Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng

NHỮNG NĂM ĐẦU MỞ RỘNG VỀ PHÍA TÂY VÀ NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA CÁC VÙNG

George Washington tuyên thệ nhậm chức tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ ngày 30/4/1789. Ông có trách nhiệm tổ chức một lực lượng quân đội mạnh trong thời kỳ Cách mạng. Giờ đây ông có trách nhiệm xây dựng một chính phủ vận hành được.


Ông đã hợp tác với Quốc hội xây dựng Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Chiến tranh. Người Đứng đầu các bộ này là Nội các và tư vấn cho tổng thống. Tòa án Tối cao bao gồm một chánh án và năm phó chánh án được thành lập, cùng với ba tòa án lưu động và 13 tòa án bang. Các chính sách được đưa ra nhằm quản lý các vùng lãnh thổ miền tây và đưa chúng vào Liên bang với tư cách là các bang mới.

Washington phục vụ hai nhiệm kỳ bốn năm sau đó rời nhiệm sở, như vậy đặt ra tiền lệ mà sau này trở thành luật. Hai tổng thống tiếp theo là John Adams và Thomas Jefferson đại diện cho hai trường phái khác nhau về vai trò của Chính phủ. Sự khác biệt này dẫn tới hình thành các đảng phái chính trị đầu tiên ở phương Tây. Những người theo chủ nghĩa liên bang, đi đầu là Adams và Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính dưới Chính quyền Washington, nhìn chung đại diện cho những lợi ích thương mại và công nghiệp. Họ sợ tình trạng hỗn độn và tin rằng một chính phủ trung ương mạnh có thể xây dựng các chính sách kinh tế quốc gia và duy trì trật tự. Họ giành được sự ủng hộ của miền Bắc. Trong khi đó những người Cộng hoà, dẫn đầu là Jefferson, nhìn chung đại diện cho các lợi ích nông nghiệp. Họ phản đối một chính phủ trung ương mạnh và tin vào quyền của các bang và sự tự cung tự cấp của nông dân. Họ giành được sự ủng hộ của miền Nam.

Trong khoảng 20 năm, quốc gia non trẻ này đã phát triển trong một nền hòa bình tương đối. Chính sách của nó là thân thiện và vô tư trong quan hệ với tất cả các quốc gia khác. Tuy nhiên, nó không thể tránh khỏi ảnh hưởng từ những diễn biến chính trị ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh và Pháp khi hai nước này đang có chiến tranh. Hải quân Anh đã bắt giữ các tàu Mỹ trên đường đến Pháp, còn hải quân Pháp lại bắt giữ những tàu Mỹ đến Anh. Trong những năm 1790 và 1800, nhiều cuộc đàm phán ngoại giao giúp đẩy lui chiến sự, tuy nhiên có vẻ như vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi Hoa Kỳ buộc phải bảo vệ những lợi ích của mình.

Chiến tranh với Anh nổ ra năm 1812. Giao tranh diễn ra hầu hết ở các bang miền Đông bắc và dọc bờ biển phía Đông. Một lực lượng viễn chinh của Anh đã tiến vào thủ đô mới Washington, D.C.. Lực lượng này phóng hỏa thiêu rụi tòa nhà chính phủ khiến Tổng thống James Madison phải chạy trốn và để lại thành phố trong biển lửa. Tuy nhiên quân đội và hải quân Mỹ đã giành chiến thắng trong những trận đánh quyết định đủ để tuyên bố thắng trận. Sau hai năm rưỡi giao tranh, với một ngân khố bị cạn kiệt do chiến tranh với Pháp, Anh đã phải ký hiệp ước hòa bình với Hoa Kỳ. Chiến thắng của Hoa Kỳ dập tắt ngay lập tức và tất cả những hy vọng của Anh nhằm tái lập ảnh hưởng ở miền nam biên giới Canada.

Vào thời điểm cuộc chiến tranh năm 1812 kết thúc, nhiều khó khăn nghiêm trọng mà nền cộng hòa Mỹ non trẻ phải đối mặt đã không còn nữa. Đoàn kết dân tộc theo Hiến pháp mang lại sự cân bằng giữa tự do và trật tự. Nợ quốc gia thấp cùng với một lục địa đang chờ đợi để được khám phá thể hiện triển vọng hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ xã hội. Sự kiện quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại là thông báo của Tổng thống James Monroe bày tỏ tình đoàn kết với các quốc gia mới độc lập ở Trung và Nam Mỹ. Học thuyết Monroe chống lại bất cứ nỗ lực nào của châu Âu nhằm đô hộ châu Mỹ Latinh. Để đáp lại, nhiều quốc gia mới đã bày tỏ sự đồng cảm chính trị với Hoa Kỳ bằng việc lấy Hi ến pháp Hoa Kỳ làm mô hình cho việc soạn thảo hiến pháp của mình.

Diện tích Hoa Kỳ được mở rộng gấp đôi với việc mua lãnh thổ Lousiana từ Pháp năm 1803 và Florida từ Tây Ban Nha năm 1819.

Từ năm 1816 đến 1821, sáu bang mới đã được hình thành. Trong giai đoạn 1812-1852, dân số đã tăng gấp ba. Quy mô và sự đa dạng của quốc gia non trẻ này khiến chúng ta khó có thể đưa ra một sự khái quát chung nào. Thực tế đó còn tạo ra cả mâu thuẫn.

Hoa Kỳ là một đất nước của những thành phố văn minh được xây dựng trên nền tảng thương mại và công nghiệp và cả những miền biên cương sơ khai nơi pháp quyền thường bị bỏ qua. Hoa Kỳ là một xã hội yêu tự do nhưng lại cho phép chế độ nô lệ tồn tại. Hiến pháp đã gắn kết tất cả những khác biệt này. Tuy nhiên căng thẳng đang lớn dần lên.

 

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái