Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Nội “duyệt” dự án đầu tiên chuyển sang nhà ở xã hội

Hà Nội “duyệt” dự án đầu tiên chuyển sang nhà ở xã hội
Phối cảnh dự án SDU 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận dự án nhà ở thương mại đầu tiên trên địa bàn chuyển sang kinh doanh theo phương thức nhà ở xã hội.

Trong công văn gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sông Đà (SDU) ngày 27/5, UBND Thành phố cho biết, sau khi nhận được đề xuất xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang mục đích kinh doanh nhà ở xã hội của SDU đối với toà nhà SDU – 134 Trần Phú, Hà Đông, UBND Thành phố đã xem xét và chấp thuận đề nghị trên.

Theo đó, SDU được đầu tư dự án 143 Trần Phú, Hà Đông (khu đất bến xe Hà Đông cũ) với mục đích kinh doanh nhà ở xã hội bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước.

Chủ đầu tư được phép xây dựng một toà nhà cao 35 tầng, với quy mô 512 căn hộ, tổng diện tích sàn hơn 48 nghìn m2, trong đó chủ đầu tư phải bố trí tầng 2, 3 làm nhà trẻ, mẫu giáo, khu y tế, thể dục thể thao để phục vụ các cư dân trong toà nhà.

Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp điện, nước, thoát nước, sân chơi, cây xanh theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.

Dự án SDU 143 Trần Phú, Hà Đông có tổng diện tích là 11.370m2, với 2 toà nhà cao 45 tầng và 35 tầng. Tổng căn hộ dự kiến ban đầu của cả hai toà chỉ là khoảng 486 căn, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng, riêng vốn đầu tư của toà 35 tầng là hơn 507 tỷ đồng, trong đó chủ yếu sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay ưu đãi của Chính phủ về xây nhà cho người thu nhập thấp.

Khi dự án hoàn thành (vào năm 2015), SDU phải bán cho người thu nhập thấp theo quy định của Thành phố.

Như vậy, với quyết định này, công trình SDU 143 Trần Phú, Hà Đông là dự án đầu tiên của Hà Nội được chính thức chấp thuận chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Ngoài dự án này, hiện còn  có 2 dự án khác là khu nhà ở Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long cũng đã được thành phố chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn còn có 12 dự án khác cũng đã đăng ký xin được chuyển đổi, như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) ngoài 1.000 căn nhà thu nhập thấp tại dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh) cũng xin công bố chuyển đổi dự án Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai), dự án Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) của Vinaconex cũng xin chuyển sang nhà ở xã hội…

Dự kiến trong năm 2013 này, Hà Nội sẽ cấp phép chuyển đổi cho khoảng 10 dự án, trong đó, quý 2/2013 cố gắng khởi công 5 - 6 dự án nhà ở xã hội chuyển đổi.

(Theo Vneconomy)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!