Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cầu Sài Gòn 2: Chấp thuận chớp nhoáng, khởi công ì ạch

Trong khi cầu Sài Gòn 1 đang xuống cấp và thường xuyên quá tải, cầu Sài Gòn 2 vẫn chưa thể khởi công xây dựng dù UBND TPHCM đã chọn được nhà đầu tư từ hai năm rưỡi qua.

Sự chấp thuận vội vàng của thành phố trong việc chọn phương thức đầu tư ban đầu, cũng như thiếu xem xét kỹ lưỡng tính khả thi của phương án hoàn vốn gắn với quy hoạch chung của khu vực không chỉ làm chậm tiến độ khởi công cầu Sài Gòn 2, mà ngay cả chủ đầu tư của dự án đến nay cũng chưa thể xác định.

Không thể chấp nhận “một cổ hai tròng”

Cầu Sài Gòn hiện hữu đã xuống cấp và thường quá tải, trong khi cầu Sài Gòn 2 vẫn chưa xác định được chủ đầu tư

Từ đầu năm 2008, công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (nay là công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ - PMC) đã đề xuất đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 (nằm cạnh cầu Sài Gòn 1 - nối liền trục đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội) theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và đề xuất này được UBND Tp.HCM chấp thuận.

Tiếp đó, vào ngày 12.3.2008, PMC và đại diện UBND Tp.HCM đã ký văn bản ghi nhớ đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2. Với phương thức đầu tư BOT, PMC tính toán việc thu hồi vốn sẽ thực hiện thu phí giao thông kể từ sau khi công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) kết thúc thu phí đường Điện Biên Phủ (vào khoảng năm 2013) tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội.

Điều đáng nói là việc thành phố chấp thuận cho PMC đầu tư cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT là quá vội vàng và thiếu cân nhắc về tính khả thi của phương án hoàn vốn. Bởi lẽ, trước đó, thành phố đã chấp thuận cho CII được đầu tư mở rộng xa lộ Hà Nội theo hình thức BOT. Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi kết thúc thu phí đường Điện Biên Phủ, CII tiếp tục thu phí để hoàn vốn đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội. Và khi CII tiếp tục thu phí trên xa lộ Hà Nội, thì phương thức đầu tư BOT xây dựng cầu Sài Gòn 2 của PMC xem ra không còn khả thi, vì từ cầu Sài Gòn 2 đến trạm thu phí xa lộ Hà Nội chỉ cách nhau khoảng 2km, người dân không thể chấp nhận cảnh “một cổ hai tròng” - tức có đến 2 trạm thu phí.

Lại một lần nữa vội vàng

Với lý do phương thức đầu tư BOT xây dựng cầu Sài Gòn 2 của PMC không phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế, thành phố thay đổi hình thức đầu tư sang BT (xây dựng - chuyển giao). Và ngày 30.6.2010, UBND Tp.HCM có văn bản chấp thuận chủ trương cho PMC tiếp tục làm chủ đầu tư dự án cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT. Tuy nhiên, một lần nữa thành phố lại chấp thuận khá vội vàng.

Bởi vì, thực tế vào ngày 10.5.2010, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) - Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đề xuất với thành phố cho CC1 nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT. Và, theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP - ngày 27.11.2009 của Chính phủ, quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT, khi dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.

Như vậy, lẽ ra phải đấu thầu chọn nhà đầu tư cầu Sài Gòn 2, thành phố lại giao cho PMC đầu tư.

Sau đó, vào khoảng đầu tháng 7.2010, thêm một nhà đầu tư khác là CII cũng đề xuất đầu tư cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT. Trước tình hình có tổng cộng 3 nhà đầu tư, mới đây, thành phố mới có văn bản chuyển từ việc giao cho PMC làm chủ đầu tư sang hình thức tuyển chọn nhà đầu tư cầu Sài Gòn 2.

Qua những sự việc trên cho thấy, nếu ngay từ giai đoạn đầu năm 2008, các cơ quan tham mưu cho UBND Tp.HCM xem xét và cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn phương thức đầu tư (BT thay thế cho BOT) cũng như lựa chọn nhà đầu tư, thì đến nay cầu Sài Gòn 2 có thể đã sắp hoàn thành.

(Theo Lao Động)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!