Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)

Ngày 25-2 vừa qua, Văn phòng báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố bản báo cáo dài 9.000 từ mang tên: "Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008". Ðây là năm thứ mười liên tiếp, Trung Quốc công bố Hồ sơ nhân quyền Mỹ. Dưới đây chúng tôi trích giới thiệu nội dung "Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008" để bạn đọc tham khảo.

Về cuộc sống và an ninh cá nhân

 

Tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng ở Mỹ tạo ra  nhiều mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống, tài sản và an ninh cá nhân của người dân nước này.

 

Theo một báo cáo về tội phạm của Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) công bố tháng 9-2008, năm 2007 ở Mỹ có 1,4 triệu vụ tội phạm bạo lực, trong đó có 17 nghìn vụ phạm tội giết người (Bưu điện Washington, ngày 10-6-2008), và 9,8 triệu vụ tội phạm tài sản (Thế giới hằng ngày, 16-9-2008). Năm 2007, ước tính số vụ trộm cướp là 445.125 vụ, tăng 7,5% trong hơn 5 năm qua (Bưu điện Washington, 16-9-2008). Ở các thành phố có  từ 50 nghìn đến 100 nghìn dân, số vụ giết người tăng 3,7% so với năm 2006 (Bưu điện Washington, 10-6-2008). Ở những thành phố với số dân từ 10 nghìn đến 30 nghìn người, số vụ tội phạm bạo lực tăng 2,4% so với năm 2006 (Bưu điện Washington, 16-9-2008). Những công dân từ 12 tuổi trở lên đã phải chịu đựng khoảng 23 triệu tội phạm bạo lực hoặc trộm cắp. Năm 2007, cứ một nghìn người từ 12 tuổi trở lên thì có 20,7 người là nạn nhân của tội phạm bạo lực; tỷ lệ tội phạm tài sản là 146,5/1.000 hộ (Nạn nhân của tội phạm, Bộ Tư pháp Mỹ, năm 2007, http://www.ojp.usdj.gov/bjs/abstract/cv07.htm). Những thành phố có tỷ lệ tội phạm bạo lực và giết người tương đối cao là: New Orlean (cứ 100 nghìn người thì có 95 người là nạn nhân của tội phạm giết người), Bantimo (45/100 nghìn người), Ditroi (44), Saint Luis (40), Philadenphia (27,8), Hiu-xtơn (16,2) và Dalas (16,1) (Người điều tra Philadenphia, 10-6-2008). Tại Mỹ, cứ 31 phút xảy ra một vụ giết người; 5,8 phút, một vụ hiếp dâm; 14,5 giây, một vụ ăn trộm (Bưu điện Washington, 16-9-2008).

 

Tòa án Tối cao Mỹ xác nhận rằng, người Mỹ có quyền sở hữu và sử dụng súng (Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo, 27-6-2008). Các con số thống kê cho biết, có khoảng 200 triệu khẩu súng thuộc sở hữu cá nhân ở Mỹ, trong đó có từ 60 đến 80 triệu khẩu súng ngắn. Cư dân Mỹ ở 48 bang được phép mang súng trong người (Minh Báo, 16-10-2008), trong khi bất cứ ai cũng có thể mua được một khẩu súng tại các cửa hàng bán súng tại 35 bang mà không cần trình bày lý do (UPI, 3-10-2008). Tại một cửa hàng bán súng ở ngoại ô TP Nashville, bang Tennessee, riêng ngày 5-11-2008 đã bán được 70 khẩu súng (http://www.usqiaobao.com). Hơn 20 sân bay ở Philadenphia, Los Angeles, San Fransisco và nhiều thành phố khác cho những người sở hữu súng được phép mang súng ở những khu vực công cộng của ga sân bay (Minh Báo, 15-10-2008). Một trường cao trung ở phía bắc bang Tếch-dát thậm chí còn cho một số giáo viên giấu giếm mang vũ khí (Thời báo New York, 29-8-2008). Tờ Bưu điện Washington số ra ngày 5-12-2007 cho biết, mười bang trong đó có các bang Virginia, Nam Carolina, Tây Virginia và Mississippi, đã cung cấp 57% số súng được khám phá trong các vụ tội phạm tại các bang khác trong năm 2007.

 

Những vụ giết người bằng súng thường xuyên xảy ra là một mối đe dọa đối với cuộc sống của công dân Mỹ. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, năm 2007 tại nước này có 1,35 triệu học sinh trung học bị đe dọa hoặc bị thương do súng ít nhất một lần tại trường học (UPI, 3-10-2008). Trong số nạn nhân các vụ bắn súng trong trường học, học sinh nhỏ tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng tăng từ 13% năm 2002 lên hơn 21% năm 2007. Kết quả một cuộc điều tra về sinh viên tại Trường đại học Havart năm 2006 cho thấy, một phần năm trong số 1.200 sinh viên được hỏi tại các trường học ở Boston đã chứng kiến ít nhất một vụ bắn nhau trong trường học. Hơn 40% cho rằng dễ dàng kiếm được một khẩu súng và 28% nói rằng, họ cảm thấy không an toàn trên xe buýt và tàu hỏa (Ðịa cầu Boston, 18-9-2008). Trong năm học 2007-2008, một con số kỷ lục: 34 học sinh của Trường công cộng Chicago bị giết chết (Diễn đàn Chicago, 2-4-2008). Trong vòng một tuần từ 7-2-2008, ở Mỹ có bảy vụ bắn nhau trong trường học làm 23 học sinh chết và hàng chục học sinh khác bị thương. Ngày 27-3-2008, năm người ở bang Georgia và bang Kentucky bị bắn chết (AP, 27-3-2008; 28-3-2008). Vào đêm 18-4, tại Chicago xảy ra chín vụ nổ súng trong vòng hơn hai giờ được thông báo (Diễn đàn Chicago, 21-4-2008). Ngày 24-12-2008, một người đàn ông mặc trang phục của ông già Noel đã nổ súng tại đêm Noel ở nhà bố mẹ vợ của anh ta, làm tám người chết, ba người bị thương và ba người mất tích (Minh Báo, 26-12-2008).

 

Về các quyền dân sự và chính trị

 

Ở Mỹ, số vụ hạn chế quyền dân sự đang ngày càng tăng. Theo tin đăng trên mạng báo Bưu điện Washington ngày 4-4-2008, Mỹ đã áp dụng việc kiểm tra sâu, một công nghệ theo dõi hoàn toàn mới, có thể ghi lại mọi trang web đã truy cập, mọi thư điện tử đã gửi và mọi thông tin tìm kiếm trực tuyến. Số liệu thống kê cho thấy, ít nhất 100 nghìn người sử dụng Internet ở Mỹ đã bị theo dõi và các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã tiến hành thử nghiệm trên khoảng 10% cư dân mạng (Bưu điện Washington, 4-4-2008). FBI đã tham gia chiến dịch theo dõi bất hợp pháp do chính quyền Mỹ tiến hành trên phạm vi cả nước, lưu giữ nội dung các cuộc điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân của hàng nghìn người, theo cách thức không được phép.

 

Tờ Thời báo Seattle ngày 15-7-2008 đưa tin, Tổng thống G.Bush ngày 10-7 đã ký một dự luật cho phép chính phủ nghe lén và gọi đó là "dự luật đáng ghi nhớ, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh của nhân dân". Luật mới miễn trừ về mặt pháp lý cho các công ty viễn thông tham gia các chương trình nghe lén và cho phép chính phủ nghe lén các cuộc liên lạc quốc tế giữa các bên ở ngoài nước Mỹ, nhằm mục đích chống khủng bố, mà không cần tòa cho phép. Tháng 7-2008, Bộ An ninh nội địa Mỹ tiết lộ, theo các quy định về kiểm tra biên giới, các nhân viên mật vụ liên bang có thể mang máy tính xách tay hoặc thiết bị điện tử của hành khách đi địa điểm khác trong khoảng thời gian không xác định, mà không cần có nghi vấn về hành động sai trái nào (Bưu điện Washington, 1-8-2008). Tờ Thời báo New York ngày 8-12-2008 đưa tin, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén trái phép đối với một học giả người Hồi giáo tên là Ali al Timimi, ở Bắc Virginia và cố tình giữ các tài liệu nghe lén trong phiên tòa xét xử năm 2005 mà học giả kể trên bị kết tội khủng bố. Các tài liệu trên có thể cung cấp chứng cứ cho thấy chương trình nghe lén của chính quyền Mỹ đã vi phạm các quyền dân sự của công dân Mỹ.

 

Việc lạm dụng quyền lực của cảnh sát đã xâm phạm các quyền dân sự của người Mỹ. Theo một bài báo đăng trên tờ Diễn đàn Chicago ngày 25-6-2008, chỉ trong hai tuần hồi tháng 6-2008, tại Chicago đã xảy ra tám vụ cảnh sát bắn súng vào dân thường, làm năm người chết. Sapel Terrell, nhân viên vệ sinh, 39 tuổi, ngày 22-6 bị cảnh sát bắn chết ngay tại cửa vào một tòa nhà hai tầng, có bốn phòng là nơi ở của các thành viên gia đình (Diễn đàn Chicago, 23-6-2008). Luis Colon, một thanh niên 18 tuổi ở Chicago, ngày 24-6 bị một cảnh sát mặc thường phục bắn chết, khi anh đang cùng bạn gái đi gặp gỡ và ăn uống với bạn bè tại nhà hàng (Diễn đàn Chicago, 25-6-2008). Daril Battlle, 20 tuổi, bị bắn chết tại căn hộ của mình ở Brucklin, TP New York, sáng 2-8-2008. Michel Mineo, ngày 22-6, bị một cảnh sát gạ gẫm ngay tại sân ga tàu điện ngầm đông đúc ở Brucklin (Thời báo New York, 10-12-2008). Ginberto Blanco bị bắn chết, khi anh này đu đưa trên ghế xếp trước mặt một nữ cảnh sát tên là Doll Otis, tại bãi đỗ xe gần nhà thờ Ðảo Connie (Thời báo New York, 1-12-2008).

 


 


(Theo Báo Nhân dân điện tử)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái