Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau - Kỳ 10: Nỗ lực học tập

Thật khó có thể hình dung hết được sự thích nghi trên đất Bắc để học tập của các học sinh miền Nam. Lời kể của ông Đỗ Khắc Hùng (hiện sống tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương), là bạn học của phi công Nguyễn Văn Bảy, không chỉ tái hiện lại quãng thời gian học tập của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy mà qua đó còn cho chúng ta thấy bức tranh sinh động về những ngày tháng nỗ lực học tập đầy khí thế thi đua sôi nổi của học sinh miền Nam.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève có hiệu lực cùng với việc cán bộ, bộ đội, con em liệt sĩ, thương binh kháng chiến cũng được tập trung tập kết ra miền Bắc.

Từ Cạnh Đền, cả mấy trung đội xuống ghe chài - một loại ghe thuộc loại lớn nhất lúc bấy giờ ở vùng này -có động cơ đẩy, chở ra ngã tư Phó Sinh, rẽ qua kinh xáng Chắc Băng, tới chợ Huyện Sử, đi tiếp đến chợ Thới Bình, ra sông Trẹm, xuống Sông Đốc ghé Rạch Lùm.

Cấp trên cho dừng quân ở đây vài ba ngày để chấn chỉnh đội hình, chữa bệnh và cái chính là chờ tàu Liên Xô hoặc Ba Lan tới rước. 

 
Vợ chồng ông Nguyễn Anh Sơn - anh trai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy và tác giả bài viết bên mộ của Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy.Ảnh: THANH QUANG

Độ 3-4 giờ sáng ngày 1/12/1954, các trung đội được đưa xuống ghe biển chở ra cửa Sông Đốc, cặp vào tàu Liên Xô. Việc đón tiếp người lên tàu, kéo dài tới chiều tối thì kết thúc. Tàu nhổ neo, rúc một hồi còi dài lên đường. Tàu chạy bốn đêm trên biển, gặp bão giữa chừng, làm một số người lăn lóc trên sàn, nhiều người bị say sóng ói mửa, bơ phờ.

Sáng ngày 5/12/1954, 5 trung đội thiếu nhi xuống thuyền buồm vào bến Sầm Sơn - Thanh Hóa. Tại bến, mọi người đón tiếp rất đông với cờ trống rộn rã. Thiếu nhi miền Bắc quàng khăn đỏ xếp hàng, đánh trống phất cờ đón tiếp cán bộ và con em miền Nam.

Trung đội 5 được bố trí ở một đầu lán. Lán là một ngôi nhà, cột, kèo, đòn tay, toàn bộ bằng tre, lợp lá cọ, nhưng chắc chắn. Vách dựng bằng tre bổ xịa, còn giường nằm là hai dãy hai bên được lót bằng tre bổ xịa, buột chặt xuống róng ở dưới gầm.

Mỗi người tự phân cho mình một đoạn bề ngang chừng tám tấc đủ nằm, còn bề vô đồng đều là hai mét. Mọi người ở đây chừng một tuần để bồi dưỡng, trị bịnh, nghỉ ngơi cho lại sức, ngày ăn ba bữa, chế độ tiểu táo, được lãnh quần áo, áo bông, áo len, vớ, dép râu, khăn quấn cổ, mùng, mền…

Hằng ngày chúng tôi được tập hát bài "Dân Liên Xô", "Kết đoàn", "Chiến binh ca vũ khúc", "Qua miền Tây Bắc", "Vượt trùng dương" và được học cả múa bài "1-2-3-4-5-6-7". Với sự chăm sóc chu đáo, mọi người mau chóng phục hồi sức lực, quen dần với cuộc sống tập thể, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, lần đầu tiên chịu những trận rét thấu xuơng, một số bạn bị bệnh viêm phổi, nổi mề đay…

Ngày 13/12/1954, Trung đội 5 được đưa về nhà dân ở Thanh Hóa, mỗi nhà chứa từ 6-10 đứa. Tại đây có người hướng dẫn khai lý lịch, trình độ học vấn, sắp xếp lượt theo trình độ học vấn tự khai, học thử để kiểm tra, xếp lớp lại cho đúng học lực. Phần khai lý lịch tôi và Bảy kể theo cảm tính, các bạn khác chắc cũng vậy.

Ngày 14/1/1955, sáng sớm xe bộ hiền - ở miền Bắc gọi là xe ca - đến chở năm trung đội học sinh từ Thanh Hóa ra làng Chuông. Xe đi suốt một ngày thì đến làng Chuông (thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ở đây có một cuộc sắp xếp lại toàn bộ theo học vấn và tuổi tác.

Tôi và Bảy cùng ở chung một lớp. Đó là lớp 1 B - trường học sinh miền Nam số 2 - gọi tắt là trường 2. Chúng tôi tiếp tục học, vừa để kiểm tra học lực, để xếp lớp cho đúng, vừa chọn ra một số để đi học nước ngoài như: Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu. Tôi và Bảy được chọn đi Trung Quốc học cùng nhiều bạn khác.

Cuối tháng 6/1955 chúng tôi lên xe lửa liên vận đi Trung Quốc. Tôi được phân về trường 2, Bảy về trường 1 (trong khu học xá Nam Ninh - cách biệt với khu dân cư). Trường được trang bị tương đối đủ mọi thứ bảo đảm cho việc ăn, ở, học tập, sinh hoạt, giải trí, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm học sinh nội trú.

Mùa hè năm 1958, một bộ phận khá đông HSMN ở khu học xá Nam Ninh được đưa về nước, phân đi các nơi. Bảy và tôi cùng về Hải Phòng. Niên học 1958-1959 tôi và Bảy cùng học lớp 5 G trường 19. Mùa hè năm 1959, một số khá đông HSMN ở các nơi được chuyển về thành lập trường 28 ở Hà Nam, trong đó có tôi và Bảy.

Từ niên học 1959-1960 đến mùa hè 1964, chúng tôi học chung từ lớp 6G đến 8G, tôi ở lại lớp, Bảy tiếp tục học lớp 9G và 10G. Tuy khác lớp nhưng hai đứa thường đi chung với nhau.

Sáu năm ở đây, bên cạnh những thành tích học tập và rèn luyện thân thể, Bảy cũng có những bước tiến quan trọng trong tu dưỡng vươn lên về đạo đức, quan điểm lập trường giai cấp và đã có "Chương trình phấn đấu để trở thành người đảng viên Đảng lao động Việt Nam".

Kết quả thật khả quan: Năm lớp 7 được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động, lớp 8 được bầu vào Ban chấp hành Chi đoàn và sau đó là thành viên Ban chấp hành Đoàn trường cho đến hết cấp.

Mùa hè năm 1964, tôi và Bảy chia tay. Bảy vào trường đại học Nông nghiệp ở Trâu Quỳ - Hà Nội, còn tôi về trường HSMN Đông Triều./.

Kỳ 11: Những tháng ngày sôi động

(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)