Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những cánh én bạc lừng danh đất Cà Mau - Kỳ 8: “Hậu phương” của người anh hùng

Gần nửa thế kỷ gắn bó bên nhau, dường như bà luôn âm thầm theo sát các bước tiến của chồng. Ông kể chuyện có đoạn còn thiếu, hoặc nhớ chưa ra là bà tiếp lời. Lúc nào cũng bằng cái giọng nhỏ nhẹ, trìu mến, bà nhắc ông uống thuốc, đến giờ nghỉ ngơi, giờ tập luyện thể thao.

Bà chính là Đường Duy Huyền - một nửa yêu thương, sắt son chờ đợi, nuôi dạy con, chờ chồng - quê ở Qui Nhơn. Bà là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. "Lúc bấy giờ tôi làm ở Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng). Anh Lích có người cháu là học sinh miền Nam nên chúng tôi mới có dịp quen nhau". 

 
Đại tá Lâm Văn Lích và vợ - Bà Đường Duy Huyền trong chuyến thăm Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau.    Ảnh: MINH PHƯƠNG

Bà Huyền kể chuyện cái giọng rất nhỏ nhẹ: "Tôi còn nhớ lúc đó tụi tôi xem phim có một câu nói rất hay: Hết ngày dài rồi lại đêm thâu. Chúng tôi đi trên đất Phi châu. Còn chúng tôi trực chiến gần như 24/24 nên thường nói đùa với nhau: "mổ hết ngày dài rồi lại đêm thâu". Có khi chúng tôi mổ cấp cứu không có thời gian để rửa tay”.

Có chồng là lính, hầu như người vợ nào cũng chịu sự xa cách, nhớ nhung, một mình vò võ nuôi con, chờ chồng. Đối với vợ lính "phòng không" cũng thế.

Mặc dù chồng luôn có mặt tại đơn vị nhưng để gặp mặt mà hàn huyên tâm sự không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.

"Đi thăm ổng rất cực khổ. Đoạn đường từ Hải Phòng đi ra Hà Nội chỉ hơn 80 cây số mà mất hơn 1 ngày. Tôi thì bận trực chiến, mỗi lần nghỉ phép đi thăm anh là một lần khó khăn. Khi đi, hai mẹ con phải đem theo cả chăn (mền), rồi khăn lông. Vì tàu lửa đến ga Hàng Cỏ rất sớm".

Trời mùa đông lạnh như cắt da cắt thịt. Trong cái rét buốt xương ấy, bà Huyền và cậu con trai đầu lòng mới lên 3 trải khăn lông, trùm chăn nằm đợi trời sáng để đón xe đi đến Sân bay Kép (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang). Đón xe đến Sân bay Kép được thông báo: "Lích không có ở đây. Đã bay về Gia Lâm".

Thời gian nghỉ phép còn lại chỉ đủ hai mẹ con đón xe, tàu trở về Hải Phòng, tiếp tục nhiệm vụ của người bác sĩ, chứ không thể nào qua Gia Lâm được.

"Tôi ôm chầm lấy con: "Không gặp được ba rồi, tội nghiệp con quá". Thằng con nói tỉnh queo: "Má còn tội nghiệp, còn khổ hơn con nữa".

Biết đến Hà Nội có khi gặp khi không, được nghỉ phép, hai mẹ con bà lại bồng bế nhau đi thăm chồng, để con được gặp mặt cha cho đỡ nhớ. Thế nhưng những lúc gặp nhau hoàn cảnh vợ của chiến sĩ không quân giống như bài hát "gặp nhau lần nào cũng vội/chẳng đủ để mà giận dỗi".

Bà kể: "Những hôm anh không bận đi trực chiến thì mẹ con tôi không phải chịu cảnh buồn bã quay về vì không gặp mặt được. Đến đơn vị, chúng tôi được ở ngoài làng - khu vực dành cho vợ lính. Hai mẹ con ở đấy cũng chẳng biết làm gì, cứ ra trước cửa phòng nghe tiếng máy bay mà đoán già đoán non.

Buổi trưa, anh ghé đến thăm mẹ con một chút rồi về. Vì các anh bay đêm nên ban ngày phải ngủ nhiều để giữ mắt hoạt động tốt, đảm bảo sức khỏe ở cường độ cao nhất.

Khi các phu quân bay đêm, các phu nhân cũng ra ngoài ngồi đếm sao và cầu mong máy bay an toàn trở về. Chúng tôi cùng ngồi ôm con và mong chờ tiếng máy bay hạ cánh.

Một tuần mẹ con tôi ở đó, cũng chỉ gặp được anh thời gian rất ngắn ngủi. Rồi sau đó, hai mẹ con lại lủi thủi dẫn nhau về Hải Phòng".

Ông bà có 3 người con. Con trai lớn hiện là tổng giám đốc công ty kinh doanh. Con gái cũng theo nghề kinh doanh. Và con trai út đang học cao học.

Trong chuyến về thăm quê, điều ông mong mỏi nhất là đến nghĩa trang thắp một nén nhang lên mộ người đồng đội tài hoa: Nguyễn Văn Bảy (B). Ông bảo rằng, dứt khoát trong câu chuyện về ông, phải có câu chuyện về người anh hùng trẻ tuổi này.

Ông Lích kể: "Lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 923, Bảy là phi công. Máy bay Mỹ ta đã tiêu diệt rồi, làm thế nào để tiêu diệt chiến hạm Mỹ là bài toán khó. Ta hỏi kinh nghiệm của nước bạn đã từng đánh chìm chiến hạm Mỹ bằng máy bay. Họ bảo là có thể đánh chìm chiến hạm nhưng phải sử dụng một lúc khoảng 20-30 máy bay. Anh em ta chưa từng bay trên biển, cũng không biết cách thức thả bom trên biển như thế nào. Tập bay và tập ném bom trên biển ta có thể thử nghiệm; nhưng không có chiếc tàu biển nào để mình tập ném bom thử cả".

Trước khi nói về Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) nên nói qua vài nét để độc giả tường tận vì sao lại có ký hiệu A, B. Đại tá Lâm Văn Lích cho biết:"Khi nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn Không quân 923, do trùng tên với Trung đoàn phó là Anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy nên đồng đội đặt là Nguyễn Văn Bảy quê Cà Mau là Nguyễn Văn Bảy (B)".

Nguyễn Văn Bảy (A) quê ở Đồng Tháp, thuộc thế hệ phi công thứ nhất, còn Nguyễn Văn Bảy (B) thuộc thế hệ phi công thức 3. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi xin được nêu là Nguyễn Văn Bảy và Nguyễn Văn Bảy (A)./.

Kỳ 9: Một gia đình giàu truyền thống cách mạng

(Theo Đoàn Phương Nam // Baocamau)