Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, thành phố đã rà soát và phát hiện hàng trăm dự án chậm tiến độ, còn gọi là dự án “treo”. Đồng thời, thành phố đang lập hồ sơ thu hồi hơn 364.000m2 đất được phát hiện có sai phạm nghiêm trọng.
- Có thông tin cho rằng thành phố có hàng trăm dự án “treo” nhưng tỷ lệ thu hồi rất thấp, chỉ 2-3 dự án với diện tích rất khiêm tốn, ông có bình luận gì?
- Trong gần 1 năm qua, UBND TP đã ra quyết định thu hồi đất của 7 đơn vị để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai hoặc không đủ năng lực để thực hiện dự án với tổng diện tích 30.597m2. Ngoài 7 dự án trên, UBND TP đã chỉ đạo Sở TN-MT lập hồ sơ thu hồi đất của 3 đơn vị khác sử dụng sai mục đích, để hoang hóa.
Bên cạnh đó, trong đợt kiểm tra gần đây nhất đối với 420 dự án được giao, cho thuê đất từ 1-1-2003 đến 31-12-2008, các đoàn kiểm tra của thành phố đã làm rõ 20 dự án (với tổng diện tích lên tới 364.097m2) có vi phạm nghiêm trọng tới mức phải thu hồi. Hiện nay, UBND TP đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương lập hồ sơ, củng cố căn cứ pháp lý để chỉ đạo cụ thể trong thời gian tới.
- Ông có thể nêu đích danh những dự án đã bị thành phố thu hồi?
- Diện tích được thu hồi lớn nhất (16.000m2) do chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện của nhà máy sản xuất các sản phẩm găng tay và may mặc, thuộc Công ty TNHH Hà Đông Việt Nam, nằm trong cụm công nghiệp thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Kế đó là dự án 6.900m2 đất để hoang hóa của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Gia Lâm (quận Long Biên).
Tương tự, hơn 4.300m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang của Công ty cổ phần Xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà (Gia Lâm) cũng được thu hồi. Ngoài ra, còn hàng loạt các đơn vị khác như Hợp tác xã Nông nghiệp Mỗ Lao (Hà Đông) bị thu hồi 2.341m2; Công ty cổ phần Đồng Tháp (quận Hoàn Kiếm) bị thu hồi 367m2; Công ty Du lịch Hà Nội bị thu 402m2 ở 15-17 Yên Phụ (Tây Hồ)...
- 20 dự án sắp bị thu hồi nằm ở các địa phương nào, thưa ông?
- Một số dự án do Sở TN-MT và Sở KH-ĐT đề nghị thành phố thu hồi. Số khác do chính các quận, huyện đề xuất. Có thể kể tới một số dự án ở quận Hai Bà Trưng, huyện Chương Mỹ, huyện Phú Xuyên...
Trong đó, dự án ở Phú Xuyên có diện tích chiếm đất lớn nhất, lên tới hơn 143.900m2. Vi phạm ở các dự án này cũng theo nhiều dạng, hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái pháp luật hoặc để đất bị lấn chiếm, tranh chấp... Theo chỉ đạo của thành phố, Sở TN-MT sẽ cùng các quận, huyện lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi theo quy định. Tinh thần chỉ đạo của thành phố là xử lý là quyết liệt, không có chuyện nương nhẹ.
- Kết quả kiểm tra 420 dự án có phát hiện ra những dự án chậm triển khai quá 24 tháng không, thưa ông?
- Có 7 đoàn thuộc các sở, ngành cùng tham gia kiểm tra. Kết quả phân loại cuối cùng cho thấy, có 11 dự án thực ra không thuộc diện “treo”. 103 dự án chậm GPMB nhưng trong quá trình kiểm tra, các ngành đã đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc nên tới nay đã xong GPMB. Chiếm số lượng lớn nhất (286 dự án) là các dự án chưa thực hiện GPMB hoặc đang GPMB dở dang nhưng bị chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan.
-Với 286 dự án được xác định là chậm tiến độ, hoặc có vi phạm nhưng chưa tới mức phải thu hồi, hướng xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đối với các dự án chậm tiến độ nhưng được tiếp tục triển khai, thành phố có thể gia hạn từ 6 tháng tới 1 năm so với yêu cầu tiến độ đã được duyệt trước đây để chủ đầu tư hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, cùng với đó, thành phố sẽ giao các sở, ngành, quận, huyện liên quan kiểm tra, đôn đốc chứ không có chuyện lơi lỏng.
- Trường hợp chủ đầu tư vẫn chây ỳ, đất vẫn bỏ hoang, không tăng được tiến độ thì sao, thưa ông?
- Sau thời gian được gia hạn tiến độ, nếu chủ đầu tư không có biện pháp hữu hiệu để thực hiện dự án thì đương nhiên các ngành sẽ lập hồ sơ, báo cáo thành phố thu hồi theo đúng quy định pháp luật.
(ANTĐ)