Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chưa có hành lang pháp lý xử lý gần 700 biệt thự bỏ hoang

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa công bố kết quả kiểm tra sơ bộ đối với 16 dự án của 11 chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội đã đi vào hoạt động, cho thấy số lượng các biệt thự bỏ hoang, chưa hoàn thiện chiếm tới 35% (khoảng gần 700 căn), 10% số nhà liền kề chưa hoàn thiện để ở và 10% số chung cư cao tầng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Do đầu cơ

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều ngày 20.4, một quan chức thuộc Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo kết quả kiểm tra sơ bộ nêu trên, tổng số có khoảng 2.684 căn biệt thự của 16 dự án đã được bàn giao cho người mua từ những năm 2006-2007, trong đó có 1.743 căn đã đưa vào sử dụng (chiếm tỉ lệ 65%), còn lại 698 căn (tỉ lệ gần 35%) đang bị bỏ hoang, không có người đến ở.


Lý do chính của tình trạng tỉ lệ nhà biệt thự bỏ hoang nhiều nhất so với nhà liền kề và chung cư chủ yếu là do người dân mua để đầu tư, tích trữ. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác từ phía chủ đầu tư các dự án đã không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Vì thế, ở nhiều dự án người mua ngại đến ở vì hoặc quá xa trung tâm, điều kiện hạ tầng thiếu thốn, các tiện ích phục vụ cho sinh hoạt đều không được đáp ứng như nhà ở không đi kèm với đường sá giao thông thuận tiện.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, là bên cạnh hiện tượng đầu tư để kiếm lời từ biệt thự xây thô, cũng có nhiều người mua đã có nhà ở nơi khác, mua với mục đích “của để dành” khi con cái họ chưa đủ trưởng thành nên chưa có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, lý do này không nhiều.

Méo mó thị trường BĐS

Theo quan chức Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, tình trạng hàng trăm biệt thự bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng trong khi nhu cầu về đất ở, nhà ở của đại đa số người dân bị hạn chế đang là bất cập lớn làm méo mó thị trường BĐS và là sự lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất đai.

Đó là chưa kể việc bỏ hoang quá lâu, không có chế tài buộc người dân phải hoàn thiện các bất động sản này đã làm cho bộ mặt các khu dân cư mới rất mất mỹ quan, ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho việc buộc các chủ nhà phải hoàn thiện để đưa vào sử dụng đang bị bỏ ngỏ nên hầu như sẽ không xử phạt được hành vi này.

Ông cho biết: “Khoản 2, Điều 5 Luật Nhà ở quy định việc bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, có nêu: “Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hoá. Trường hợp thật cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng nhà ở thì Nhà nước bồi thường cho chủ sở hữu nhà ở theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán và tạo điều kiện để họ tạo lập nhà ở khác”. Như vậy, trong trường hợp người dân mua nhà với mục đích để ở, Nhà nước không có quyền trưng dụng, nếu không vì các lý do nêu trên.

Để xử lý cho vấn đề này, có 2 hướng được ông đưa ra. Thứ nhất là Nhà nước cần nhanh chóng có quy định để chủ sở hữu nhà phải hoàn thiện nhà, ra thời hạn để hoàn thiện. Nếu sau thời hạn này, chủ sở hữu nhà không hoàn thiện sẽ bị xử phạt hành chính vì làm mất mỹ quan đô thị. Biện pháp thứ hai căn cơ hơn là Nhà nước nghiên cứu nhằm sớm ban hành chính sách đánh thuế đối với BĐS là nhà ở. Đây chính là biện pháp hiệu quả mà nhiều nước đã áp dụng thành công nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS. “Chính sách đúng sẽ điều tiết thị trường, trong khi Nhà nước không cần ra mệnh lệnh hành chính để hạn chế đầu cơ” - ông nói.

(Báo Lao Động)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!