Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa

THỜI KỲ THUỘC ĐỊA

Hầu hết những người định cư đến các thuộc địa của Anh những năm 1600 là người Anh. Những người khác đến từ Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Pháp, và sau này là Scotland và Bắc Ireland. Một số rời bỏ quê hương để thoát khỏi chiến tranh, đàn áp chính trị, khủng bố tôn giáo, hoặc trốn án tù. Một số ra đi với thân phận nô lệ mong muốn tìm tự do. Người châu Phi da đen bị bán làm nô lệ và đến đây với gông cùm.


Năm 1690, dân số khoảng 250.000 người. Chưa đầy 100 năm sau, con số này đã lên tới 2,5 triệu người.

Người định cư có nhiều lý do để đến Mỹ, và cuối cùng 13 thuộc địa đã được hình thành nơi đây. Khác biệt giữa ba vùng thuộc địa đặc biệt đáng được chú ý.
 

 


Những khu định cư đầu tiên được xây dựng dọc bờ biển Đại Tây Dương và ở lưu vực những con sông chảy ra đại dương. Ở vùng Tây Bắc, người định cư tìm thấy những đồi cây và đất đai phủ đầy đá còn sót lại sau khi Băng hà tan chảy. Sức nước dễ khai thác, nên vùng “New England”, bao gồm Massachusetts, Connecticut, và đảo Rhode phát triển kinh tế từ khai thác gỗ, đánh bắt cá, đóng tàu, và thương mại. Những thuộc địa ở miền Trung, gồm New York và Pennsylvania, có khí hậu dễ chịu hơn và địa hình đa dạng hơn. Ở đây, công nghiệp và nông nghiệp đều phát triển, xã hội đa dạng và mang dáng dấp đô thị hơn. Ví dụ, ở New York, có người Bohemia, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ai Len, Italia, Na-uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Scotland, và Thụy Điển. Các thuộc địa miền Nam như Virginia, Georgia và Carolina nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với thời vụ gieo trồng dài và đất đai phì nhiêu. Nơi đây có các chủ trang trại nhỏ và các lãnh chúa quý tộc giàu có với những đồn điền rộng lớn được canh tác bởi bàn tay của nô lệ da đen.

Hợp tác và xung đột là đặc trưng trong quan hệ giữa dân định cư và dân bản xứ, hay còn gọi là người Da đỏ. Ở một số khu vực có trao đổi thương mại và giao lưu xã hội, nhưng nhìn chung khi các khu định cư mới được mở rộng thì người Da đỏ buộc phải rời đi nơi khác vì thất bại trong các cuộc giao tranh.

Chính phủ Anh không trực tiếp tài trợ cho công cuộc định cư của các thuộc địa Mỹ, mà là những nhóm tư nhân. Tất cả các khu vực trừ Georgia đều xuất hiện với tư cách là các công ty của các cổ đông hoặc công ty độc quyền của Đức vua. Một số khu vực được các lãnh đạo công ty quản lý rất chặt chẽ, nhưng đôi khi, tất cả các khu vực này lại phát triển một hệ thống quản lý tập trung dựa trên truyền thống và tiền lệ pháp lý của Anh.

Những năm tháng biến động chính trị ở Anh bùng phát thành Cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688-1689 lật đổ Vua James Đệ nhị. Quyền lực của chế độ quân chủ chuyên chế từ đó bị giới hạn, và người dân được hưởng nhiều quyền tự do hơn. Các thuộc địa Mỹ cũng được lợi từ những thay đổi này. Các hội đồng thuộc địa tuyên bố có quyền hành động với tư cách là quốc hội địa phương. Họ đã thông qua những biện pháp hạn chế quyền lực của các thống đốc hoàng gia và mở rộng quyền lực của bản thân.

Trong những thập kỷ sau đó, tranh chấp liên tục giữa các thống đốc và hội đồng khiến dân thuộc địa ý thức được những khác biệt ngày càng gia tăng về lợi ích giữa người Anh và người Mỹ. Những nguyên tắc và tiền lệ hình thành từ những tranh chấp này đã trở thành hiến pháp bất thành văn của các thuộc địa.

Lúc đầu, vấn đề tự trị trong khuôn khổ Khối Thịnh vượng chung của Anh là vấn đề trọng tâm, sau này mới là kêu gọi đấu tranh giành độc lập.

 

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái