Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau Kỳ 4: Những tháng ngày sục sôi cách mạng

Đó là những sự kiện cách mạng đầu tiên tác động đến cậu bé Lích. Đi đến đâu cậu cũng nghe mọi người nói về chuyện làm cách mạng, mà nơi thảo luận nhiều nhất chính là gia đình của cậu.

"Anh trai tôi thường vắng nhà rất lâu. Khi nào về đến nhà lại thức thâu đêm bàn bạc công tác hoạt động cách mạng với cha tôi. Từ đó về sau, cả nhà tôi đều tham gia hoạt động cách mạng".

 
Anh hùng lực lượng vũ trang Lâm Văn Lích (người thứ ba từ phải sang) về lại quê hương Cà Mau trong sự đón tiếp nồng ấm của bà con ruột thịt và nhân dân quê nhà. 

Không khí "kháng Pháp, đuổi Nhật" sục sôi đến tận xóm nhỏ. Hưởng ứng lời kêu gọi cách mạng, mọi người tự chế tạo vũ khí cho mình. Người thì làm dao, phản, người thì làm gươm. Cậu bé Lích cũng lén nhặt nhạnh thứ của người lớn bỏ sót, chế tạo cho mình một cây dao găm sắc bén.

Ông hồi tưởng lại: "Sau khi chế tạo cho mình cây dao, tôi lấy làm đắc ý lắm. Cứ lấy ra mà ngắm nghía suốt ngày. Rồi ra sau vườn, kiếm một cây chuối thật ưng ý làm bia, thử tài ném phi tiêu.

"Không khí cách mạng sục sôi khắp xóm tôi. Tây đến, mọi người tản cư. Tôi theo bộ đội vào đến Lung Ngan (bây giờ là huyện Giá Rai)".

Địch càn quét rất dữ dội nên bộ đội vừa đánh địch bảo vệ dân, vừa di chuyển liên tục để bảo toàn lực lượng. Thấy cậu bé Lích tuy nhỏ nhưng nhanh nhẹn, các anh giao nhiệm vụ liên lạc, do thám nắm tình hình địch. Bất cứ nhiệm vụ gì được giao ông cũng hoàn thành xuất sắc.

Lúc đó thấy tuổi Lích còn quá nhỏ, chị Tám ông ở Ô Rô nói với má cho về để chị nuôi ăn học. "Má kêu tôi lại bảo: "Má chằm cho con cái nóp, mai chị đưa con đi học nghen". Nhưng một thời gian ngắn, tôi lại trốn chị gia nhập du kích, được biên chế vào Trung đội 1. So với anh em nghèo không có điều kiện đi học, vốn kiến thức lớp 3 tôi học được ở Cà Mau lúc đó quý lắm".

Năm 1949, ông được cấp trên cử học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 1. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tập kết ra Bắc. Sau đó, ông là một trong số những học sinh miền Nam được Tổng Cục Chính trị cho học văn hóa, học ngoại ngữ.

"Lúc đó, chúng tôi hăng hái học tập lắm. Thậm chí, tranh thủ lúc đi cầu, hai bạn ngồi kế nhau dò bài cho nhau. Chúng tôi cũng không biết mục đích Trung ương đào tạo mình cho việc gì nhưng đứa nào cũng đầy nỗ lực".

Học được một thời gian Lâm Văn Lích nằm trong số học sinh xuất sắc được tuyển chọn cử đihọc nước ngoài, đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thông báo thông tin này.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lan - một đồng đội thân thiết của ông kể lại: "Thấy các bạn được phân vào tốp này, tốp kia, chỉ có vài người trong đó có mình chẳng được phân vào đâu cả. Tối trước hôm lên đường, những ai chưa được xếp nhóm bất ngờ bị yêu cầu ở lại trong phòng, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

"Tất cả đều ngơ ngác không hiểu có chuyện gì. 8 giờ sáng hôm sau, cấp trên mới tiết lộ: "Các đồng chí được cử đi học lái máy bay, đây là khóa học quan trọng nên phải giữ bí mật". Cả nhóm cảm động ôm chầm lấy nhau".

Nhớ lại những ngày tháng đó, ông vẫn còn nguyên vẹn niềm tự hào vàxúc động: "Trước khi đi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp gỡ và nói rằng: "Bác Hồ muốn gặp các đồng chí nhưng không thể gặp được. Bác nhờ tôi chuyển lời đến các đồng chí là phải cố gắng nỗ lực học tập để trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng. Chúng tôi vô cùng tự hào và thấy mình đang gánh vác một sứ mệnh lịch sử quan trọng".

Làm sao không tự hào được vì sau năm 1954, trong số hơn 30.000 học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập, công tác, chỉ có hơn chục người được tuyển chọn đào tạo phi công.

Lớp đào tạo phi công tại Trung Quốc nằm ở một khu rừng bí mật và được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Học viên vào đây phải tuân thủ nhiều nội quy, kỷ luật khắt khe. Mọi sinh hoạt, thông tin của học viên đều được quân đội giám sát chặt chẽ.

Giáo viên là người Trung Quốc. Họ trao đổi hoàn toàn bằng tiếng bản xứ mà lại là những từ chuyên môn nên học viên Việt Nam tiếp thu rất vất vả. Lúc đầu, nhiều người cảm thấy rất căng thẳng.

Ở trong nước, vốn tiếng Trung của ông đủ để giao tiếp với bạn bè, thế nhưng từ vựng thuộc về chuyên ngành không quân thì ông chưa được học đến. Chàng trai trẻ Cà Mau quyết tâm không thua các bạn.

Trong giờ học, Lích tập trung cao độ. Khi giảng viên nói đến đâu, họ chỉ vào mô hình đến đó. Ông nhìn vào mô hình cố gắng ghi nhớ động tác của họ và tên gọi của từng mô hình.

Hầu như các môn học đều là những thử thách lớn đối với mỗi người./.

(Theo Đoàn Phương Nam/CMO)