Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Nội có ưu ái doanh nghiệp bất động sản?

Hà Nội có ưu ái doanh nghiệp bất động sản?
 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: “Chúng ta không thể chỉ nói theo lý thuyết như thế mà lại không xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm xã hội của UBND thành phố đối với người dân".

“Trách nhiệm của UBND thành phố và các cơ quan quản lý Hà Nội đến đâu, khi có tình trạng rất nhiều doanh nghiệp bất động sản gần như tay không bắt giặc, chiếm dụng vốn ngân hàng, của người dân để có những lô đất đẹp rồi để đấy?”

Câu hỏi trên được đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Hà Nội gửi tới Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng, tại phiên chất vấn trực tiếp sáng 5/7.

Theo ông Nam, sở dĩ cử tri quan tâm đến vấn đề này vì thực tế, Hà Nội hiện nay đang “nóng” chuyện hàng trăm người dân góp vốn cho chủ đầu tư dự án để mua nhà, nhưng chủ đầu tư lại chậm triển khai dự án, khiến khiếu kiện, tố cáo đang có xu hướng ngày càng tăng, quyền  lợi người dân bị xâm phạm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, chủ đầu tư lại báo cáo lên là khó khăn để xin ưu đãi, giảm, giãn hoãn các loại thuế, phí, đặc biệt là tiền sử dụng đất.

Trả lời chất vấn này, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng, thừa nhận có tình trạng các chủ đầu tư thu tiền của khách hàng nhưng chưa nộp cho nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính cũng như Nghị quyết 02 của Chính phủ, thì với các doanh nghiệp đang thua lỗ sẽ được gia hạn tiền sử dụng đất.

Lãnh đạo UBND Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, thực tế trên có nguyên nhân không nhỏ do thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp không bán được hàng, buộc phải nợ tiền sử dụng đất.

Thậm chí, theo ông Tưởng, có không ít trường hợp, doanh nghiệp vì quan hệ, uy tín vẫn phải báo lãi, nên cơ quan thuế thuế vẫn phải ra quyết định thu thuế, song thực tế doanh nghiệp không có tiền nộp.

Câu trả lời của Phó chủ tịch UBND Hà Nội không được đại biểu Nguyễn Hoài Nam đồng tình. “Chúng ta không thể chỉ nói theo lý thuyết như thế mà lại không xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm xã hội của UBND thành phố đối với người dân. Đó là chưa kể trách nhiệm của thành phố đối với việc lựa chọn chủ đầu tư, năng lực thực hiện dự án…”, đại biểu Nam chất vấn.

Cũng theo đại biểu Nam, hiện nay trên thị trường bất động sản đang bắt đầu bộc lộ sự khác biệt giữa chủ đầu tư thực sự và chủ đầu tư làm ăn chụp giật. Tranh chấp đang ngày càng nhiều, nếu không có giải pháp khắc phục thì an ninh xã hội của Hà Nội chắc chắn sẽ có vấn đề.

Cùng với đại biểu Nam, đại biểu Nguyễn Xuân Diên chất vấn: có trường hợp một doanh nghiệp làm nhiều dự án, có dự án có lãi, có dự án thua lỗ, nhưng lại cho giãn, hoãn thuế đối với cả doanh nghiệp. Thậm chí có doanh nghiệp được giãn tới ba lần.

Đại biểu này đặt thêm câu hỏi, “trường hợp doanh nghiệp có lãi và có nhu cầu giãn, hoãn tiền thuế thì có được giải quyết không, vì theo luật pháp thì các doanh nghiệp phải công bằng trong thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi?”.

Trở lại bục dành cho người trả lời chất vấn để trả lời, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho hay, khi triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành xem xét việc cho giãn, hoãn thuế theo quy định.

Và theo vị Phó chủ tịch Hà Nội, “việc tháo gỡ khó khăn phải triển khai kịp thời, nên thành phố cũng chỉ đủ thời gian để kiểm tra trên giấy tờ, còn việc hậu kiểm sẽ triển khai sau”.

Lãnh đạo Hà Nội cũng nhắn nhủ các đại biểu, “nếu có phát hiện ra tình trạng thu tiền của khách hàng mà không triển khai dự án, trốn nợ ngân sách thì xin cung cấp thông tin để chúng tôi xử lý”.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Xuân Diên, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho hay, với việc giãn, hoãn tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, dù họ có nhiều dự án khác nhau thì cũng phải căn cứ vào báo cáo tài chính của toàn doanh nghiệp, thành phố không áp dụng giãn, hoãn cho từng dự án.

Riêng chuyện chủ đầu tư có lãi muốn giãn, hoãn tiền thuế, ông Tưởng thừa nhận đây là vấn đề đang vướng mắc, vì Nghị quyết 02 của Chính phủ chỉ nói rằng “giãn, hoãn cho doanh nghiệp khó khăn”, nhưng Thông tư 16 của Bộ Tài chính quy định chặt hơn là “doanh nghiệp khó khăn về tài chính, tức phải đang thua lỗ mới được giải quyết”.

Tuy nhiên, theo ông Tưởng, quan điểm của UBND thành phố Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp có lãi chưa hẳn là không khó khăn.

(Theo Vneconomy)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!