Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
TĂNG TRƯỞNG VÀ CHUYỂN BIẾN
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trưởng thành trong những thập kỷ sau cuộc nội chiến. Biên giới dần dần biến mất. Một nhà nước cộng hòa thôn dã đã trở thành một quốc gia đô thị. Các xí nghiệp lớn, các nhà máy cán thép và các tuyến đường sắt xuyên lục địa được xây dựng. Các thành phố mọc lên nhanh chóng. Hàng triệu người đến từ các quốc gia khác bắt đầu cuộc sống mới của mình trên mảnh đất của vận hội.
Các nhà phát minh đã khai thác sức mạnh của khoa học. Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, Thomas Edison làm ra bóng đèn và cùng với George Eastman phát minh ra điện ảnh. Trước năm 1860, Chính phủ đã cấp 36.000 bằng sáng chế. Trong 30 năm sau đó, con số này đã lên tới 440.000.
Đó là kỷ nguyên của sự hợp nhất, đặc biệt trong các ngành công nghiệp luyện thép, đường sắt, dầu mỏ và viễn thông. Sự độc quyền phủ nhận cạnh tranh trên thị trường, dẫn tới đòi hỏi phải có những quy định của Chính phủ. Một đạo luật được thông qua năm 1890 nhằm tránh cho nền thương mại không bị nạn độc quyền kìm hãm, tuy nhiên ban đầu đạo luật này không được thực thi mạnh mẽ.
Ngay cả với những thành tựu vĩ đại trong công nghiệp, nghề nông vẫn là nghề chủ đạo ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bản thân ngành này cũng chứng kiến những thay đổi lớn lao. Đất canh tác được mở rộng gấp đôi trong khi các nhà khoa học phát triển những loại hạt giống cải tiến. Máy móc, bao gồm máy gieo trồng, máy gặt và máy tuốt, đã đảm nhiệm phần lớn những công việc mà trước đây phải làm bằng tay. Nông dân Hoa Kỳ sản xuất đủ ngũ cốc, bông, thịt bò, thịt lợn và len để cung ứng cho thị trường nội địa đang phát triển và vẫn còn một lượng thặng dư đáng kể dành cho xuất khẩu.
Khu vực phía Tây của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thu hút những người đến định cư. Những người thợ mỏ khoanh vùng khai thác ở những ngọn núi giàu quặng, các chủ chăn nuôi gia súc đến vùng đồng cỏ mênh mông, những người chăn cừu đến các thung lũng ven sông và nông dân tràn đến các đồng bằng lớn. Các chàng cao bồi trên lưng ngựa trông coi lũ gia súc và dẫn chúng đến những tuyến đường sắt xa xôi để đưa đến miền Đông. Đó là hình ảnh nước Mỹ mà rất nhiều người vẫn còn lưu giữ, cho dù thời đại cao bồi “miền Tây hoang dã” đó chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm.
Từ khi những người châu Âu đặt chân lên bờ biển phía đông của châu Mỹ, cuộc di cư về phía Tây của họ đồng nghĩa với sự đối đầu với các thổ dân bản địa. Trong nhiều năm, chính sách của Chính phủ chủ trương di dời những thổ dân châu Mỹ bản địa ra khỏi biên giới của người da trắng, đến những mảnh đất dành riêng cho họ. Tuy nhiên, không biết bao nhiều lần Chính phủ phớt lờ những thỏa thuận và mở rộng những khu vực đó cho người da trắng định cư. Vào cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XVIII, các bộ lạc Sioux ở vùng đồng bằng phía bắc và Apaches ở phía Tây Nam đã chống cự quyết liệt để bảo vệ cuộc sống của họ. Mặc dù là những chiến binh thiện chiến, nhưng cuối cùng họ cũng bị áp đảo bởi lực lượng của Chính phủ. Chính sách Nhà nước sau những cuộc xung đột đó, mặc dù xuất phát từ thiện chí, nhưng đôi khi cũng đem lại thảm họa. Năm 1934, Quốc hội thông qua một biện pháp nhằm bảo vệ phong tục và đời sống cộng đồng của các bộ lạc trong các khu vực dành riêng cho họ.
Những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX chứng kiến cuộc chạy đua giữa các cường quốc châu Âu nhằm thực dân hóa châu Phi và tranh giành quyền thương mại ở châu Á. Nhiều người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ có quyền và trách nhiệm phải mở rộng ảnh hưởng ra những khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người khác lại phản đối bất kỳ hành động nào mang màu sắc đế quốc chủ nghĩa.
Sau một cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Tây Ban Nha năm 1898, Hoa Kỳ đã giành quyền kiểm soát một số thuộc địa hải ngoại của Tây Ban Nha, bao gồm Cuba, Puerto Rico, Guam và Philippin. Trên danh nghĩa, Hoa Kỳ khuyến khích những khu vực đó tiến tới chế độ tự trị, nhưng trên thực tế, họ đã duy trì việc quản lý hành chính. Chủ nghĩa lý tưởng trong chính sách đối ngoại đã tồn tại song song với mong muốn thực tiễn nhằm bảo vệ những quyền lợi kinh tế của một quốc gia từng một thời cô lập, nay đã trở thành một cường quốc thế giới.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com