Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dò đá sang sông

Trong khi các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản đang vật lộn với khó khăn do siết tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, thì cũng là lúc nhiều người bật ra câu hỏi “khi nào tình hình sáng sủa?” và dò đoán tìm câu trả lời. Người có trong tay bất động sản muốn biết điều này để đi đến quyết định tiếp tục giữ nhằm tìm kiếm lợi nhuận hay “đẩy” để cắt lỗ. Người có vốn tìm thời điểm sáng sủa để tham gia thị trường theo kiểu “bắt đáy”, sao cho mua được giá rẻ nhất và thu lợi cao nhất...

Câu chuyện dò đá sang sông đã và sẽ còn được nhiều người bàn tới. Thế nhưng làm thế nào tìm thấy đá để qua sông an toàn mà vẫn bảo toàn lực lượng lại phụ thuộc vào hành động, đánh giá diễn biến thị trường của từng nhà đầu tư.

Với các chuyên gia kinh tế, một số lại cho rằng kịch bản từng diễn ra vài năm trước sẽ khó lặp lại. Kịch bản cũ là sau siết, ngân hàng lại cho vay giúp bất động sản phục hồi cả về giá và mãi lực.

Như năm 2008 do lạm phát cao Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ, tăng dự trữ bắt buộc, đẩy lãi suất lên cao..., thị trường bất động sản giảm mạnh. Năm 2009 do khủng hoảng tài chính thế giới, Nhà nước kích cầu, nhiều ngân hàng đổ vốn vào bất động sản thông qua chương trình cho vay trả góp mua nhà, đất nền 15-20 năm giúp thị trường phục hồi.

Lúc này tình hình cũng đang diễn ra tương tự. Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt tiền tệ nhưng kịch bản cũ khó lặp lại. Theo một số chuyên gia kinh tế, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đã đưa ra thông điệp chuyển tăng trưởng kinh tế từ lượng qua chất, không chạy theo số lượng tăng trưởng. Với thông điệp này, tín dụng, nhất là với bất động sản, được thắt chặt. Các năm trước tăng tín dụng không dưới 25%/năm thì năm 2011 chỉ dưới 20%/năm.

Đặc biệt, tín dụng phi sản xuất được xem là nguyên nhân tạo ra bong bóng giá bất động sản những năm qua cũng được ép xuống dưới 16% tổng dư nợ cho vay. Ngân hàng nào đã cho vay vượt phải giảm dần, nếu không sẽ bị chế tài phải tăng dự trữ bắt buộc. Như vậy, tới đây ngân hàng vẫn phải thu bớt chứ không đổ thêm vốn vào bất động sản.

Trước mắt đã khó, về lâu dài bất động sản cũng khó nhận được nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng như trước. Một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra kịch bản ba năm để đưa lạm phát về một con số. Như vậy tín dụng, trong đó có phi sản xuất, sẽ tiếp tục được kiểm soát. Không có thêm tiền đổ vào, lực cầu về bất động sản khó hồi phục, vì thế giá khó giữ chứ nói chi là tăng nóng.

Một nhà kinh doanh bất động sản khi nghe nhận định về khả năng khó tiếp cận vốn ngân hàng trong vài năm tới nói rằng khi đã “dò đá sang sông” thì không thể bỏ qua thông tin điều chỉnh quan trọng trong điều hành chính sách vĩ mô. Nếu siết tín dụng, kịch bản giá bất động sản giảm năm trước, năm sau tăng mạnh khó lặp lại.

  • Thị trường BĐS tê liệt - Bài 2: Bong bóng chỉ xì chứ không nổ
  • Loạn đầu tư chung cư ở Hà Nội
  • Vạn người bán, trăm người mua
  • Ế ẩm, “chợ” đất Hà Nội biến thành “chợ” cho vay nặng lãi
  • Phân lô, bán nền khiến hàng loạt dự án bị bỏ hoang
  • Nhà đất vào mùa "sale off"
  • Khổ vì đất nền
  • Những khu đô thị vô chủ
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!