Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải chuyển nhượng và sát nhập dự án nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Tại TPHCM, trong quý I đã bắt đầu xuất hiện nhiều dự án phải “đổi chủ”, đơn cử như dự án cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 tọa lạc tại số 205 đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, dự án có quy mô 6.249,7m2 cao xây dựng khoảng 16 tầng với khoảng 330 căn hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Thủy lợi 4 vừa chấp thuận việc chuyển nhượng tòa bộ dự án này cho công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sạn Thủy lợi 4A.
Trước đó, công ty VinaLand Limited - thành viên thuộc tập đoàn VinaCapital cũng đã thông báo bán toàn bộ cổ phần trong dự án phát triển nhà ở tại quận 9, TP HCM cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam với giá trị chuyển nhượng 10,9 triệu USD….
Qua tìm hiểu được biết, trên thị trường hiện nay phổ biến hai dạng dự án chuyển nhượng. Thứ nhất, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Họ là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản bị tác động của khủng hoảng kinh tế, sự xuống dốc của thị trường đã ảnh hưởng đến hoạch động kinh doanh nên họ có nhu cầu chuyển nhượng để duy trì “sự sống”. Hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhưng có đầu tư bất động sản, nay thị trường này khó khăn nên họ chuyển nhượng dự án để tập trung vào ngành kinh doanh chính của mình.
Một dạng thứ hai là không khó khăn về tài chính. Bởi mục tiêu của các doanh nghiệp này là lập dự án xong rồi bán. Tuy nhiên, dù hình thành hai loại doanh nghiệp xuất phát từ mục đích chuyển nhượng khác nhau nhưng xem ra xu hướng chuyển nhượng do khó khăn về tài chính vẫn chiếm số đông.
Theo công ty Savills Việt Nam, đây là một xu thế tất yếu sẽ xảy ra trên thị trường trước những khó khăn về vốn. Để giải quyết tốt việc kinh doanh thì xu hướng sát nhập, mua bán, chuyển nhượng dự án là chuyện rất bình thường.
Ông Phạm Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mua bán Doanh nghiệp và Kết nối Đầu tư Quốc tế (ICE), loại hình bất động sản được chào bán nhiều nhất vẫn tập trung vào phân khúc khu du lịch sinh thái và các cao ốc văn phòng vì thời gian thu hồi vốn chậm, trong khi nhu cầu mua lại tập trung ở mảng dự án chung cư và nhà ở. Mặc dù số lượng dự án rao bán nhiều nhưng tỉ lệ bán thành công lại rất thấp là vì giá cả thường được quyết định bởi ý chí chủ quan của bên bán mà không qua các tổ chức định giá chuyên nghiệp. Do đó, không phải bên mua nào cũng chấp nhận mức giá được đưa ra.
(VnMedia)