Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chủ đầu tư chung cư Hùng Vương: Đem con bỏ chợ?

Hàng chục người dân chiều qua kéo đến trụ sở Công ty XD - TM Sài Gòn 5, chủ đầu tư dự án Hùng Vương Plaza (Tp.HCM), yêu cầu công ty này thực hiện nghĩa vụ của mình với người dân như sớm giao giấy chủ quyền căn hộ, phân định tài sản chung riêng, cách quản lý toà nhà…

Ông Trần Công Khanh, Trưởng ban quản trị chung cư Hùng Vương Plaza, bức xúc: “Công ty Hùng Vương quản lý tòa nhà quá tuỳ tiện, muốn thu tiền bao nhiêu là thu, quản lý như thế nào thì quản lý… mà không bao giờ hỏi ý kiến cư dân, những người bỏ tiền ra thuê họ”.

Ngoài ra, theo ông Khanh, công tác vận hành toà nhà cũng có nhiều bất cập như vệ sinh kém, máy phát điện quá ồn và thải ra khí độc hại, công tác bảo trì toà nhà bên ngoài không được thực hiện…

 
Cư dân chung cư Hùng Vương trình bày bức xúc. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Thêm tiền, giảm tiện ích

Theo phản ánh của anh Nguyễn Thông Hiệp, chủ căn hộ 1102 A, trong hợp đồng hứa mua hứa bán, chủ đầu tư cam kết có hầm để xe và sân thượng, nhưng nay xén một phần diện tích này làm 4 căn hộ penthour để kinh doanh mà không thông báo cho dân biết. Còn hầm để xe, do quá nhỏ nên luôn trong tình trạng quá tải, cư dân phải đem gửi ở ngoài, vừa tốn kém lại thiếu an toàn.

“Khi giới thiệu dự án, chủ đầu tư đã vẽ ra rất nhiều tiện ích nên chúng tôi mới bỏ tới gần 5 tỷ đồng để mua một căn hộ tại đây. Nhưng nay gần như tất cả các diện tích đều bị xén bớt, thậm chí có hạng mục bị cắt luôn”, anh Hiệp bức xúc.

Những người mua nhà ở đây cho biết thêm, họ đã đóng tiền mua căn hộ đến 95% từ 2 – 3 năm trước nhưng đến nay chủ đầu vẫn chưa giao giấy chủ quyền nhà như đã hứa trong hợp đồng. Được biết, hiện người dân đã gần như đóng hết tiền sử dụng đất khoảng hơn 100 triệu đồng cho chủ đầu tư từ hơn một năm nay để làm giấy tờ này.

“Nhà tôi đã dọn về ở hơn 3 năm nay nhưng vẫn chỉ có hợp đồng ký tạm. Tôi thấy rất bất an với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp này”, anh Hiệp nói.

Không những vậy, khi bàn giao, diện tích của đa số căn hộ đều tăng từ 6 – 9 m2 so với hợp đồng ký kết ban đầu, khiến cư dân phải nộp thêm một khoản tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng. “Chủ đầu tư thay đổi thiết kế diện tích mà không hề báo với dân, chúng tôi cảm nhận như mình bị lừa”, chị Hồng Thị Chi phàn nàn.

Tùy tiện thay đổi

Được biết, dự án Hùng Vương Plaza được phê duyệt vào năm 1993 làm khách sạn và trung tâm thương mại. Tuy nhiên, sau đó đổi công năng làm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp, gồm 276 căn hộ. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xin được xây dựng thêm 4 căn hộ penthour trên sân thượng để kinh doanh, thay vì làm nơi sinh hoạt cho cộng đồng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã liên kết với các đối tác mà đại diện là công ty Hùng Vương (hiện đang quản lý chung cư - PV).

Ông Đặng Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn 5, xác nhận, diện tích sân thượng nhỏ hơn so với lúc công bố ban đầu vì đã dùng một ít để xây căn hộ penthour. Không những thế, thiết kế, công năng của dự án cũng thay đổi nhiều, như thiết kế từ một sàn 8 căn hộ xuống còn 6 căn. “Diện tích căn hộ thay đổi là do việc triển khai dự án kéo dài, trong lúc đó có nhiều điều chỉnh. Diện tích khi ký hợp đồng tạm chỉ là diện tích trên bản vẽ, tạm tính, khi ra giấy chủ quyền thì đó mới là diện tích chính thức. Nếu căn hộ nào diện tích tăng thêm thì người dân phải nộp thêm tiền và ngược lại”, ông Tú phân trần.

Nguyên nhân khiến việc giao giấy chủ quyền căn hộ chậm trễ, theo ông Tú là do hiện kết quả kiểm định môi trường chưa có, gặp trục trặc ở khâu vận hành máy phát điện… “Chúng tôi cũng tích cực nỗ lực, nhưng không thể quyết ngay được, phải mất khoảng 10 – 12 tháng mới có giấy”, ông Tú nói.

Theo Đất Việt

  • Thị trường BĐS Hà Nội: Đã lắng những cơn sốt ảo
  • Thị trường bất động sản diễn biến phức tạp
  • Nở rộ dịch vụ tìm nhà đất qua mạng
  • Xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại KĐT mới Sài Đồng
  • 64 nhà cao tầng Hà Nội được tiếp tục xây dựng
  • Trung Quốc: Làm việc 25 năm mới mua được 1 căn hộ
  • Nhà không phép sau ngày 1-7-2004: Nhiều nơi bắt đầu cấp giấy
  • Vì sao giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ 3 năm?
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!