Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điểm “nóng” về vi phạm đất đai đã "hạ nhiệt"

 Chỉ cách đây vài năm, phường Yên Phụ là một trong những điểm “nóng” về vi phạm đất đai, trật tự xây dựng của Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian gắn cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành, phường đã dần “thoát” khỏi danh sách "đen” về trật tự xây dựng.

1 năm, cưỡng chế hàng trăm hộ vi phạm

Do đặc điểm địa hình phường phức tạp (một phần lớn phía ngoài đê), thêm yếu tố lịch sử, trước kia, người dân Yên Phụ ngoài buôn bán nhỏ còn có nghề trồng hoa, nuôi cá cảnh, nghề làm hương đốt… nên tình trạng quản lý đất và trật tự xây dựng trên địa bàn phường Yên Phụ khá phức tạp.

Thời điểm hiện tại, dù chỉ còn ít hộ vẫn theo nghề, nhưng cùng với quá trình đô thị hóa không chỉ đất thổ cư, mà ngay cả đất nông nghiệp có “sổ đỏ”, hay đất nông nghiệp xen kẹt trong các khu dân cư cũng tăng giá chóng mặt.

Đất đai giúp người dân đổi đời, nhưng điều này đã từng khiến chính quyền cơ sở phải đau đầu trong công tác quản lý. Sức hút lợi nhuận từ đất khiến không ít người dân… làm liều.

Một vài năm trước, đất công, đất nông nghiệp do “lỏng” quản lý, nên những vi phạm diễn ra khá phức tạp. Quá trình lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, san lấp mặt bằng, tiếp theo đó là dựng nhà cấp 4 được thực hiện rất nhanh. Lực lượng cán bộ phường mỏng, địa bàn rộng khiến công tác xử lý khó triệt để.

Cưỡng chế giải tỏa đất nông nghiệp bị chiếm dụng

Có thời điểm, những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn phường Yên Phụ, đã trở thành điểm “nóng” trong thành phố. Hàng loạt những vụ đụng độ giữa người dân với cơ quan quản lý như vụ hộ ông Nguyễn Minh Hùng (làng Yên Phụ) dù xây dựng sai phép, nhưng khi hai cán bộ  quản lý trật tự xây dựng phường đến công trình để tống đạt quyết định đình chỉ thi công đã bị con trai ông Hùng xông vào tấn công.

Hay như vụ Phó Chủ tịch phường Yên Phụ bị “tập kích” bằng gạch (năm 2008), khi ông này đang cùng tổ công tác quản lý trật tự xây dựng của phường kiểm tra các công trình xây dựng trái phép tại khu vực bãi An Dương…

Xác định những tồn tại, khó khăn của địa bàn, ngay từ cuối năm 2009, Đảng ủy - UBND phường Yên Phụ đã quyết tâm tập trung các biện pháp “xóa” công trình xây dựng không phép, sai phép, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ trong thời gian từ tháng 9/2009 đến nay, UBND phường Yên Phụ đã nỗ lực giải tỏa hàng trăm điểm “nóng” trên địa bàn.

Sự vào cuộc đồng bộ

“Trong lịch sử thì có cả nghề nông nghiệp, nhưng bây giờ người dân không còn nhu cầu về trồng cây trên đất nông nghiệp nữa mà chỉ còn nhu cầu xây nhà trên đất nông nghiệp” - ông Hoàng Mạnh Khương - Chủ tịch UBND phường Yên Phụ chua chát nhìn nhận về nguyên nhân những tồn tại lâu nay trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Theo ông Khương, vi phạm xây dựng ở phường Yên Phụ có hai dạng chính là không phép và sai phép. Với những công trình sai phép còn dễ chấn chỉnh, còn không phép, giải quyết hết sức khó khăn.

Rút kinh nghiệm từ thực tế, với những công trình xây dựng sai phép, không phép. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương đã gặp gỡ vận động, thuyết phục và tiến hành giải tỏa, dỡ bỏ. Có những hộ tự nguyện chấp hành nhưng cũng có không ít những trường hợp chây ì thiếu hợp tác.

“Cưỡng chế người dân trí thấp đã khó, người có trình độ còn khó hơn nhiều” ông Khương tâm sự. Điều này dẫn chứng trong vụ việc xây dựng công trình không phép tại số 31 ngõ 292 Nghi Tàm, dù đây là đất nông nghiệp, nhưng chủ hộ vẫn tiến hành cơi nới, mở rộng. Mặc dù phường đã nhiều lần xuống đình chỉ thi công. Tuy nhiên, hộ này vẫn cố tình không thi hành, thậm chí hiện tại đã công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Hiện trạng cũ số nhà 31

  
 công trình đã hoàn thiện

Theo cán bộ phường “cái khó” trong việc giải quyết là phải tiến hành theo đúng trình tự, quy trình của pháp luật. Khi phát hiện ra công trình xây dựng sai phạm tại ngõ 292, cán bộ TTXD phường đã xuống hiện trường lập biên bản đình chỉ thi công, công trình tạm dừng. Nhưng chỉ đợi cán bộ đi, chủ hộ lại tiến hành xây dựng. Ngay cả những biện pháp như cắt điện, cắt nước, trục xuất thợ thi công ra khỏi công trình vi phạm cũng đã được áp dụng… nhưng công trình này vẫn lừng lững hoàn thiện.

“Thậm chí dưới cán bộ phường sở tại còn phản ánh lên phường rằng chúng tôi bao che. Rồi đơn kiện lên phường, đơn kiện cảnh sát khu vực… Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng mình làm đúng và chúng tôi sẽ nhất định cưỡng chế hộ này để làm gương cho các trường hợp khác” – chủ tịch Hoàng Mạnh Khương nhấn mạnh.

Ngoài chủ trương quyết liệt, chấp hành đúng pháp luật trong công tác cưỡng chế, giải tỏa công trình sai phép, không phép; biện pháp mà lãnh đạo phường Yên Phụ đề ra để lập lại trật tự xây dựng địa bàn, là luôn bám sát các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự xây dựng. Nguyên tắc đầu tiên là nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp. Đối với trường hợp đủ điều kiện để xây dựng trên đất thổ cư, cơ quan chức năng phải nhanh chóng xem xét, giải quyết cho người dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, tuy đã có chuyển biến song số trường hợp vi phạm ở Yên Phụ vẫn còn. Về điều này, phía phường khẳng định “Với những trường hợp không chấp hành, phường sẽ trực tiếp hoặc đề xuất lực lượng chức năng của quận tiến hành cưỡng chế dứt điểm”. Thiết nghĩ, đây là cách làm quyết liệt, đúng thời điểm bởi chỉ có xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm mới tạo ra được sự công bằng giữa các hộ dân, lập lại trật tự kỷ cương đô thị ở vùng đất “nóng” này.

(Theo VnMedia)

  • Nhiều khu nhà tập thể chờ… sập
  • Phú Yên: Xử lý các cán bộ cấp tỉnh do sai phạm về nhà đất
  • Thị trường căn hộ cho thuê tại Tp.HCM lại sôi động
  • Căn hộ cao cấp Hà Nội: Giá cao, cầu thấp
  • Hà Nội: Bán 300 căn hộ cho người thu nhập thấp trong quý I/2011
  • Một công ty địa ốc bị tố chiếm đoạt hàng triệu USD
  • Hai “đại gia” bắt tay xây nhà ở xã hội
  • TP Hạ Long: Vi phạm xây dựng nghiêm trọng
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!