Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia

HÌNH THÀNH CHÍNH PHỦ QUỐC GIA

Sau chiến tranh giành độc lập từ Anh, mười ba thuộc địa Mỹ đã trở thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1783. Trước khi chiến tranh kết thúc, các thuộc địa đã phê chuẩn những Điều khoản Hợp bang - một khuôn khổ vì những nỗ lực chung của họ. Mục tiêu của những Điều khoản này là xây dựng một liên minh, nhưng là một liên minh cực kỳ lỏng lẻo. George Washington gọi đó là “sợi dây cát”.


Không có đồng tiền chung. Các bang tự phát hành đồng tiền riêng của mình. Không có quân đội quốc gia; nhiều bang vẫn có quân đội và lực lượng hải quân riêng. Hầu như không có quyền kiểm soát tập trung đối với chính sách đối ngoại; các bang trực tiếp đàm phán với nước ngoài. Không có hệ thống thuế khóa và thu thuế ở cấp độ quốc gia.

Tranh chấp giữa Maryland và Virginia về quyền đi lại trên sông Potomac, biên giới chung giữa hai bang, đã dẫn tới cuộc họp của năm bang tại Annapolis, Maryland năm 1786. Đại biểu của New York, Alexander Hamilton nói những vấn đề thương mại đó là một phần của các vấn đề kinh tế và chính trị lớn hơn, do vậy việc cần làm là suy nghĩ lại về Hợp bang. Ông và các đại biểu khác đề xuất tổ chức một hội nghị về vấn đề này. Được sự ủng hộ từ Washington, con người được tín nhiệm nhất nước Mỹ này đã chiến thắng trước những người cho rằng ý tưởng này là quá mạo hiểm.

Hội nghị ở Philadelphia tháng 5/1787 thực sự ấn tượng. 55 đại biểu được lựa chọn dự hội nghị đều có kinh nghiệm quản lý thời kỳ thuộc địa và các bang. Họ là những người hiểu biết về lịch sử, luật pháp và lý thuyết chính trị. Hầu hết đều trẻ tuổi, trừ Benjamin Franklin là người nhiều tuổi. Ông gần như đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp phục vụ cộng đồng và thành tựu khoa học. Hai người Mỹ nổi tiếng không có mặt tại hội nghị là Thomas Jefferson, đại sứ Mỹ tại Pháp, và John Adams, đại sứ Mỹ tại Anh.
 


Đại hội Lục địa cho phép tổ chức Hội nghị sửa đổi những Điều khoản của Hợp bang. Thay vì sửa đổi, các đại biểu đã vứt bỏ những Điều khoản này, cho rằng chúng không đáp ứng được nhu cầu của một quốc gia mới và xây dựng một hình thức chính phủ mới tách biệt quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hội nghị đã trở thành hội nghị soạn thảo Hiến pháp.

Đạt được sự đồng thuận về một số chi tiết của bản Hiến pháp mới quả là cực kỳ khó khăn. Nhiều đại biểu ủng hộ một chính phủ quốc gia mạnh nhằm hạn chế quyền của các bang. Các đại biểu khác cũng lập luận rất thuyết phục chủ trương xây dựng một chính phủ quốc gia yếu nhằm duy trì quyền lực các bang. Một số đại biểu lại sợ rằng người Mỹ không đủ khôn ngoan để điều hành bản thân và do vậy phản đối bất kỳ hình thức bầu cử phổ thông nào. Những người khác cho rằng chính phủ quốc gia phải có thành phần đại diện càng đa dạng càng tốt. Đại biểu các bang nhỏ nhất quyết đòi phải có sự đại diện bình đẳng tại cơ quan lập pháp quốc gia. Đại diện các bang lớn lại cho rằng họ xứng đáng có nhiều ảnh hưởng hơn. Đại biểu các bang nơi chế độ nô lệ là bất hợp pháp thì mong muốn xóa bỏ chế độ này. Đại biểu các bang công nhận chế độ nô lệ lại phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm xóa bỏ nó. Một số đại biểu muốn hạn chế số bang trong Liên bang. Những người khác lại ủng hộ việc trao quy chế bang cho các vùng đất mới định cư ở phía tây.

Mỗi vấn đề đều gây ra sự chia rẽ mới, tuy nhiên những bất đồng này đã được giải quyết bằng thỏa hiệp.

Bản thảo Hiến pháp không phải là một văn kiện dài. Tuy nhiên, nó xây dựng một khuôn khổ chính phủ phức tạp nhất chưa từng có. Chính phủ Quốc gia có đầy đủ quyền hạn phát hành tiền tệ, thu thuế, chứng nhận phát minh, sáng chế, thực thi chính sách đối ngoại, duy trì quân đội, thành lập bưu điện, và phát động chiến tranh. Chính phủ có ba nhánh bình đẳng, đó là Quốc hội, tổng thống và một hệ thống tòa án với quyền lực cân bằng và kiểm soát lẫn nhau.

Những nhân tố chi phối quá trình bàn thảo về hiến pháp bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích của các bang, các khu vực và tư tưởng. Nhân tố quan trọng không kém là chủ nghĩa lý tưởng của những người trực tiếp viết hiến pháp. Họ tin rằng họ đã xây dựng một chính phủ thúc đẩy các quyền tự do cá nhân và phẩm hạnh của dân chúng.

Ngày 17/9/1787, sau bốn tháng xây dựng, đa số đại biểu đã ký vào bản Hiến pháp mới. Họ nhất trí rằng văn kiện này sẽ trở thành Bộ luật của đất nước nếu 9/13 bang phê chuẩn.
Quá trình phê chuẩn Hiến pháp kéo dài một năm. Những người phản đối bày tỏ lo ngại rằng một chính phủ trung ương mạnh có thể sẽ trở nên độc đoán và áp bức. Những người ủng hộ Hiến pháp lại cho rằng hệ thống cân bằng và kiểm soát sẽ ngăn chặn tình trạng này. Chính cuộc tranh luận này đã dẫn tới sự tồn tại của hai phái: Những người theo chủ nghĩa liên bang thiên về một chính phủ trung ương mạnh và ủng hộ Hiến pháp, và Những người chống những người theo chủ nghĩa liên bang, ủng hộ một hiệp hội các bang lỏng lẻo và phản đối Hiến pháp.

Ngay cả khi Hiến pháp đã được phê chuẩn thì nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy nó thiếu một thành tố cơ bản. Họ nói, Hiến pháp không liệt kê các quyền của cá nhân. Khi Quốc hội đầu tiên nhóm họp tại Thành phố New York tháng 9/1789, các nhà làm luật đã nhất trí bổ sung thêm những điều khoản này. Phải mất hai năm nữa 10 Điều sửa đổi này - được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền - mới trở thành một phần trong Hiến pháp.

Sửa đổi đầu tiên trong số 10 Điều sửa đổi này đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do tôn giáo; quyền được biểu tình, tụ họp hòa bình, và quyền yêu cầu thay đổi. Điều sửa đổi thứ tư cấm việc tìm kiếm và bắt bớ không có lý do. Điều sửa đổi thứ năm quy định quy trình tố tụng đúng luật đối với tất cả các loại hình tội phạm. Điều sửa đổi thứ sáu bảo đảm quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng. Và Điều sửa đổi thứ tám cấm sự trừng phạt tàn nhẫn và bất bình thường.

Kể từ khi Tuyên ngôn Nhân quyền được đưa ra hơn 200 năm trước, chỉ có thêm 17 Điều sửa đổi được bổ sung vào Hiến pháp.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 1)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 2)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 3)
  • Hồ sơ nhân quyền Mỹ năm 2008 (Phần 4)
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (1): Nước Mỹ thời lập quốc
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (2): Thời kỳ thuộc địa
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (3): Chặng đường giành độc lập
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (4): Thời kỳ cách mạng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (5): Hình thành chính phủ quốc gia
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (6): Những năm đầu mở rộng về phía tây và những khác biệt giữa các vùng
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (7): Xung đột địa phương
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (8): Nội chiến và công cuộc tái thiết sau chiến tranh
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (9): Tăng trưởng và chuyển biến
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (10): Bất mãn và cải cách
  • Sơ lược Lịch Sử Hoa Kỳ (11): Đệ nhất thế chiến, những năm 1920 thịnh vượng và cuộc đại suy thoái