Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập

CHẶNG ĐƯỜNG GIÀNH ĐỘC LẬP

Những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do và dân chủ - nền tảng chính trị của Hoa Kỳ - hình thành tự nhiên từ quá trình xây dựng một xã hội mới trên vùng đất nguyên khai. Và cũng rất tự nhiên, quốc gia mới này cũng nhìn nhận bản thân là một trường hợp khác biệt và ngoại lệ. Châu Âu nhìn nó với sự lo lắng, hoặc hy vọng.

13 thuộc địa Bắc Mỹ của Anh trưởng thành trong những năm 1700. Chúng phát triển mạnh về dân số, kinh tế và văn hóa. Các thuộc địa này thực hiện chế độ tự trị. Tuy nhiên, 170 năm sau khi khu định cư lâu dài đầu tiên được xây dựng tại Jamestown, Virginia thì Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới xuất hiện với tư cách một quốc gia.

Một phần cuộc chiến giữa Anh và Pháp những năm 1750 diễn ra ở Bắc Mỹ. Anh đã thắng và nhanh chóng đưa ra những chính sách nhằm cai quản và hỗ trợ cho đế chế rộng lớn của mình. Những chính sách này hạn chế nhiều đời sống của người dân các thuộc địa Mỹ.

Tuyên bố của Hoàng gia năm 1763 hạn chế việc mở rộng những vùng đất mới cho định cư. Đạo luật Đường năm 1764 áp dụng thuế đối với các hàng hóa xa xỉ gồm cà phê, lụa, và rượu, đồng thời quy định cấm nhập rượu rum. Đạo luật Tiền tệ năm 1764 nghiêm cấm việc in tiền giấy ở các thuộc địa. Đạo luật Nhà ở năm 1765 buộc người dân các thuộc địa phải cung cấp lương thực và nhà ở cho quân đội hoàng gia. Đạo luật Tem năm 1765 quy định phải dán tem của hoàng gia để đánh thuế đối với tất cả các văn bản luật, báo, giấy môn bài, và hợp đồng thuê mướn.

Người dân các thuộc địa phản đối tất cả những chính sách này, và Đạo luật Tem vấp phải sự chống đối có tổ chức lớn nhất. Trong con mắt của người dân các thuộc địa ngày càng gia tăng, vấn đề là họ đang bị đánh thuế bởi một quốc hội ở quá xa mà họ không thể tham gia. Tháng 10/1765, 27 đại biểu từ chín thuộc địa đã gặp nhau tại New York để phối hợp nỗ lực nhằm bãi bỏ Đạo luật Tem. Họ đã thông qua những nghị quyết khẳng định quyền quy định các loại thuế riêng của từng thuộc địa.

Chính phủ tự trị đã sản sinh ra các lãnh đạo chính trị địa phương và họ là những người đã hợp tác để bãi bỏ những đạo luật đàn áp của Quốc hội. Sau khi thành công, chiến dịch phối hợp chống Anh quốc cũng chấm dứt. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, một số thành phần cấp tiến vẫn muốn duy trì tình trạng đối lập. Mục tiêu của họ không phải là thỏa hiệp, mà là độc lập.

Samuel Adams, người Massachusetts, là nhân vật năng nổ nhất. Ông đã viết báo và có những bài phát biểu khơi dậy tinh thần dân chủ của người dân thuộc địa. Ông đã giúp thành lập các ủy ban ở tất cả các thuộc địa sau này trở thành cơ sở của phong trào cách mạng. Năm 1773, phong trào này đã thu hút các thương gia thuộc địa vốn bất bình trước những nỗ lực của Anh nhằm điều tiết việc buôn bán chè. Tháng 12, một nhóm người đã đột nhập lên ba chiếc tàu của Anh ở cảng Boston và đổ chè xuống biển.

Để trừng phạt Massachusetts vì tội phá hoại, Quốc hội Anh quyết định đóng cửa cảng Boston và hạn chế quyền lực của địa phương. Những biện pháp mới, được gọi là Những đạo luật Không thể khoan dung, không mang lại kết quả như mong đợi. Các thuộc địa không những không bị cô lập mà còn liên minh với nhau. Tất cả các thuộc địa trừ Georgia đều cử đại diện đến Philadelphia vào tháng 9/1774 để thảo luận về tình trạng khó khăn của họ và đây là Đại hội Lục địa đầu tiên.

Người dân các thuộc địa ngày càng phẫn nộ và tức giận trước việc Anh vi phạm các quyền của họ. Tuy nhiên, họ chưa thống nhất được các biện pháp cần phải làm gì để đối phó. Những người trung thành vẫn muốn phục tùng đức vua. Những người ôn hòa thiên về thỏa hiệp nhằm xây dựng một mối quan hệ có thể chấp nhận được với chính quyền Anh. Phái cách mạng thì lại muốn độc lập hoàn toàn. Nhóm này bắt đầu tích trữ vũ khí và huy động lực lượng, đợi ngày đứng lên chiến đầu giành độc lập.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái