Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau - Kỳ 13: Luyện bay biển

Bay biển khó hơn bay bờ rất nhiều lần vì không có gì làm chuẩn để phân biệt làn ranh giữa biển và trời. Mặt biển là mặt gương lồi, lại bay rất thấp nên thần kinh phi công không vững là đâm ngay xuống biển" - Trung tá Đoàn Hồng Quân cho biết.

Thế nhưng với quyết tâm phải hạ được tàu chiến Mỹ, các phi công Việt Nam luyện tập đêm ngày với ý chí rất cao. Tháng 3/1972 nổi lên 6 phi công có khả năng thực hiện những phi vụ tấn công trên biển, trong đó có 3 phi công được đánh giá là bay biển giỏi: Lê Xuân Dị - Nguyễn Văn Bảy - Nguyễn Văn Lục. 

 
Lê Xuân Dị (bìa trái) và Nguyễn Văn Bảy trước mô hình đánh chiến hạm Mỹ.Ảnh chụp lại

Theo quy định, phi công đã bay được bao nhiêu giờ, trình độ như thế nào, làm được những động tác gì mới được phép bay biển. Đầu tiên có chuyên gia ngồi sau, hai thầy trò cùng bay vài chuyến để hướng dẫn trò quan sát biển - trời, nhận dạng những khác biệt giữa bay biển - bay bờ.

Bay ra rồi bay vô, quen rồi thì lượn ngoài biển từ đơn giản đến phức tạp. Bay bổ nhào, lượn vòng ngoài biển. Thầy "thấy được" mới cho bay đơn. Khi đã thuần thục mới cho tập bắn và ném bom mục tiêu.

Theo các phi công chiến đấu, bay càng xa bờ càng khó vì không có gì để làm chuẩn, không có điểm tựa, phải nhìn đồng hồ. Bay biển càng thấp càng khó. Bay biển đêm càng khó hơn vì đèn và sao giống nhau. Vì vậy chủ yếu phải nhìn đồng hồ.

"Bay biển khó hơn bay bờ gấp nhiều lần. Khi bay bờ, phi công có thể nhìn rõ đủ thứ. Có nhiều vật chuẩn để phân biệt mặt đất - bầu trời, kể cả đêm và ngày. Vì vậy, khi có sự cố gì thì dễ xử lý" - Đại tá Nguyễn Văn Lục cho biết.

Thế nhưng khi bay biển thì không có các điều đó. Người lái có cảm giác đơn độc, không hiểu máy bay đang bay bằng hay bay nghiêng. "Bay biển đòi hỏi máy bay phải song song tuyệt đối với mặt nước. Phi công không giỏi, tâm lý không vững, dễ bị rơi vào tình trạng không song song. Có hai tình huống dẫn đến máy không song song là: Nếu đầu máy bay hơi chúi về phía trước thì máy bay sẽ lao ngay xuống biển. Nếu đầu máy bay hơi nghếch lên thì máy bay sẽ bay lên, dễ bị pháo từ tàu bắn hạ, ta thì công kích không trúng mục tiêu" - Đại tá Nguyễn Văn Lục nhấn mạnh.

Bay ở độ cao 50 m so với mặt nước biển, khi gặp sóng to gió lớn sẽ làm cho phi công có cảm giác bị sóng chồm lên máy bay. Nếu tâm lý không vững sẽ kéo cần lái lên ngay. Bay thấp thì tầm nhìn rất hạn chế và thấy máy bay bay rất nhanh. Do đó khó quan sát mục tiêu. Vì vậy khi thấy mục tiêu thì đã trễ, dành vọt qua rồi quay lại.

Khi quay lại không song song đường cũ mà chéo với đường cũ, lấy tàu làm tâm điểm và lao vào trong lúc súng đủ loại từ 2-3 tàu của địch bắn xối xả vào mình. Vì thế, những chiến sĩ phi công được chọn vào đội hình bay biển phải là những người cực kỳ dũng cảm.

Mỗi phi công trực đánh biển được trang bị áo phao phải mặc. Trong đó có: bình hơi, gói thuốc chống cá mập (xa ra tạo màu khác để cá mập không đến), súng bắn pháo hiệu gọi trực thăng tới cứu, thuốc lọc nước uống, súng lục tự vệ, dao con, lương khô, thuyền để nổi.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy (A), nhớ lại quãng thời gian này: "Sau khi huấn luyện bay đạt yêu cầu theo chương trình, Nguyễn Văn Bảy tiếp tục tập luyện và chờ thời cơ đi đánh tàu. Chúng tôi quyết định chọn biên đội: Dị - Lục - Bảy cho trận chiến đầu tiên này".

Đại tá Lê Xuân Dị cho biết lý do chọn đội hình theo sơ đồ này: "Theo sơ đồ này thì Dị - Bảy là chính. Nếu Dị có vấn đề gì đó thì Lục thay Dị, nếu Bảy có vấn đề gì đó thì Lục thay Bảy. Lục có thể thay tôi, Bảy đều được. Bảy có yếu hơn một số về kỹ thuật nhưng ý chí chiến đấu thì cực kỳ đáng nể, vì tôi thường trực chiến chung với Bảy, rất hiểu Bảy"./.

Kỳ 14: Chuẩn bị sân bay “độc nhất vô nhị” trên thế giới

(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)