Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản đều cho rằng giá nhà, đặc biệt nhà thu nhập thấp tại TP HCM đã chạm đáy, khó giảm thêm ngay cả khi có hỗ trợ của Chính phủ.
Cuối tuần trước, Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp tục đề xuất phương án giảm 50% thuế VAT đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng một m2 trước Quốc hội. Cùng với thông tin về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng Chính phủ đang thiết kế, đây được coi là tín hiệu vui cho thị trường bất động sản sau một thời gian dài ảm đạm. Người có nhu cầu đều có tâm lý chờ đợt giá sẽ giảm sâu hơn khi một loạt chính sách giải cứu được áp dụng.
Cũng nhận định các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ khó kéo giá bán nhà và căn hộ ở phân khúc bình dân thảm thêm, giám đốc sàn giao dịch bất động sản khá lớn ở TP HCM cho rằng thị trường giảm sâu phần nhiều do người mua mất niềm tin ở chủ đầu tư. Bởi thực tế, có quá nhiều dự án chậm tiến độ, khách nộp tiền cả 4-5 năm nhưng không có nhà để bàn giao. Thậm chí, có dự án vừa bàn giao, dân chưa kịp về ở thì sự cố cháy nổ, sập lún... đã xảy ra.
"Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để mua nhà ở cả phân khúc cấp cao và thu nhập thấp... Tuy nhiên, người mua cần tìm đến doanh nghiệp uy tín, các chủ đầu tư có thực lực về vốn và ít bị tai tiếng trên thị trường”, vị này nói. Theo ông, giá bán ở một số dự án đã xuống tới mức hấp dẫn, những dự án tạo dựng được niềm tin tốt với khách hàng vẫn được khách hàng quan tâm đón chờ và chào bán tốt trong thời gian ngắn như Era Town, Phú Mỹ Hưng, Sunrise City, MBBabylon, Hoàng Anh Gia Việt hay Greenhills của chủ đầu tư Hàn Quốc..
Khảo sát củaVnExpress.net tại các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, hiện đa số khách đến tìm hiểu thông tin, nghe ngóng tình hình chứ chưa đặt bút ký hợp đồng mua nhà trước khi thật sự tìm được một dự án có thể hoàn toàn tin tưởng. Giới kinh doanh cho rằng tâm lý người mua đang bị tác động phần nào bởi các quan điểm trái chiều chuyện "cứu hay không cứu thị trường bất động sản".
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn: "Cá nhân tôi không đồng tình với các ý kiến cho rằng hãy để cho bất động sản chết vì còn nhiều ngành lĩnh vực khác cần tới sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Các gói hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, có thể cá nhân tôi, doanh nghiệp tôi và một cơ số đơn vị khách kinh doanh nhà cao cấp không được hưởng lợi nhiều nhưng tôi vẫn khẳng định giải cứu là việc làm cần thiết", ông Đức nhấn mạnh.
"Gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra không phải là giải cứu thị trường bất động sản hay giúp doanh nghiệp mà là tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nhà ở đồng thời giúp thị trường thanh khoản, giải phóng hàng tồn kho ở các lĩnh vực khác như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... Nói chính xác cứu bất động sản cũng là cứu hàng nghìn doanh nghiệp xây dựng đang có nguy cơ bị xóa sổ", ông Đức nói thêm.
Ông Lê Quốc Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Nhà Hòa Bình cũng cho rằng bối cảnh thị trường hiện nay nhất định phải có sự can thiệp của Nhà nước để vực dậy niềm tin của người mua nhà. Theo ông, gói hỗ trợ tín dụng nên dành phần lớn sự ưu ái tới người mua nhà bởi chính họ mới là đối tượng giúp lành mạnh hóa thị trường. Bên cạnh đó, bản thân các chủ đầu tư cũng cần lấy lại niềm tin bằng cách nâng cao chất lượng dự án, đồng thời có cam kết lâu dài với người mua. Ông cho biết thêm, tại các dự án do Hòa Bình phân phối, chẳng hạn như Green Hills, công ty không chỉ cam kết về tiến độ bàn giao, sở hữu lâu dài, hỗ trợ tiền thuế đất mà còn liên kết với ngân hàng ưu đãi lãi suất cho khách vay vốn mua nhà.
"Chúng ta có thể học cách làm của Mỹ khi điều chỉnh lãi suất (huy động và cho vay) theo hướng tiếp tục giảm. Qua đó, người dân cũng sẽ tìm kênh đầu tư mới ngoài gửi tiết kiệm và doanh nghiệp cũng tiếp cận được nguồn vốn “dễ thở” hơn. Tôi cho rằng gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra đã là quá chậm lẽ ra, Nhà nước cần phải can thiệp sớm hơn", ông Duy nói.