Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)

Quyền cơ bản của người châu Mỹ bản địa bị xâm phạm. Việc nước Mỹ xây dựng một bức tường cao hơn 5,4 mét dọc biên giới Mỹ - Mexico xâm phạm nghiêm trọng cuộc sống của người dân Apache bản địa (cộng đồng bộ lạc ở Bắc Mỹ). Phụ nữ bản địa trở thành nạn nhân các vụ bạo lực của  lính Mỹ. Tại các thành phố biên giới và các thị trấn như Hu-a-rết, hơn bốn nghìn phụ nữ bản địa bị giết hoặc mất tích. Số thanh niên là cư dân bản địa  chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng số thanh niên tại Mỹ. Tuy nhiên, trong số thanh niên bị tù, người bản địa chiếm từ 15% đến  20% và 30% trong số đó phải chịu hình phạt khắc nghiệt nhất. Ngày 15-4-2008, người dân Yankton Siou, một sắc tộc ở Nam Dakota, đã tuần hành hòa bình phản đối việc xây dựng một trang trại nuôi lợn, bị xem là có khả năng gây ô nhiễm rất cao. Hơn 70 sĩ quan cảnh sát của hạt, bang và cơ quan hành pháp liên bang với sự trợ giúp của cảnh sát đặc nhiệm, chó nghiệp vụ, các tay súng bắn tỉa và máy bay lên thẳng đã đàn áp cuộc tuần hành này. 38 dân thường bị bắt, trong đó có cả trẻ em và người già. Mỹ triển khai quân và xây dựng căn cứ hải quân, không quân tại Guam, chiếm tới một phần ba diện tích đất đai ở đó. Những thổ dân Chamoru trở thành nạn nhân các loại vũ khí quân đội Mỹ để lại từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai và các vụ thử vũ khí hạt nhân. Tỷ lệ ca mắc bệnh ung thư họng ở đây là 1,999%, cao hơn nhiều mức bình quân của người Mỹ.

 

Người nhập cư bị đối xử vô nhân đạo. Ha-ri-ét Ôn-xơn, Phó Tổng Thư ký Văn phòng phụ nữ thuộc Tổng bộ toàn cầu Giáo hội Liên hiệp Giám lý, cho biết, nếu bị bắt, người nhập cư bất hợp pháp luôn bị ngược đãi. Họ thường bị giam giữ cùng tội phạm và bị tước đoạt quyền con người cũng như dịch vụ y tế cơ bản. Mỗi năm, có hàng chục người trong số này chết tại các nhà tù (Minh Báo, 14-12-2008). Tổ chức Giám sát nhân quyền cho biết, vào tháng 6-2008, Bộ An ninh nội địa giam giữ hơn 30 nghìn người và có hơn 80 người nhập cư chết trong năm năm qua khi dưới sự quản thúc của Bộ này hoặc ngay sau khi họ được trả tự do, vì các tiêu chuẩn chăm sóc không nhất quán và sự giám sát không thỏa đáng (Mỹ: Bảo vệ sức khỏe của người nhập cư, http://www.hrw.org/en/ news). Theo một bài viết trên Thời báo New York, kỹ sư máy tính Hiu Lui Ng, rời Hồng Công tới New York vào năm 1992, đã bị đưa vào trại tạm giam năm 2007, sau khi thị thực nhập cảnh của anh hết hạn, sau đó tiếp tục bị giam giữ tại ba tiểu bang thuộc vùng Niu Inh-lơn. Hiu Lui Ng đã chết trong trại giam vào tháng 8-2008 với xương sống bị gãy và cơ thể nhiễm căn bệnh ung thư bí hiểm mà không hề được chẩn đoán hoặc điều trị trong nhiều tháng (Thời báo New York, 12-8-2008). Hơn 2.900 lao động bất hợp pháp bị giam giữ từ tháng 10-2007, nhưng chỉ 75 ông chủ hoặc người quản lý bị kết án, chỉ bằng chưa đầy 2% số người lao động nói trên (Thời báo New York, 1-7-2008).

 

Ở Mỹ cũng tồn tại sự thù địch chủng tộc nghiêm trọng. Theo Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một báo cáo nghiên cứu của Bộ Tư pháp Mỹ công bố cuối năm 2005 cho thấy, Mỹ ghi nhận mỗi năm khoảng 191 nghìn vụ phạm tội do thù hận (Mạng tiếng Trung Quốc của VOA, 7-11-2008). Một báo cáo của FBI công bố ngày 27-10-2008 chỉ rõ có 7.624 vụ phạm tội do thù hận  được ghi nhận tại Mỹ năm 2007. Trong số đó có 50,8% có động cơ xuất phát từ thành kiến chủng tộc, 62,9 % số tội phạm là người da trắng (Thông cáo năm 2007 của FBI về thống kê tội phạm do thù hận, http://www.fbi.gov/hc2007/summary.htm). Tờ Diễn đàn Si-ca-gô đưa tin ngày 23-11-2007 cho biết, năm 2000 có khoảng 602 tổ chức hình thành dựa trên thiên kiến chủng tộc tại Mỹ. Con số này tăng lên tới 888 tổ chức năm 2008. Cùng ngày, tờ Hoàn cầu Bô-xtơn đưa kết quả điều tra của một giáo sư Trường đại học Tây Bắc cho rằng tỷ lệ người da đen bị giết tăng thêm 33% từ năm 2002 đến 2007.

 

Về các quyền của phụ nữ và trẻ em

 

Phụ nữ chiếm 51% số dân Mỹ, nhưng chỉ có 88 phụ nữ làm nghị sĩ tại QH nhiệm kỳ 110 của Mỹ. Phụ nữ giữ 16 ghế Thượng viện, chiếm 16% trong số 100 ghế; và 72 ghế Hạ viện, chiếm 16,6% trong 435 ghế. Từ tháng 12-2007, số phụ nữ làm việc trong các cơ quan hành pháp cấp bang toàn nước Mỹ là 73 người, chiếm tỷ lệ 23,2% và trong các cơ quan lập pháp cấp bang là 23,7%. Từ tháng 7-2008, tại 100 thành phố lớn nhất nước Mỹ chỉ có 11 nữ thị trưởng (Phụ nữ trong QH nhiệm kỳ 110 2007-2009. Trung tâm về phụ nữ và chính trị Mỹ, http://www.cawp.rutgers.edu).

 

Tình trạng phân biệt đối xử nam nữ trong lao động và việc làm ở Mỹ diễn ra khá nghiêm trọng. Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ cho biết, đã nhận được 24.826 cáo buộc về phân biệt đối xử nam nữ trong năm 2007, chiếm 30,1% tổng số các cáo buộc về tình trạng phân biệt đối xử (Thống kê cáo buộc tài khóa 1997 đến 2007, http://eeoc.gov). Số phụ nữ bị giới chủ đối xử không công bằng do có thai hoặc muốn có thai tăng (Phụ nữ sắp làm mẹ cáo buộc bị phân biệt đối xử trong việc làm, http://www.nydailynews.com, 19-5-2008). Theo số liệu của Cục điều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008, thu nhập bình quân thực tế của lao động nữ làm đủ giờ ở Mỹ năm 2007 là 35.102 USD, bằng 78% thu nhập của lao động nam là 45.113 USD (Ðiều tra dân số hiện tại, http://www.census.go/pressrelease/ www/releases/archives/income_welth/012528.html). Tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp tiếp tục tăng. Ðến tháng 11-2008, tỷ lệ này là 5,5% (Tình hình việc làm: Tháng 11-2008, do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5-12-2008, http://www.bls.gov). 

 

Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. Theo thống kê, có tới một phần ba số phụ nữ được điều trị khẩn cấp là nạn nhân của bạo lực gia đình. Xâm hại tình dục đe dọa nghiêm trọng phụ nữ Mỹ. Tỷ lệ các vụ hiếp dâm ở Mỹ cao nhất thế giới, cao hơn 13 lần ở Anh, hơn 20 lần ở Nhật Bản (Tình trạng hiếp dâm, http://www.sa.rochester.edu/ masa/stats.php). Bạo lực liên quan tình dục đối với phụ nữ bản địa ở Mỹ lan rộng. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, một số phụ nữ bản địa được hỏi cho rằng, họ không biết ở nơi họ đang sinh sống còn có người phụ nữ nào chưa từng bị xâm hại tình dục (Tình trạng thiếu công lý: không thể bảo vệ phụ nữ bản địa trước nạn xâm hại tình dục ở Mỹ, http://www.amnestyusa.org). Theo thống kê, năm 2007, Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ đã nhận được 12.510 cáo buộc liên quan quấy rối tình dục, 84% số đơn kiện là của phụ nữ (Cáo buộc liên quan quấy rối tình dục, EEOC và FEPAs phối hợp: tài khóa 1997-2007, http://www.eeoc.gov). Tờ Nước Mỹ ngày nay ngày 28-10-2008 dẫn kết quả nghiên cứu cho biết, trong số các cựu nữ binh sĩ Mỹ trở về từ Áp-ga-ni-xtan và Iraq, cứ bảy người đi khám bệnh tại Trung tâm cựu chiến binh, thì có một người cho biết đã từng là nạn nhân của xâm hại hoặc quấy rối tình dục trong thời gian tại ngũ. Hơn một nửa trong số phụ nữ này mắc các chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (15% số cựu  binh nữ bị chấn thương liên quan tình dục, hơn nửa số này bị rối loạn căng thẳng, http://global.factiva.com).

 

Số trẻ em Mỹ sống trong hoàn cảnh đói nghèo ngày một tăng. Hơn một phần ba số người đói nghèo ở Mỹ có độ tuổi từ 18 trở xuống. Theo thống kê, đến cuối năm 2007, tỷ lệ trẻ em dưới 18 tuổi sống trong đói nghèo là 18%, cao hơn mức 17,4% của năm 2006. Tỷ lệ trẻ em đói nghèo sống trong gia đình phụ nữ nuôi con một mình lên tới 43% (Thu nhập, đói nghèo và tình trạng bảo hiểm y tế ở Mỹ: 2007, do Cục điều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008, http://www.census.gov). Theo báo cáo ngày 14-10-2008 của Dự án các gia đình nghèo khó có việc làm, năm 2006, một phần ba số trẻ em Mỹ sống trong gia đình có thu nhập thấp. Ở TP New York, 41,6% số trẻ em sống trong các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ sống ở dưới mức nghèo khổ. Theo thống kê, đến cuối năm 2007, 8,1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi không có bảo hiểm y tế, chiếm 11% tổng số trẻ em Mỹ.

 

Các điều kiện của học sinh ở Mỹ rất đáng lo ngại. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Mỹ, năm 2007 có khoảng 223 nghìn học sinh phải chịu hình thức phạt bằng vũ lực. Trong hai năm 2006 và 2007, có hơn 200 nghìn học sinh tại các trường công lập ở Mỹ bị đánh đập. Hơn 1.000 học sinh tại 13 bang bị phạt bằng vũ lực (Mỹ: chấm dứt tình trạng đánh đập trẻ em ở các trường công, http://www.hrw.org/en/new/ 2008/08/19). Liên minh tự do công dân Mỹ và Tổ chức Giám sát nhân quyền trong báo cáo ngày 19-8-2008 cho biết, việc trừng phạt thể xác học sinh được coi là hành động hợp pháp ở 21 bang. Hiện tượng say rượu, đánh bạc, sử dụng ma túy trong trường học rất nghiêm trọng. Trong thời gian từ năm 1999 đến 2005, có 157 sinh viên chết do ngộ độc rượu, 750 nghìn thanh thiếu niên nghiện ma túy. Báo cáo điều tra ngày 11-12-2008 về số thanh thiếu niên sử dụng ma túy do Trường ÐH Mi-si-gân tiến hành cho thấy, 11% số học sinh lớp tám, 24% số học sinh lớp mười, 32% số học sinh lớp 12 từng sử dụng cần sa trong một năm trước đó. 37% số học sinh lớp 12 từng sử dụng ma túy trong một năm trước đó, tỷ lệ học sinh lớp mười và học sinh lớp tám lần lượt là 27% và 14% (Kiều báo, 12-12-2008).

 

Không có sự bảo đảm về an ninh cho trẻ em. Quỹ bảo vệ trẻ em trong báo cáo hằng năm 2008 cho biết, trong năm 2005 đã có tới 3.006 trẻ em và thanh, thiếu niên bị chết do súng đạn. Theo điều tra của Trung tâm nghiên cứu chính sách, pháp luật, trẻ em của Trường ÐH Hiu-xtơn, cứ mỗi ngày ở nước Mỹ có tám trẻ em, thanh, thiếu niên bị bắn chết, điều đó tương đương với việc cứ bốn ngày lại xảy ra một vụ tương tự vụ xả súng trong trường Virginia Tech, cứ ba giờ có một trẻ em hoặc thanh, thiếu niên bị bắn chết (Các vụ nổ súng nhằm vào trẻ em và thanh, thiếu niên tăng, kể từ vụ nổ súng đầu tiên năm 1994, http://www.children and the lawblog.come/2008/06/19). Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 1,8 triệu vụ án liên quan trẻ em mất tích. Hơn ba triệu trẻ em bị lạm dụng thân thể, tình dục, tinh thần; bị coi thường, bị bỏ rơi và chết (Những con số cần biết về bạo lực đối với trẻ em, http://www.loveourchildrenusa.org). Mỗi năm có khoảng 1.500 trẻ em chết do bị lạm dụng (Lạm dụng nguy cơ cao trong các gia đình phi truyền thống, http://usatoday.com). Tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra nghiêm trọng. Cứ trong số năm trẻ em bị lạm dụng tình dục, có một trước tuổi 18. Tại bang Tếch-dát, một số trẻ em gái theo dòng đa thê, có em mới 12 tuổi, đã bị buộc kết hôn với đàn ông trung niên (Kiều báo, 23-9-2008). Một nghiên cứu của Trung tâm phòng, chống dịch bệnh Mỹ cho biết, một phần tư số thiếu nữ toàn nước Mỹ, khoảng ba triệu người, bị nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Thiếu nữ Mỹ gốc Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Gần một nửa số thiếu nữ Mỹ gốc Phi nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, so với 20% số thiếu nữ da trắng (Nhật báo Tinh Ðảo, số ra ngày 12-3-2008).

 

Mỹ là một trong số ít những nước trên thế giới có quy định tội phạm vị thành niên chịu các chế tài như đối với tội phạm thành niên, cũng là nước duy nhất trên thế giới phạt tù chung thân đối với trẻ em mà không được hưởng ân xá hay trả tự do. Hiện Mỹ có tới 2.381 phạm nhân thuộc đối tượng trên (Mỹ không sẵn sàng và chuẩn xác trong các cam kết hành động tại Ủy ban chống phân biệt chủng tộc của LHQ (CERD), http://www.hrw.org). Trong đó có 73 phạm nhân khi phạm tội mới chỉ 13 đến 14 tuổi và bị kết án "chết trong tù". Trong số phạm nhân này, có 49% là người Mỹ gốc Phi, phần đông số họ xuất thân từ gia đình nghèo khổ, không có đủ sự giúp đỡ về mặt pháp luật. Những người này sẽ chết trong tù, không được ân xá trả tự do dù cải tạo tốt (Sáng kiến tư pháp công bằng, http://eji.org). Theo nhận định của Ủy ban LHQ về quyền trẻ em đưa ra tháng 4-2007, tử hình hoặc phạt tù chung thân không được ân xá trả tự do đối với trẻ vị thành niên là vi phạm điều 37 Công ước về quyền trẻ em. Ủy ban về các vấn đề nhân quyền LHQ năm 2006 khi xem xét việc Chính phủ Mỹ thực hiện Công ước này cho rằng, việc phạt tù chung thân không được ân xá trả tự do đối với trẻ vị thành niên là vi phạm điều 7 và điều 24 Công ước quốc tế về các quyền công dân và chính trị.

 

Hàng nghìn trẻ em bị bỏ tù do các quan chức trong tòa án tham nhũng. Tờ Rebelion của Tây Ban Nha số ra ngày 20-2-2009 cho rằng, tại bang Pen-xin-va-ni-a trong số 5.000 tù nhân trẻ em ước tính có 2.000 bị bỏ tù một cách sai trái, do hai thẩm phán tham nhũng. Theo bài báo, thẩm phán Mắc A. Xi-a-va-ren-la và Mai-cơn T. Cô-na-han ở hạt Lu-dơ-nơ đã nhận số tiền lót tay 2,6 triệu USD để đưa những trẻ bị phạt tù tới các trung tâm giam giữ tư nhân dành cho trẻ em, do công ty PA Child Care quản lý. Phần lớn trẻ em không có cơ hội mời luật sư bào chữa. Gie-mi Quyn, 18 tuổi, bị giam giữ từ năm 14 tuổi chỉ vì cãi nhau và đánh vào mặt một người bạn và bị phạt tù một năm. Gie-mi Quyn bị đưa tới một nhà tù dành cho trẻ em, sau đó lần lượt bị đưa tới vài trại giam khác. Trong nhà lao, Gie-mi Quyn bị ép uống một số loại thuốc để "biết vâng lời". Gie-mi Quyn chỉ là một trong hàng nghìn trẻ em vô tội như vậy. 

 

Tình trạng sử dụng lao động là trẻ em diễn ra nghiêm trọng ở Mỹ. Hãng tin AP đưa tin, tháng 9-2008 ông chủ và các nhân viên quản lý tại một nhà máy chế biến thịt tại bang Ai-ô-oa bị cáo buộc hơn 9.000 tội danh nhẹ, trong đó có thuê lao động trẻ vị thành niên, trong một số trường hợp đã để trẻ em dưới 16 tuổi điều khiển những thiết bị nguy hiểm. Văn phòng chưởng lý bang Ai-ô-oa cho biết phát hiện các vi phạm liên quan 32 trẻ em dưới 18 tuổi nhập cư bất hợp pháp, trong đó có bảy trẻ em dưới 16 tuổi (Hồ sơ cáo buộc nhà máy chế biến thịt ở Ai-ô-oa sử dụng lao động trẻ em. AP, 10-9-2008).

 

Về vi phạm nhân quyền ở nước ngoài

 

Hàng loạt hồ sơ ghi nhận việc Mỹ chà đạp chủ quyền và vi phạm nhân quyền ở các nước khác.

 

Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq đã làm hơn một triệu dân thường chết, hơn một triệu người không có nhà ở và gây tổn thất to lớn về kinh tế. Công ty Xe, tiền thân là Công ty Blackwater Worldwide có mối liên hệ với Bộ Ngoại giao Mỹ; và Công ty DynCorp đã thuê 6.000 nhân viên an ninh tư nhân tại Iraq. Người dân Iraq thường xuyên là nạn nhân của các hoạt động ở hai công ty này. Báo cáo của Tiểu ban giám sát thuộc Hạ viện Mỹ công bố tháng 10-2007 cho biết, từ năm 2005 đến nay, nhân viên bảo vệ do Công ty Blackwater Worldwide thuê đã gây ra 196 vụ nổ súng, trung bình khoảng 1,4 vụ/tuần. 84% số vụ do nhân viên của công ty Blackwater Worldwide nổ súng trước. Mỹ thiết lập hệ thống nhà tù trên khắp Iraq, tình trạng ngược đãi tù nhân xảy ra thường xuyên. Tổ chức Giám sát nhân quyền ngày 27-4-2008 cho rằng, đến cuối năm 2007, lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu ở Iraq (MNF) đã giam giữ 24.514 người (LHQ: Chấm dứt hành động giam giữ bất hợp pháp tại Iraq, http://www.hrw.org/en/ news/2008/04/27). Trung bình tù nhân Iraq bị giam giữ hơn 300 ngày, tất cả những người Iraq bị giam giữ bị tước đoạt các quyền cơ bản (Những tù nhân Iraq của Mỹ,  http://www.hrw.org/en/news/2008/ 08/07). Theo báo cáo ngày 19-5-2008 của Tổ chức Giám sát nhân quyền, từ năm 2003 đến nay, Mỹ đã bắt giam khoảng 2.400 trẻ em ở Iraq, gồm cả những trẻ em mới mười tuổi. Quân Mỹ còn bắt 513 trẻ em Iraq bị cho là  "mối nguy hiểm khẩn cấp đối với an ninh". Trẻ em bị giam giữ ở Iraq có nguy cơ cao bị lạm dụng (Mỹ: Tôn trọng các quyền của tù nhân trẻ em ở Iraq, http://www.hrw.org/en/news/2008/ 05/19).

 

Mỹ đã duy trì cấm vận kéo dài gần 50 năm đối với Cu-ba trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và tài chính. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Phê-li-pê Pê-rét Rô-kê, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cu-ba đã gây thiệt hại trực tiếp về mặt kinh tế tới hơn 93 tỷ USD. Cứ mười người Cu-ba thì có bảy người phải sống cả cuộc đời trong sự phong tỏa này (ý kiến quốc tế tại LHQ phản đối Mỹ cấm vận Cu-ba,  http://www.cubanews.ain.cu/2008/1029 votacion_onu.htm). Ngày 29-10-2008, với 185 phiếu ủng hộ và ba phiếu phản đối, Ðại Hội đồng LHQ khóa 63 đã thông qua Nghị quyết "Cần thiết yêu cầu chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cu-ba", yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay lệnh phong tỏa đối với Cu-ba. Ðây là năm thứ 17 liên tiếp, số đông các nước tại Ðại hội đồng ủng hộ kêu gọi trên. Ðiều đó cho thấy cộng đồng quốc tế thể hiện bất bình về việc Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ khi xâm phạm nghiêm trọng quyền được sống và phát triển của nhân dân Cu-ba.

 

Mỹ là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Việc bán vũ khí của Mỹ đã làm tăng thêm sự bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới, vi phạm nghiêm trọng quyền con người của công dân các nước. Theo báo cáo của Quỹ người Mỹ mới, năm 2007 xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt giá trị 32 tỷ USD, nhiều gấp ba năm 2001. Vũ khí của Mỹ đã được tiêu thụ tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Nghiên cứu: Việc xuất khẩu vũ khí Mỹ vi phạm nhân quyền trên toàn cầu, http://sfgate.com).

 

Mỹ liên tục bị phanh phui các bê bối ngược đãi tù nhân. Tờ Thời báo Oa-sinh-tơn ngày 25-9-2008, dẫn nguồn từ một bản ghi chép nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ vừa được giải mã cho biết, các nhân viên thẩm vấn tù nhân ở Mỹ đấm, xô đẩy và tát vào mặt tù nhân mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cũng tờ báo này số ra ngày 22-4-2008 cho biết, những nhân viên thẩm vấn Mỹ tra khảo tù nhân ở nhà tù Goan-ta-na-mô đã sử dụng biện pháp: không cho tù nhân ngủ, ép tiêm thuốc, ép cung. Tổ chức Giám sát nhân quyền ngày 6-2-2008 ra báo cáo cho rằng, trong số 270 phạm nhân bị giam giữ tại nhiều "doanh trại" ở nhà tù Goan-ta-na-mô, có 185 người bị giam trong các "siêu trại giam", mặc dù họ chưa bị kết tội. Họ bị cách ly với mọi người, phải ngồi một mình trong phòng giam chật hẹp 22 giờ/ngày, chỉ có một chút hoặc không có không khí và ánh sáng tự nhiên (Tin tức phát hiện rằng các tù nhân bị đối xử tồi tệ, http://www.hrw.org/en/news/2008/06/10). Theo AP, hơn 20 phạm nhân dưới 18 tuổi bị giam tại nhà tù Goan-ta-na-mô từ năm 2002  là nạn nhân của các hành động ngược đãi của các binh sĩ Mỹ. Tháng 6-2008, Mô-ha-mét Gia-oát kể lại cuộc sống của mình trong thời gian bị giam giữ. Tháng 5-2004, Mô-ha-mét Gia-oát khi đó chưa tròn 18 tuổi, bị chuyển đến trại giam ở Goan-ta-na-mô và bị cấm ngủ. Trong 14 ngày anh ta đã phải chuyển phòng giam tới 112 lần. Thường thì ở mỗi phòng giam chưa đầy ba giờ, rồi lại bị còng tay đưa sang phòng giam khác; thường xuyên bị chuyển phòng giam vào lúc từ nửa đêm đến hai giờ sáng, nhằm làm gián đoạn giấc ngủ của phạm nhân này (http://www.hrw.org/en/news/2008/06/23).

 

Mỹ không thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền theo các hiệp ước quốc tế. 31 năm trước, Mỹ đã ký Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; 28 năm trước ký Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; 14 năm trước ký Công ước về quyền trẻ em. Nhưng đến nay, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn những công ước trên. Công ước về quyền của người tàn tật là thành quả quan trọng nhất của LHQ trong thế kỷ mới trong việc bảo vệ quyền của người tàn tật; và được các nước đều hết sức coi trọng. Ðến nay đã có 136 quốc gia ký, 41 quốc gia phê chuẩn, nhưng Mỹ vẫn chưa ký và phê chuẩn công ước này. Tại LHQ và cộng đồng quốc tế, Mỹ đã từ chối cam kết thúc đẩy và bảo vệ quyền của người bản địa, không thừa nhận quyền tự quyết của thổ dân, các quyền về đất đai, nguồn tài nguyên. Ngày 13-9-2007, với 143 quốc gia tán thành, Ðại Hội đồng LHQ khóa 61 đã thông qua Tuyên bố về quyền của thổ dân; chỉ có bốn nước phản đối, trong đó có Mỹ. 

 

Mỹ cố tình duy trì áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề nhân quyền quốc tế, trong khi không thực hiện nghĩa vụ nhân quyền quốc tế. Năm 2007, đặc phái viên LHQ về vấn đề nhân quyền của người nhập cư đã tới Mỹ. Kế hoạch ban đầu dự định thăm trại giam tại Hút-tô, Tếch-dát, Niu Giơ-xi đã được Chính phủ Mỹ phê chuẩn, nhưng  sau đó, đã hủy bỏ mà không có lời giải thích thỏa đáng. Năm 2008, trong báo cáo về kết quả chuyến thăm Mỹ, đặc phái viên LHQ về vấn đề nhân quyền của người nhập cư nêu rõ, hằng năm Mỹ bắt giữ 230 nghìn người nhập cư, nhiều gấp ba lần so với chín năm trước. Thủ tục trục xuất người nhập cư của Mỹ thiếu bước đi hợp lý liên quan những người được coi là "không phải công dân", những người này không được quyền nghi ngờ việc bắt giữ họ có hợp pháp hay không, thời gian có quá dài hay không. Ðặc phái viên LHQ cho biết, Mỹ không thực hiện nghĩa vụ quốc tế; chưa có các chính sách quốc gia phối hợp đầy đủ trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế, ưu tiên vấn đề nhân quyền của hơn 3,75 triệu người nhập cư đang sinh sống tại Mỹ. 

 

Những khoản viện trợ nhân đạo của Mỹ dành cho nước ngoài không tương xứng với tầm vóc là một nước giàu nhất thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội nghiên cứu viện trợ phát triển, một tổ chức phi lợi nhuận đặt tại Tây Ban Nha, Mỹ là một trong những nước có thành tích ít ỏi nhất trong viện trợ nhân đạo không kèm điều kiện, độc lập, công bằng, trung lập dành cho các nước khác. Báo cáo này cho biết, các khoản viện trợ nhân đạo của Mỹ cho các nước khác thường gắn với các tham vọng quân sự hoặc chính trị. 


Tôn trọng và bảo vệ quyền con người là dấu hiệu quan trọng của sự tiến bộ và văn minh nhân loại. Chính phủ các nước có chung trách nhiệm cam kết thúc đẩy tình hình nhân quyền ở nước mình. Trong thời gian dài, Mỹ tự đặt mình lên trên các quốc gia khác, hằng năm công bố Báo cáo nhân quyền của các nước, chỉ trích tình trạng nhân quyền của nước khác, sử dụng đó làm công cụ để can thiệp và bôi nhọ  nước khác. Trong khi đó, Mỹ lại nhắm mắt làm ngơ trước các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính nước Mỹ. Cái cách của Mỹ đứng trong nhà kính ném đá sang người khác là minh chứng cho tiêu chuẩn kép và thói đạo đức giả của Mỹ đối với vấn đề nhân quyền. Ðiều đó đã làm tổn hại hình ảnh quốc tế của chính nước Mỹ. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo Chính phủ Mỹ hãy làm lại từ đầu, can đảm nhìn thẳng vào vấn đề nhân quyền của nước Mỹ, ngừng ngay các hành động sai trái trong việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề nhân quyền

(Theo Báo Nhân dân điện tử)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái