Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)

Việc thực hiện quyền giáo dục của người Mỹ không được bảo đảm. Báo cáo phát triển con người của Mỹ 2008-2009 chỉ rõ, 14% dân số Mỹ (khoảng 40 triệu người), với khả năng đọc, viết kém, không thể hiểu các bài báo hoặc sách hướng dẫn sử dụng (Minh Báo, 17-7-2008). Báo cáo do Trung tâm chính sách công cộng và giáo dục đại học quốc gia xuất bản ngày 3-12-2008 cho biết, từ năm 1982 đến 2007 học phí đại học tăng 439%, trong khi thu nhập gia đình bình quân giảm 147%. Học phí các trường đại học bang học kỳ mùa thu năm 2008 tăng trung bình 6,4%. Nhiều bang có kế hoạch tăng mạnh học phí các trường đại học công trong năm 2009. Hai bang Washington và Florida đang xem xét tăng học phí thêm 20% và 15% tương ứng. Ðối với nhóm 20% các gia đình nghèo nhất - những hộ có thu nhập thấp nhất - chi phí cho một năm học đại học công chiếm 55% thu nhập trung bình, tăng 39% so với giai đoạn 1999-2000 (Thời báo New York, 3-12-2008). Chỉ 11% trẻ xuất thân từ các gia đình nghèo nhất tốt nghiệp đại học. Chi phí đại học cho con cái thuộc nhóm 20% các gia đình giàu nhất là 53% (Thời báo New York, 22-2-2008).

 

Số người Mỹ không có bảo hiểm y tế tăng nhanh. Theo Báo cáo phát triển con người của Mỹ đưa ra tháng 7-2008, mặc dù phải chi phí khoảng 230 triệu USD một giờ cho chăm sóc y tế, người Mỹ vẫn sống ngắn hơn công dân các nước phát triển khác, với tuổi thọ trung bình xếp thứ 42 trên thế giới. Cứ sáu người Mỹ, thì một người không có bảo hiểm y tế. Cục điều tra dân số Mỹ trong một báo cáo đưa ra ngày 26-8-2008 cho biết, hiện có 45,7 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. 19 bang trên cả nước đã cắt giảm hoặc lên kế hoạch cắt giảm Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em cấp bang (SCHIP) (Minh Báo, 12-12-2008). Do chi phí chữa bệnh tăng, nhiều công ty đã trốn mua bảo hiểm y tế cho nhân viên. Một nghiên cứu do Liên đoàn các doanh nghiệp độc lập quốc gia tiến hành hồi tháng 3-2008 cho thấy, chỉ 47% số công ty quy mô nhỏ cấp viện trợ y tế cho nhân viên. Trong nhóm các công ty có từ 50 công nhân trở xuống, chỉ 24% cấp trợ giúp y tế. Nhiều người đã từ bỏ việc khám và chữa bệnh vì họ không đủ tiền chi trả.

 

Ma túy, tự sát và các vấn đề xã hội khác nổi lên ở Mỹ. Nước Mỹ có số người sử dụng Cocain và cần sa lớn nhất thế giới. Kết quả khảo sát 54 nghìn người ở 17 quốc gia cho thấy, 16% số người Mỹ được hỏi nói từng thử Cocain ít nhất một lần trong đời; 42% đã thử cần sa (Khảo sát toàn cầu của WHO cho thấy tỷ lệ người sử dụng Cocain và cần sa ở Mỹ cao, http://www.thebostonchannel.com). Tỷ lệ tự sát ở nhóm người Mỹ trung niên tăng. Một báo cáo nghiên cứu do Trường Y tế Johns Hopkins Bloomberg công bố ngày 21-10-2008 cho biết, trong giai đoạn 1999-2005 tỷ lệ tự sát nói chung ở Mỹ tăng 0,7% mỗi năm. Con số này đối với nam giới Mỹ da trắng, tuổi từ 40 đến 64, tăng 2,7%; với phụ nữ da trắng trung niên là 3,9%. Năm 2007, ở TP Saint Luis có 138 người tự sát. Tỷ lệ tự sát tại Baltimore, Ditroi và New Orlean đều tăng (Người hướng dẫn khoa học Cơ đốc giáo, 4-1-2008). Nhiều thanh niên Mỹ mắc các chứng bệnh rối loạn nhân cách. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, hầu như cứ năm thanh niên Mỹ trưởng thành có một người mắc rối loạn nhân cách ảnh hưởng cuộc sống thường ngày; và gần một nửa số thanh niên tham gia khảo sát mắc một loại bệnh tâm thần. Chưa đầy 25% số người Mỹ ở độ tuổi học đại học được chữa trị các bệnh về tâm thần (Một trong năm thanh niên trưởng thành mắc chứng rối loạn nhân cách, http://www.archgenpsychiatyr.com).

 

Về phân biệt chủng tộc

 

Phân biệt chủng tộc phổ biến trong mọi mặt đời sống xã hội Mỹ. Người da đen và những sắc tộc thiểu số khác vẫn chịu sự phân biệt và đối xử không công bằng.

 

Người da đen và những sắc tộc thiểu số khác sống dưới đáy xã hội Mỹ. Báo cáo của Cục Ðiều tra dân số Mỹ công bố ngày 26-8-2008 cho biết, thu nhập bình quân của các gia đình Mỹ năm 2007 là 50.233 USD. Con số này của các gia đình da trắng không mang gốc Tây Ban Nha là 54.920 USD, gia đình gốc Tây Ban Nha là 38.679 USD, gia đình da đen là 33.916 USD. Thu nhập trung bình của  gia đình gốc Tây Ban Nha và da đen chỉ bằng khoảng 62% thu nhập của gia đình da trắng không mang gốc Tây Ban Nha. Tỷ lệ nghèo của người gốc Tây Ban Nha ở mức 21,5%, cao hơn tỷ lệ 20,6% năm 2006 (Thu nhập, đói nghèo, và bảo hiểm y tế ở Mỹ năm 2007, Cục Ðiều tra dân số Mỹ công bố tháng 8-2008, http://www.census.gov). Theo Báo cáo về tình trạng người Mỹ da đen do Liên đoàn đô thị quốc gia công bố tháng 3-2008, gần một phần tư số gia đình người Mỹ da đen sống dưới chuẩn nghèo, gấp ba lần số gia đình người Mỹ da trắng. Một báo cáo do Dự án các gia đình lao động nghèo công bố ngày 14-10-2008 cho biết, năm 2006, trong số các gia đình da trắng không mang gốc Tây Ban Nha, số hộ có thu nhập thấp chiếm 20%, trong khi với những gia đình thuộc sắc tộc thiểu số, tỷ lệ này là 41%. Ở TP New York, tỷ lệ hộ nghèo trong số người gốc Tây Ban Nha, châu Á, Phi và người da trắng không mang gốc Tây Ban Nha lần lượt là 29,7%, 25,9%, 23,9%  và 16,3% (Thế giới hằng ngày, 14-7-2008). Người nhập cư khó có thể sở hữu nhà ở Mỹ. Cơ quan hợp tác nhà đất dành cho người nhập cư New York và Trung tâm Phát triển cộng đồng Pratt, trong một báo cáo công bố ngày 3-12-2008, cho biết khoảng 25% số người Mỹ bản địa chi một nửa thu nhập để thuê nhà, trong khi tỷ lệ này với người nhập cư là khoảng 31,5%. Người nhập cư từ Nam Mỹ và Mexico lần lượt chi 71,1% và 79,8% thu nhập để thuê nhà (Minh Báo, 4-12-2008). AIDS đe dọa cuộc sống của người Mỹ gốc Phi. Một nghiên cứu do Sở Y tế và vệ sinh TP New York công bố tháng 8-2008 cho biết, trong số những ca nhiễm HIV dương tính mới tại thành phố này năm 2006, 46% là người da đen, trong khi 32 % người gốc Tây Ban Nha (Thời báo New York, 28-8-2008). Phụ nữ da đen có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 15 lần phụ nữ da trắng (Tài liệu nóng: AIDS tại Mỹ, Tội phạm HIV, đội ngũ an ninh quốc gia của ông Obama, http://www.usnews.com). Hiện có ít nhất 500 nghìn người Mỹ da đen nhiễm HIV/AIDS.

 

Sự phân biệt trong tuyển dụng lao động diễn ra thường xuyên. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, trong quý III năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 6%. Tỷ lệ người da đen thất nghiệp là 10,6%, gấp đôi người da trắng (5,3%), (Tình hình việc làm: tháng 11-2008, Bộ Lao động Mỹ công bố,  http://www.bls.gov). Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng cho biết đã nhận được 30.510 đơn tố cáo liên quan sự phân biệt đối xử về việc làm trong năm 2007 (Thống kê cáo buộc từ tài khóa 1997 đến tài khóa 2007, http://www.eeoc.gov/stats/ charges.html). Ô-xơ-uốt Uyn-xơn, một người Mỹ gốc Phi đã kiện Công ty truyền thông Mỹ (ABC) và công ty mẹ là Disney ngày 11-2-2008. Ô-xơ-uốt Uyn-xơn cho biết, phân biệt chủng tộc gây ra cho anh những đau đớn về thể xác và tinh thần (Công nhân da đen kiện ABC phân biệt chủng tộc, http://www.nydailynews.com/ news). Ngày 5-12-2008, cha của cựu Thống đốc bang New York Ê-li-ốt Xpít-dơ là ông Béc-na Xpít-dơ đã bị tòa án kết tội phân biệt chủng tộc. Bốn người Mỹ gốc Phi là gác cửa và khuân vác tại  tòa nhà 34 tầng của ông Béc-na Xpít-dơ cáo buộc rằng họ mất việc chỉ vì mầu da. Những người này bị sa thải cách đây mười năm và những người có mầu da sáng hơn đã thay thế công việc của họ (Minh Báo, ngày 8-12-2008).

 

Cái ung nhọt gớm ghiếc của phân biệt chủng tộc liên tục nổi lên trong lĩnh vực giáo dục. Báo cáo của Liên đoàn đô thị quốc gia về tình trạng người Mỹ da đen cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp trung học và cao đẳng của người Mỹ gốc Phi vẫn chững lại ở mức tương đương tỷ lệ người da trắng từ hai hoặc ba chục năm trước đây. Số người Mỹ gốc Phi tốt nghiệp đại học vẫn thấp hơn  người da trắng. Một bản tin cho biết, trong  trường công lập, tỷ lệ học sinh người Mỹ gốc Phi bị trừng phạt bằng vũ lực cao hơn nhiều so với học sinh da trắng, trong khi nữ sinh gốc Phi bị đánh đòn nhiều gấp đôi nữ sinh da trắng (Mỹ: Chấm dứt đánh đập trẻ em trong các trường công, http://www.hrw.org/en/news/2008/08/19). Tình trạng phân biệt chủng tộc  tại trường học ngày một tồi tệ hơn. Một báo cáo của Dự án quyền công dân của  Trường đại học California cho thấy, sinh viên da đen và gốc Tây Ban Nha hiện xa lánh sinh viên da trắng hơn bất cứ thời điểm nào kể từ khi phong trào dân quyền được khởi xướng. Khoảng 39% số học sinh da đen và 40% số học sinh gốc Tây Ban Nha luôn bị cô lập tại những trường học có ít sự pha trộn chủng tộc. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sinh viên da đen và gốc la-tinh chủ yếu theo học ở các ngôi trường mà tại đó có gần 60% số sinh viên  xuất thân từ các gia đình cận hoặc dưới chuẩn nghèo (Reuters, 14-1-2009).

 

Phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp diễn ra nghiêm trọng. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm 5-6-2008 rằng, số lượng người da đen bị giam giữ nhiều gấp sáu lần số lượng người da trắng bị giam giữ, tính đến ngày 30-7-2007. Gần 11% số người da đen ở độ tuổi 30 đến 34 bị bỏ tù. Tổ chức Giám sát Nhân quyền có trụ sở tại New York đưa ra báo cáo hồi tháng 2-2008 cho biết, thanh niên Mỹ gốc Phi bị bắt vì tội giết người, chịu án tù chung thân mà không có cơ hội được tha (LWOP) nhiều gấp ba lần số người da trắng có cùng tội danh (Mỹ: Duy trì Hiệp ước Chống phân biệt chủng tộc, http://www.hrw.org/en/ news/2008/02/06). Ở California, số thanh niên Mỹ gốc Phi nhận án LWOP còn nhiều gần gấp sáu  lần  người da trắng cùng tội danh (Mỹ không sẵn sàng và chuẩn xác trong các cam kết hành động tại Ủy ban chống phân biệt chủng tộc của LHQ (CERD), http://www.hrw.org/en/ news/2008/02/06). Thời báo New York ngày 6-5-2008 cho biết, hầu hết các tội phạm ma túy là người da trắng, nhưng có tới 54% số tội phạm ma túy vào tù lại là người da đen. Tại 16 bang, số người Mỹ gốc Phi bị giam giữ do phạm tội liên quan ma túy cao gấp từ 10 đến 42 lần so với người da trắng phạm tội tương tự. Một nghiên cứu tại 34 bang cho thấy, khả năng một người da đen bị tù vì tội liên quan ma túy cao gấp 11,8 lần so với một người da trắng và khả năng một phụ nữ da đen bị tù vì tội này gấp 4,8 lần so một phụ nữ trắng (Mỹ: "Chiến tranh ma túy" không công bằng với người Mỹ gốc Phi, http://www.hrw.org/en/ news/2008/05/04). Theo các nguồn tin báo chí, Xin Ben, một thanh niên da đen, đã bị bắn tới 50 phát đạn đúng vào ngày thành hôn. Nhưng ba sĩ quan cảnh sát không bị kết án bất cứ tội danh nào liên quan cái chết của anh này (Liên đoàn đô thị quốc gia kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố các sĩ quan cảnh sát trắng án trong vụ bắn chết Xin Ben, http://www/nul.org/ PressReleases/2008/2008pr430.htm). Số liệu thống kê của cảnh sát Los Angeles cho thấy, cứ 100 người gốc Tây Ban Nha bị cảnh sát chặn lại xét hỏi, thì chỉ có một người da trắng bị ách lại. Người Mỹ gốc Phi thậm chí còn bị cảnh sát chặn xét nhiều hơn. Người da đen và người gốc Tây Ban Nha cũng thường được lệnh rời khỏi xe, bị khám người, xô đẩy thô bạo và giam giữ. Trong năm năm qua, cảnh sát Los Angeles nhận gần 1.200 đơn khiếu nại đối với cảnh sát chung quanh vấn đề phân biệt chủng tộc, tuy nhiên, không trường hợp nào được giải quyết. Người theo đạo Hồi, người Mỹ gốc A-rập và các cộng đồng  người thiểu số khác cũng là mục tiêu trong các cuộc điều tra chống khủng bố của Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) (Minh Báo, 3-7-2008). Vào ngày đầu năm mới 2009, Ô-xca Gran, một thanh niên da đen 22 tuổi trong tay không vũ khí đã bị cảnh sát giúi đầu xuống sân ga Ô-clen và bị bắn vào lưng. Hành động tàn bạo đó đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình của người địa phương trên các đường phố  ngày 7-1 (AP, 13-2-2009).

(Theo Báo Nhân dân điện tử)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái