm 3/2/1966 đã đi vào lịch sử. Lối đánh táo bạo, mưu trí của ông sau này được áp dụng cho chiến thuật đánh địch vào ban đêm của lực lượng Không quân Việt Nam.

Lâm Văn Lích kể lại: "Đêm 3/2/1966, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn không quân tiêm kích 921 kỷ niệm 36 năm ngày thành lập Đảng và 2 năm ngày thành lập đơn vị. Tôi nhận nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu".

Khi sở chỉ huy báo tin có máy bay địch xâm phạm trên không phận Hà Nội, nhận được lệnh xuất kích, ông cùng chiếc MIG 17 lao vào bầu trời tìm diệt kẻ thù. Theo lý thuyết đã học thì đánh địch vào ban đêm là điểm bất lợi đối với loại máy bay "cổ" như MIG 17. Máy bay này không có các trang bị hiện đại như máy bay Mỹ nên dễ biến thành con mồi ngon cho đối phương hạ gục.

"Khoảng hơn 30 phút bay, tôi phát hiện chiếc F.4 của địch. Tôi đoán thằng F.4 này chắc đang thực hiện phi vụ gì quan trọng lắm bởi xung quanh nó có một tốp máy bay tiêm kích hạng nhẹ bảo vệ. Tôi hạ quyết tâm phải đánh bằng được chiếc F.4, nếu có cơ hội thì đánh luôn tốp tiêm kích"./.

(Theo Đoàn Phương Nam/CMO)