Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái

ĐỆ NHẤT THẾ CHIẾN, NHỮNG NĂM 1920 THỊNH VƯỢNG VÀ CUỘC ĐẠI SUY THOÁI

Cuộc chiến tranh ở châu Âu năm 1914 - trong đó Đức và áo-Hung chống lại Anh, Pháp, Italia và Nga - đã tác động đến lợi ích của Hoa Kỳ gần như ngay sau khi nó bùng nổ. Hải quân của cả Anh và Đức đều gây cản trở cho tàu thuyền Mỹ, riêng những vụ tấn công của tàu ngầm Đức còn gây chết chóc kinh hồn. Khoảng 130 người Mỹ đã tử nạn khi một tàu ngầm đánh chìm tàu viễn dương Lusitania của Anh năm 1915. Tổng thống Woodrow Wilson đã yêu cầu người Đức chấm dứt những cuộc tấn công và họ tạm dừng trong một thời gian ngắn, nhưng đến năm 1917 họ lại tiếp diễn. Hoa Kỳ bèn tuyên chiến.


Nỗ lực của hơn 1.750.000 lính Mỹ đã đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại Liên minh Đức và áo-Hung. Ngày 11/11/1918, một hiệp định đình chiến, trên danh nghĩa là một cuộc ngừng bắn nhưng thực chất là đầu hàng, đã được ký kết.

Tổng thống Wilson dàn xếp việc kết thúc cuộc xung đột trên cơ sở kế hoạch 14 điểm của ông nhằm đạt được nền hòa bình vĩnh cửu. Nó bao gồm việc chấm dứt các thỏa thuận quốc tế bí mật, tự do thương mại giữa các quốc gia, cắt giảm quân bị, quyền tự trị cho những quốc gia châu Âu bị nô dịch và sự thành lập một tổ chức liên hiệp - Hội Quốc Liên - nhằm bảo đảm độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.

Tuy nhiên, hiệp ước hòa bình cuối cùng hầu như không bao hàm bất kỳ một điểm nào trong số những nội dung trên, vì các nước thắng trận khăng khăng đòi hỏi trừng phạt nghiêm khắc các nước bại trận. Italia tưởng về Hội Quốc Liên của Wilson vẫn được bảo lưu trong Hiệp ước Versailles, nhưng ông thậm chí không nhận được sự ủng hộ đầy đủ cho vấn đề đó và Hoa Kỳ đã bác bỏ vấn đề đó. Nước Mỹ lại quay về với chủ nghĩa biệt lập bản năng của mình.

Giai đoạn đầu tiên sau chiến tranh là một thời kỳ của lao động bất ổn và những cuộc xung đột chủng tộc. Người nông dân vật lộn với cuộc sống do sự chấm dứt đột ngột của nhu cầu thời chiến. Trong một vài năm của thập kỷ 1920, Hoa Kỳ đã trải qua một giai đoạn thịnh vượng thực chất và rộng rãi. Các gia đình đã mua được những chiếc xe hơi, máy thu thanh và tủ lạnh đầu tiên của mình và bắt đầu đi xem phim một cách đều đặn. Và sau hàng thập kỷ hoạt động chính trị tích cực, những người ủng hộ nữ quyền đã thành công trong việc giành được sự chấp thuận sửa đổi Hiến pháp năm 1920, qua đó cho phép phụ nữ được quyền bầu cử.

Thời gian huy hoàng đó không kéo dài. Giá trị của nhiều chứng khoán, vốn bị lạm phát một cách giả tạo, đã rớt thảm hại vào tháng 10 năm 1929. Trong suốt hơn 3 năm sau, sự suy thoái trong kinh doanh ở Hoa Kỳ đã trở thành một phần của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Các công ty và xí nghiệp phải đóng cửa, các ngân hàng phá sản, thu nhập của các trang trại sụt giảm. Vào tháng 11 năm 1932, 20% người Mỹ đã rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Năm đó, chiến dịch tranh cử tổng thống chủ yếu là cuộc tranh luận về những nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái và những biện pháp để đảo ngược nó. Đương kim Tổng thống Herbert Hoover đã khởi động quá trình tái thiết nền kinh tế, nhưng nỗ lực của ông đem lại rất ít kết quả và ông đã thất bại trong cuộc bầu cử trước Franklin Roosevelt. Với sự lạc quan có sức lan tỏa rộng rãi, Roosevelt sẵn sàng sử dụng quyền lực liên bang để thực hiện những biện pháp táo bạo. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Kỳ bước vào một kỷ nguyên mới của sự thay đổi chính trị và kinh tế.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái