Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kết quả kiểm tra biệt thự bỏ hoang: Chủ yếu là đầu cơ

Theo nguồn tin riêng của Diễn đàn Doanh nghiệp Online, sau gần 2 tuần Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành kiểm tra 16 dự án của 11 chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội thuộc các phân khúc nhà biệt thự, nhà liên kế, nhà chung cư thì được biết, số lượng biệt thự, chưa đưa vào sử dụng chiếm trên 30%.

Nguyên nhân chính khiến nhà ở biệt thự và nhà liên kế chưa đưa vào sử dụng chủ yếu do đầu cơ, để dành tích trữ (Ảnh: N.Lê)

Theo ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS, người trực tiếp đi kiểm tra dự án cho biết, trong 16 dự án tiến hành kiểm tra có khoảng 2684 căn biệt thự. Trong đó có 1743 căn đã đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 65%), còn lại khoảng 698 căn (chiếm tỷ lệ gần 35%) chưa đưa vào sử dụng.

Đối với các dự án nhà ở chung cư, hầu hết đã được xây dựng hoàn chỉnh, được lấp đầy (đưa vào sử dụng), còn dưới 10% là đang hoàn thiện do công tác GPMB chậm. Nhà liên kế, các dự án số lượng không nhiều nhưng tỷ lệ lấp đầy chiếm trên 80%, còn lại trên 10% là chưa hoàn thiện.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, nhà chung cư tại các dự án được người dân quan tâm đều phát huy hiệu quả ngay sau khi hoàn thành. Trong khi đó, số nhà biệt thự, nhà vườn chưa đưa vào sử dụng cao, quỹ đất và vốn đầu tư vào đây rất lớn gây lãng phí về tiền của người dân và xã hội.

Theo ông Thiện, lý do nhà ở biệt thự và nhà liên kế chưa đưa vào sử dụng chủ yếu do đầu tư, đầu cơ, để dành tích trữ. Đây là nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn do ở một số dự án, hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, trạm xá… chưa xây dựng đồng bộ, kịp thời. Một số dự án khác, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh: đường giao thông chưa thuận lợi, đường cấp nước thiếu, điện không ổn định, thâm chí ngập úng vào mùa mưa.

Tuy nhiên, ông Thiện cũng khuyến cáo các chủ đầu tư cần tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở các dự án. Bởi hầu hết các dự án vừa kiểm tra đã vượt quá thời hạn theo quyết định phê duyệt dự án, thậm chí có dự án vượt quá 5 – 7 năm. Người dân có các biệt thự, nhà liên kế chưa sử dụng phải hoàn thiện và đưa vào sử dụng theo đúng cam kết trong hợp đồng với chủ đầu tư.

Các cơ quan quản lý địa phương phải có biện pháp tuyên truyền vận động và biện pháp yêu cầu người dân và chủ đầu tư phải thực hiện cam kết của mình với hợp đồng và quyết định phê duyệt dự án. Phải đầu tư đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật liên kế với dự án để đảm bảo sự đấu nối liên thông giữa dự án với các đô thị hiện hữu.

Theo ông Thiện, trong thời gian tới cũng nên quan tâm đến việc phân bổ các phân khúc nhà: chung cư, biệt thự… cho phù hợp tại các dự án. Ví như giảm biệt thự, tăng chung cư, tùy vị trí mà áp dụng phù hợp với yêu cầu của xã hội, nhu cầu của người dân.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!