Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách

BẤT MÃN VÀ CẢI CÁCH

Mãi cho đến năm 1900, nền tảng chính trị của Hoa Kỳ đã chịu những vết thương ngày càng lớn, cuộc nội chiến, sự thịnh vượng và cả sự suy thoái kinh tế. Lý tưởng về tự do tôn giáo vẫn được bảo lưu. Nền giáo dục công miễn phí được thực thi rộng rãi và một nền báo chí tự do được duy trì. Tuy nhiên, chính trong thời điểm đó, quyền lực chính trị dường như đã tập trung vào tay những quan chức tham nhũng và bằng hữu của họ trong thương trường. Để đáp lại, một phong trào cải cách có tên là phong trào Tiến bộ đã xuất hiện. Mục tiêu của nó đòi hỏi một nền dân chủ rộng rãi hơn, công lý xã hội, một chính phủ trong sạch và một sự quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực kinh doanh.


Các nhà văn và nhà phê bình xã hội đã phản đối những thực tế bất công, thiếu lành mạnh và nguy hiểm. Upton Sinclair, Ida M. Tarbell, Theodore Dreiser, Lincoln Steffens và những người khác đã tạo nên một “nền văn học phanh phui” để gây áp lực lên những nhà lập pháp, buộc họ phải sửa đổi những điều lạm dụng trong pháp luật. Những người cải cách tin rằng việc mở rộng quy mô của Chính phủ sẽ bảo đảm cho sự tiến bộ của xã hội Hoa Kỳ cũng như hạnh phúc của công dân.

Tổng thống Theodore Roosevelt là hiện thân cho tinh thần của Phong trào Tiến bộ đó và ông tin rằng cải cách cần phải được ban hành trên cả nước. Ông đã làm việc với Quốc hội để chế ngự nạn độc quyền và tiến hành những hành động pháp lý chống lại những công ty vi phạm pháp luật. Ông cũng làm việc không mệt mỏi trong nỗ lực bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ, quản lý đất công và bảo vệ những khu vực dùng cho mục đích giải trí.

Các cải cách tiếp tục diễn ra trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của William Howard Taft và Woodrow Wilson. Hệ thống Ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang được thành lập để quy định mức lãi suất và điều tiết mức cung tiền. ủy ban Thương mại Liên bang ra đời để giải quyết những bất công trong cạnh tranh do các công ty tạo ra. Những đạo luật mới được ban hành nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho các thủy thủ và các công nhân đường sắt. Một hệ thống “mở rộng địa hạt” được phát triển nhằm giúp nông dân tiếp cận với thông tin và tín dụng. Các loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu cũng được cắt giảm hoặc xóa bỏ để giảm chi phí sinh hoạt cho tất cả nhân dân Mỹ.

Kỷ nguyên Tiến bộ cũng là kỷ nguyên có số lượng người nhập cư vào Hoa Kỳ đông nhất từ khắp nơi trên thế giới. Khoảng 19 triệu người đã đến trong giai đoạn từ 1890 đến 1921. Trong khi những người di cư trước đây chủ yếu là những người từ Bắc Âu, Tây Âu và một số từ Trung Quốc thì những người mới đến từ Italia, Nga, Ba Lan, Hy Lạp, vùng Ban-căng, Canada, Mexico và Nhật Bản.

Hoa Kỳ luôn luôn là “đất tụ cư” của mọi quốc tịch, và trong suốt 300 năm gần như không có giới hạn nào được áp đặt lên việc nhập cư. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1920, các hạn ngạch đã được thiết lập để đáp lại nỗi lo lắng của người Mỹ rằng việc làm và văn hóa của họ đang bị đe dọa bởi những người mới đến. Mặc dù về mặt lịch sử, những làn sóng nhập cư lớn đã tạo ra những căng thẳng xã hội, nhưng phần lớn người Mỹ - những người mà tổ tiên của chính họ đã đến đây với tư cách là những người nhập cư - vẫn tin rằng tượng Nữ thần Tự do ở cảng New York đại diện cho tinh thần của một miền đất hứa luôn đón chào những người “khao khát được hít thở bầu không khí tự do”. Chính niềm tin đó đã khiến cho Hoa Kỳ trở thành một quốc gia của các quốc gia.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái