Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá đất biến động do đâu?

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, giá đất biến động nguyên nhân do chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, Nhà nước lại không được hưởng lợi từ điều này.

- Cơ quan quản lý cho rằng, tiền thu từ thuế đất thấp, trong khi doanh nghiệp lại cho hay, Nghị định 69 khung thuế quá cao. Quan điểm của ông thế nào? Giá đất mới chỉ bằng 30-60% giá thị trường, nó sát giá thị trường chưa?

Tôi cho rằng phải tổng kết đánh giá lại, xem doanh nghiệp hay là cơ quan quản lý đúng. Nhưng nhìn chung vẫn phải là áp giá thị trường. Vấn đề là giá nào thôi.

Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ làm khung, còn giá cụ thể là do Bộ Tài chính. Phải xác định xem giá thị trường là giá nào, giá 1 tỷ một m2 ở thị trường Hà Nội thì thực sự có đúng hay không? Phải xem phương pháp định giá hiện nay cái gì được, cái gì chưa được để điều chỉnh. Đội ngũ tư vấn phải xem xét, nâng cao trình độ lên. Giá thị trường là phải thông qua giao dịch, giao dịch của mình là giao dịch ngầm, chưa công khai minh bạch nên nếu dựa trên cơ sở đánh giá 30-60% mới chỉ là cảm tính, chưa định lượng rõ.

Đợt này sẽ phải kiểm tra xem xét lại, trên cơ sở đó phải chỉnh sửa cho hoàn chỉnh, cái gì được và chưa được kể cả luật cũng như văn bản hướng dẫn. Tất nhiên đất đai là vấn đề phức tạp, phải có thời gian chứ không phải một lúc có thể làm được tất cả.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển

- Chủ trương giá thị trường khá lâu, nhưng khi thu hồi đất vẫn áp giá cũ. Người dân phản đối vì giá quá thấp, thưa ông?

Ở khu vực giá đất thấp, Nhà nước vẫn có hỗ trợ cho người dân từ 1-1,5 lần. Nơi nào giá thấp thì nâng tỷ lệ hỗ trợ cao lên. Nơi nào sát giá thị trường thì tỷ lệ thấp xuống. Nếu người dân cứ đòi cả phần bồi thường và phần hỗ trợ cao thì không đúng. Một trong những cái địa tô, giá trị đất tăng lên chủ yếu do Nhà nước. Nhà nước thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng, cơ sở hạ tầng thì giá lên. Đáng lẽ phần đó Nhà nước phải được hưởng chứ.

- Khiếu kiện đất đai ở cơ sở nhiều do quản lý yếu kém hay chính sách thưa ông?

Khiếu kiện chủ yếu là do quy hoạch kéo dài từ nhiều năm. Nếu chúng ta cứ hồi tố thì rất khó, tất nhiên phải xem xét cụ thể từng dự án. Chính sách về đất đai đối với người dân càng ngày càng cởi mở, thỏa đáng hơn. Dự án cũ và mới có sự chênh lệch. Nguyên tắc của mình là không hồi tố. Dân do ý thức pháp luật cứ đòi hỏi. Khiếu kiện chủ yếu rơi vào các dự án đã triển khai rồi, bởi những dự án mới về cơ bản là tốt. Còn các dự án cũ phải xem xét. Dự án cũ lại đòi giá như dự án mới thì không được. Nếu thế thì lộn xộn hết.

- Nhiều địa phương kiến nghị, việc định giá đất 5 năm một lần thay vì công bố hằng năm như hiện nay thì ý kiến của bộ như thế nào?

Bộ sẽ xem xét, nhưng có lẽ cũng phải có thời hạn dài hơn một chút. Có thể là 3-5 năm. Trong thời gian này, nếu vượt 20% thì cho điều chỉnh. Nhiều địa phương hiểu chưa rõ, không phải cứ hàng năm công bố giá là đi làm lại giá toàn bộ. Công bố có thể ổn định. Chứ không phải làm lại tất cả.

- Tại sao giá đất ở Hà Nội lại vọt lên cao thế thưa ông?

Khung giá do Bộ Tài nguyên Môi trường soạn thảo, còn giá cụ thể là do Bộ Tài chính. Hiện chủ yếu việc định giá đất nông nghiệp được tính theo thu nhập, tức là đầu tư trên đất đó thì được bao nhiêu tấn thóc, trừ chi phí đi thì ra lợi nhuận nên nếu thế thì đúng là giá đất nông nghiệp ở mọi nơi đều giống nhau. Nếu đất ở Hà Nội làm ra 15 tấn thì Hải Phòng cũng thế. Hà Nội chi phí cao hơn thì có thể lợi nhuận thấp hơn. Vấn đề là lợi thế. Người ta mua đất đó để làm cây xăng, làm nhà hàng thì mới có giá cao.

Đất nông nghiệp đang có tình trạng đó. Cứ bảo đất nông nghiệp là thấp nhưng thực ra không phải. Mua đất đó để làm nông nghiệp thì hợp lý, nhưng bà con cứ nghĩ mua giá này để mà làm nhà hàng khách sạn thì không phải. Giá đất nông nghiệp thì chỉ để làm nông nghiệp. Còn giá đất nông nghiệp mà sang phi nông nghiệp thì giá lại là phi nông nghiệp rồi. Mà cơ quan nhà nước cho phép thì mới làm được.

- Tiền thu thuế từ đất đối với doanh nghiệp vẫn chưa đủ. Nếu Bộ thu đủ, doanh nghiệp không có lãi. Vậy doanh nghiệp đang được hưởng lợi?

Có doanh nghiệp được hưởng, có doanh nghiệp không. Hiện mình vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

- Nhiều doanh nghiệp thuê đất sau đó cho thuê lại để hưởng mức chênh lệch. Bộ giải quyết tình hình này thế nào, thưa ông?

Thủ tướng đã có chỉ thị 134 rồi, đang kiểm tra và sẽ xử lý. Trường hợp nào sử dụng không đúng mục đích thì sẽ phải thu hồi. Nếu áp giá chưa đúng thì phải xem lại. Đúng là thực tế có tình trạng Nhà nước cho thuê một năm thì bằng người ta thuê 2 tháng. Bộ đang yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình kiểm tra toàn bộ đất công.

Xin cảm ơn ông!

Kiên Trung lược ghi // VietnamNet

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!