Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau - Kỳ 9: Một gia đình giàu truyền thống cách mạng

Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1943 tại xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Anh tập kết ra miền Bắc năm 1955, học ở các trường học sinh miền Nam. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Cả nước sục sôi khí thế đánh Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.Đang học đại học, Bảy cùng các bạn tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.

Năm 1965, Nguyễn Văn Bảy trúng tuyển vào không quân sau những lần kiểm tra sức khỏe rất nghiêm ngặt và sau đó được đưa đi đào tạo ở Liên Xô. Năm 1966 được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam và được chuyển thành Đảng viên chính thức năm 1967.

Tốt nghiệp trường không quân năm 1968, về nước được biên chế về Trung đoàn không quân tiêm kích E923. 

 

 

Ông Nguyễn Anh Sơn (bìa trái) anh trai của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy cùng cháu ôn lại truyền thống gia đình.Ảnh: THANH QUANG

Bảy nhiều lần tâm sự với Đỗ Khắc Hùng, bạn học chung Trường học sinh miền Nam rằng: "Tôi chỉ biết rằng cha mẹ tôi đều đi kháng chiến. Ông nói tiếng Bắc, bà nói tiếng không giống người ở Hưng Mỹ, còn tất cả anh em tôi đều nói tiếng Nam. Chính vì không biết nguồn cội thế nào và quê quán cha mẹ ở đâu nên tôi cứ lấy nơi tôi sinh ra làm quê quán".

Để giải tỏa sự áy náy của em và những thắc mắc của chính mình, ông Nguyễn Năm, anh trai của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy quyết đi dò hỏi để tìm ra gốc tích. Vì sao, các anh em của Nguyễn Văn Bảy lớn lên lại không hiểu hết về gốc tích của gia đình mình?

Ông Nguyễn Anh Sơn (trước đây làm Thanh tra TP Cà Mau, sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục được hợp đồng làm chuyên viên cho Văn phòng UBND TP Cà Mau), là anh thứ 6 của liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy, cho biết: "Gia đình tôi có tất cả 9 anh em, trong đó có 5 trai và 4 người con gái. Mọi người trong gia đình tôi ít sống gần nhau. Lúc 3, 4 tuổi còn sống chung chứ lớn một chút là mẹ gửi vào trường thiếu sinh quân vì không có nhiều thời gian chăm sóc do ba mẹ tôi đều tham gia công tác cách mạng".

Tháng 10/2004, ông Nguyễn Năm gặp bà Phạm Thị Huấn (ngụ tại thôn Đông, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội)là em dâu út của cụ Nguyễn Xưởng. Lời kể của bà không chỉ giải đáp thắc mắc cho người đã khuất mà còn giúp chúng ta hiểu hơn về một gia đình yêu nước, hết lòng vì Tổ quốc.

Bà kể: "Gia đình cháu có nguồn gốc và quê quán rất rõ ràng. Bố cháu tên là Nguyễn Xưởng, là con cụ đồ nho Nguyễn Trác, quê ở làng Gồ Chùa, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (cũ). Cụ Trác về Xuân Đỉnh rất sớm, dạy học ở cái đình gọi là Đình Vũ độ mươi năm, sau đó cưới bà nội cháu là Nguyễn Thị Tý.

"Năm 1899, bà sinh bố cháu tại làng Xuân Tảo - nay là Xuân Đỉnh. Tiếp theo là cô Sửu, chú Thuyên, và chú Hiệu - con út -lần lượt ra đời. Bố cháu được ăn học đàng hoàng, giỏi chữ nho, chữ Pháp và kỹ thuật in báo. Năm 26 tuổi, bố cháu cưới bà Đỗ Thị Trợ và sinh được 3 người con gái là chị Phảng Nhớn, chị Thoảng Bé và chị Ba của cháu. Đứa con trai thứ 4 mới ra đời được mấy tháng thì cả hai mẹ con chết.

"Khoảng cuối năm 1934 đầu 1935 bố cháu cưới mẹ cháu. Đầu những năm 1930, bố cháu có tham gia hội kín gì đó - sau này mới biết là tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Độ giữa năm 1935, bố cháu bị bắt ở Cầu Giấy khi đang rải truyền đơn rồi bị đày đi nhà tù Sơn La".

Sau gần 2 năm bị giam cầm, ông Xưởng được ra tù vì giặc không tìm ra được chứng cứ gì buộc tội. Sau khi ra tù, Nguyễn Xưởng lại tiếp tục làm việc tại nhà in Trung Bắc Tân Văn ở Cửa Bắc.

Cuối năm 1938 đầu 1939, vợ chồng Nguyễn Xưởng ẵm người con trai tên Nguyễn Năm (mới 3 tháng rưỡi tuổi) bí mật lên tàu đi vào Sài Gòn.Vợ chồng bà Phạm Thị Huấn, cái Hến (chị Tư) và chị Ba của Nguyễn Văn Bảy lên toa khác. Cô Sửu và chị Thoảng Bé đi chuyến tàu sau.

Ở Sài Gòn, hai anh em cùng làm cho nhà in ông Tú Tài Liêu tại chợ Tân Định. Cô Sửu và chị Thoảng Bé làm công quả trong chùa Phổ Quang ở Phú Thuận. Bà Nguyễn Thị Lư, Phạm Thị Huấn với ba người con ở trọ trong căn nhà lá lụp xụp cạnh chợ Phú Thuận hàng ngày đi bán guốc.

Cuối năm 1940, bọn lính lùng sục ngày đêm, bắt đi rất nhiều người. Ông Nguyễn Xưởng phải đi trốn và nhờ có sự giúp đỡ của ông Tú Tài Liêu nên cả gia đình mới về đến Cà Mau an toàn.

Vợ chồng bà Phạm Thị Huấn đang chuẩn bị đi theo thì được tin nhắn gọi ra Hà Nội gấp vì ông nội ốm nặng. Từ đó gia đình thất lạc tin tức của nhau.

Đầu những năm 40, chính quyền thực dân ráo riết truy bắt những người cách mạng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Để bảo đảm an toàn cho gia đình, cụ Xưởng đưa vợ con tản cư về miệt Trần Văn Thời, con cụ vẫn ở lại Cà Mau hoạt động với vỏ bọc là thầy cai trong nhà in ông Tú Tài Liêu và thầy tướng số tử vi với biệt danh là Cồ xuân Cư sĩ.

Năm 1945, khí thế khởi nghĩa trong tỉnh dâng cao. Bà Lư đã đưa các con trở lại Cà Mau. Ông, bà cùng tham gia khởi nghĩa: Ông tham gia trong Đoàn thanh niên cứu quốc cướp chính quyền, bà là đội viên đội rải truyền đơn ở Rau Dừa - Bờ Đập.

Chính quyền về tay nhân dân chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã phản bội Hiệp ước sơ bộ mùng 6 tháng 3 đổ quân vào Cà Mau. Theo chỉ đạo của cấp trên, khoảng cuối năm 1946 cụ Xưởng đưa toàn bộ nhà in vào chiến khu vùng Ngọc Hiển - Năm Căn.

Cuối năm 1947, nhà in "Tiếng nói miền Tây" được thành lập và trực thuộc phòng chính trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Bản tin đầu tiên "Tiếng nói miền Tây" phát hành tại Cây Tàng. Một thời gian ngắn sau đó, tờ "Tiếng nói miền Tây" mang tên mới là tờ "Thông tin" cho phù hợp với tình hình mới. Cụ Xưởng là Trưởng ban ấn loát Phòng Chánh trị Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.

Kể từ đó, dù nhà in và tờ tin có những lần đổi tên cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, cụ Xưởng vẫn làm việc liên tục cho đến khi anh dũng hy sinh tại Trảng Cò năm 1952 khi cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn chuẩn bị tổng phản công.

Ông Nguyễn Anh Sơn, kể thêm cho chúng tôi thông tin về mẹ của ông -người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc. "Cuộc đời mẹ tôi buồn nhiều hơn vui. Tuổi ấu thơ sớm mất mẹ cha. Mẹ làm thuê từ thuở mười ba. Đến năm 18 mẹ đã làm dâu. Vui hạnh phúc chưa lâu đã khóc, giặc bắt chồng giam ngục Sơn La. Cha tham gia cách mạng, nơi đất khách tần tảo để nuôi con".

Bà hay tin chồng hy sinh khi trong bụng còn đang mang đứa con út. Sau nỗi đau không gì bù đắp được ấy, bà Lư quyết định lấy họ chồng làm họ của mình và từ đó tên họ của bà là Nguyễn Thị Lư.

Bà vẫn tiếp tục tham gia kháng chiến và như những lần trước, lại gửi con vô Trại thiếu nhi thuộc Sở Thương binh Nam Bộ. Lần này là Nguyễn Văn Bảy được nuôi dạy và học hành.

Khi hòa bình lập lại năm 1954, bà được đi tập kết ra miền Bắc./.

Kỳ 10: Nỗ lực học tập

(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)