Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Nội mạnh tay với nhà siêu mỏng, siêu méo

Nhằm lập lại bộ mặt đô thị, xoá các nhà siêu mỏng, siêu méo đang làm mất mỹ quan thành phố, thực hiện quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 15/2011/QĐ-UBND quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông.

Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn lấy làm căn cứ để rà soát, thống kê các trường hợp không đủ điều kiện, xử lý xong trước ngày 15.6.

Nhà dưới 15m2 sẽ hợp khối

Theo QĐ15 thì các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng là các thửa đất có diện tích dưới 15m2 và có kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3m. Theo đó, đối với các trường hợp trước đây đã có quy hoạch nhưng chưa thực hiện, phát sinh ra các thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, thì chính quyền quận, huyện, thị xã phải có trách nhiệm xử lý theo quy hoạch và quy định này.

Trường hợp chưa có quy hoạch xây dựng, mà xuất hiện các mảnh đất quá nhỏ, không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, thì chính quyền có trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch và tổ chức xử lý theo quy hoạch được duyệt. Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn theo 3 hình thức: Cho phép chủ sử dụng đất thực hiện việc hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà, đảm bảo các điều kiện về mặt bằng theo quy định; tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho phép chủ sử dụng đất được tổ chức khai thác, sử dụng thửa đất đúng mục đích và quy hoạch được duyệt.

Nếu Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Theo một quan chức Sở Xây dựng Hà Nội, cùng với quy định này, thành phố cũng vừa có công văn yêu cầu các quận, huyện, thị xã báo cáo về tình hình triển khai công tác xử lý các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo. Việc thống kê sẽ được phân loại thành 2 trường hợp: Các trường hợp phát sinh trước ngày 15.3.2005 (là thời điểm các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng có hiệu lực) và sau thời điểm này, chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn các chủ sử dụng đất thỏa thuận hợp khối thửa đất hoặc hợp khối nhà.

Trường hợp không thoả thuận được thì mới tổ chức thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch. Đồng thời với việc xử lý các trường hợp nhà siêu nhỏ nêu trên, thành phố cũng quy định các với chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng các dự án đường giao thông mới phải chủ động phối hợp với địa phương để tổng hợp, thống kê, xác định rõ ranh giới, diện tích các thửa đất tiếp giáp, nằm ngoài chỉ giới mở đường nhưng không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Diện tích những thửa đất này sẽ được đưa vào ranh giới thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền thu hồi cùng với thu hồi đất thực hiện dự án giao thông.

Khắc phục tồn tại cũ

Theo thống kê, Hà Nội có gần 300 nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại qua nhiều năm gây mất mỹ quan đô thị, song thành phố chưa xử lý được. Các quận: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình là nơi có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất. Tuy nhiên, qua nhiều năm vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo được các địa phương xử lý chưa dứt điểm.

TS Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - cho rằng, phải nhìn nhận nguyên nhân yếu tố chủ quan từ khâu giải phóng mặt bằng. Ở nhiều dự án, việc giải phóng mặt bằng vô hình trung tạo nên những mảnh đất quá bé nằm chình ình trước các thửa đất phía sau. Vì nhiều lý do, các chủ sử dụng không thống nhất được việc hợp khối, để chủ sử dụng phía sau được có mặt tiền với giá trị đất gấp nhiều lần. Có tình trạng các chủ sử dụng nhất định không chuyển đi do không thống nhất được mức đền bù, buộc phải xây dựng làm mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, quy định trong các văn bản pháp lý cũng chưa chặt chẽ để buộc các chủ sử dụng không được xây dựng trên những mảnh đất chỉ 15m2. Biện pháp duy nhất là chính quyền phải đứng làm trung gian xử lý việc hợp khối nhà, hoặc nếu không thỏa thuận được giữa các chủ sử dụng, thì Nhà nước đứng ra mua lại với giá đền bù thửa đất để sử dụng vào mục đích công cộng.
 
Đại diện Sở Xây dựng HN cũng thừa nhận, việc để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo kéo dài còn có nguyên nhân là việc xử lý vi phạm không nghiêm. Tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với các nhà xây không phép, sai phép vẫn còn phổ biến mà không có chế tài đủ mạnh để dẹp tận gốc. TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng, biện pháp căn cơ mà trước đây Tổng hội Xây dựng đã từng đề xuất và nay thành phố sẽ áp dụng đối với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường mới là khi giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần thống nhất quy định thu hồi thêm 50m hai bên đường để quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng.

Đối với những thửa đất còn lại quá bé thì phải thu hồi hết, với kinh phí bồi thường được bố trí trong nguồn vốn thực hiện dự án giao thông. Làm được điều này chắc chắn sẽ không tái diễn nhà siêu méo.

(Báo Lao Động)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!