Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
THỜI KỲ CÁCH MẠNG
Cách mạng Mỹ - cuộc chiến giành độc lập từ nước Anh - khởi đầu chỉ là một cuộc giao tranh nhỏ giữa quân đội Anh và nhân dân thuộc địa có vũ trang ngày 19/4/1775.
Quân Anh hành quân từ Boston, Massachusetts nhằm tịch thu vũ khí đạn dược mà lực lượng cách mạng đã thu thập được từ các làng lân cận. Tại Lexington, họ đã gặp một nhóm người Minutemen - những người sẵn sàng chiến đấu chỉ trong một phút. Nhóm này chỉ dự định tổ chức biểu tình hòa bình, lãnh đạo của họ ra lệnh không được nổ súng trừ khi họ bị bắn trước. Quân Anh ra lệnh cho nhóm Minutemen giải tán và họ tuân thủ. Khi họ đang rút lui, ai đó đã nổ súng. Binh lính Anh liền tấn công nhóm này bằng súng và lưỡi lê.
Giao tranh nổ ra ở những nơi khác dọc tuyến đường mà binh sĩ Anh, trong quân phục màu đỏ, đang hành quân về Boston. Hơn 250 “áo choàng đỏ” đã bị giết hoặc bị thương. Phía Mỹ mất 93 người.
Những cuộc giao tranh một mất một còn tiếp tục diễn ra ở Boston khi đại diện các thuộc địa hối hả đến Philadelphia nhằm thảo luận tình hình. Đại đa số ủng hộ một cuộc chiến chống lại Anh. Họ nhất trí sát nhập lực lượng dân quân các thuộc địa thành quân đội, và cử George Washington, bang Virginia, làm Tổng chỉ huy. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Đại hội Lục địa lần hai đưa ra một nghị quyết hòa bình yêu cầu Vua George Đệ tam ngăn chặn tình trạng thù địch đang gia tăng. Vua Anh bác bỏ đề nghị đó và ngày 23/8 tuyên bố các thuộc địa Mỹ là phiến loạn.
Trong những tháng tiếp theo, những lời kêu gọi độc lập ngày càng mạnh mẽ. Nhà lý luận chính trị cấp tiến Thomas Paine đã giúp chuẩn bị lập luận cho việc ly khai. Trong một cuốn sách nhỏ tiêu đề Lương tri, bán được 100.000 bản, ông phản đối ý tưởng về một nền quân chủ cha truyền con nối. Paine đã đưa ra hai giải pháp thay thế cho nước Mỹ: tiếp tục phục tùng một tên vua tàn bạo, chuyên chế và một chính phủ thối nát, hoặc là tự do và hạnh phúc bằng việc xây dựng một nền cộng hòa độc lập.
Đại hội Lục địa lần hai bầu ra một ủy ban, đứng đầu là Thomas Jefferson của Virginia, nhằm soạn thảo một văn kiện nêu rõ những bất bình của các thuộc địa đối với Đức vua và giải thích lý do ly khai. Tuyên ngôn Độc lập được thông qua ngày 4/7/1776. Từ đó, ngày 4/7 trở thành ngày Quốc khánh của Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khai sinh ra một quốc gia mới mà còn đưa ra triết lý về quyền tự do của con người và sau này trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập dựa trên tư tưởng chính trị của Anh và Pháp, đăc biệt là tư tưởng của John Locke trong tác phẩm Chuyên luận thứ hai về Chính phủ, khẳng định niềm tin rằng các quyền chính trị là những quyền cơ bản của con người và có tính phổ cập toàn cầu.
Tuyên bố độc lập không mang lại tự do cho người Mỹ. Quân đội Anh truy đuổi quân đội lục địa ở New York, từ Long Island đến Thành phố New York. Quân đội Anh đã đánh bại quân Mỹ ở Brandywine, Pennsylvania, và chiếm Philadelphia, buộc Đại hội Lục địa phải tháo chạy. Quân Mỹ chiến thắng ở Saratoga, New York, và Trenton và Princeton ở New Jersey. Tuy nhiên, George Washington vẫn liên tục cố gắng bổ sung lực lượng và nhu yếu phẩm cần thiết.
Sự hỗ trợ có tính quyết định đến vào năm 1778 khi nước Pháp công nhận Hoa Kỳ và ký Hiệp định Phòng thủ Song phương. Tuy nhiên, sự ủng hộ từ chính phủ Pháp chỉ vì lý do địa chính trị, chứ không phải hệ tư tưởng. Pháp muốn làm suy yếu nước Anh, kẻ thù lâu đời của nước Pháp.
Cuộc chiến đấu nổ ra ở Lexington, Massachusetts, kéo dài 8 năm trên phần lớn lục địa. Các trận chiến diễn ra từ Montreal, Canada, ở miền Bắc đến Savannah, Georgia ở miền Nam. Quân đội hùng hậu của Anh đã đầu hàng tại Yorktown, Virginia, năm 1781, nhưng giao tranh vẫn kéo dài hai năm nữa mà không phân thắng bại. Cuối cùng một hiệp định hòa bình đã được ký kết tại Paris vào ngày 15/4/1783.
Cuộc Cách mạng đã có ảnh hưởng to lớn không chỉ ở Bắc Mỹ. Nó đã thu hút sự chú ý của các nhà lý luận chính trị châu Âu và củng cố quan niệm về các quyền tự nhiên ở các nước phương Tây. Cuộc Cách mạng này cũng thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng như Thaddeus Kosciusko, Friedrich von Steuben, và Marquis de Lafayette, những người tham gia cuộc Cách mạng và hy vọng truyền bá tư tưởng tự do đến nước họ.
Hiệp ước Paris công nhận nền độc lập, tự do, và chủ quyền của 13 thuộc địa cũ, nay trở thành các bang. Nhiệm vụ liên kết các bang này thành một quốc gia vẫn còn ở phía trước.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com