Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mơ về một Hà Nội "xanh"

 "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lần đầu tiên được công bố tại Hà Nội cuối tuần qua.

Theo Quy hoạch chung, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên)…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quản lý phát triển đô thị. Các Bộ, ngành theo chức năng chủ động phối hợp với UBND TP Hà Nội khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo lĩnh vực trên địa bàn Thành phố, phối hợp và hỗ trợ UBND Thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, hỗ trợ Hà Nội thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của mình trong việc thực hiện Quy hoạch chung.

"Nói 750 dự án phải đình hoãn là hơi vội vàng"

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân

Băn khoăn lớn nhất của tôi là việc thực hiện quy hoạch chung như thế nào trong những năm sắp tới. Hiện nay, Hà Nội đang làm 17 quy hoạch phân khu, dưới quy hoạch phân khu là quy hoạch chi tiết. Cùng với đó, Hà Nội cũng cụ thể hóa các quy định về quản lý, đặc biệt là các quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch. Quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch cụ thể đến từng công trình, từng đường phố.

Trong khi xây dựng Đồ án quy hoạch chung, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải rà soát cụ thể các đồ án và dự án. Khi mà quy hoạch chung đã được phê duyệt thì càng phải xem xét cụ thể hơn nữa, dưới đó là quy hoạch phân khu, các quy định về quản lý, quy chế quản lý kiến trúc mà Thành phố Hà Nội phải tiếp tục cụ thể hóa.

Nếu dự án nào, đồ án nào không đảm bảo các yêu cầu của quản lý mới phải dừng lại, phải điều chỉnh. Nếu như ngay bây giờ chúng ta nói rằng, 750 dự án phải đình hoãn, phải sửa đổi là hơi vội vàng. Khi tư vấn nghiên cứu quy hoạch đã xem xét tình hình, cập nhật các đồ án, dự án, một dự án nào đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt thì sẽ phải điều chỉnh. Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải nghiên cứu.

"Gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản Hà Nội"

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ

Quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt đã tháo gỡ một nút thắt quan trọng cho thị trường bất động sản Hà Nội do bị kìm nén và chờ đợi suốt gần 3 năm qua, kể từ tháng 10/2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội mở rộng. Đặc biệt, các dự án đã được phê duyệt ngay trước khi sáp nhập bị dừng lại để rà soát, nay được tiếp tục triển khai.

Điều đáng mừng nhất là với quy hoạch chung đã định hướng khá đầy đủ các không gian chức năng, các khu vực của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Với một định hướng rõ ràng và dài hạn như vậy sẽ giúp người dân và nhà đầu tư định hướng được các khu vực chức năng chính của Hà Nội như quy hoạch vành đai xanh, quy hoạch trung tâm tài chính, văn hóa, các quy hoạch về đường trục giao thông...

3 năm qua, nhiều người dân có nhu cầu mua nhà ở luôn lo lắng về việc nhà đất nếu mua liệu có bị dính vào quy hoạch hay có khả năng bị mất, bị thu hồi do phạm quy hoạch..., thì nay quy hoạch chung đã gỡ bỏ mối lo đó. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, quy hoạch này mới là quy hoạch định hướng về không gian, quy hoạch vùng, chưa phải là quy hoạch chi tiết 1/500 nên chỉ mang tính định hướng.

"Giá bất động sản sẽ giảm tiếp"

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội

Trong tất cả các quy hoạch Hà Nội xưa nay đều khẳng định Hà Nội có vành đai xanh. Việc đưa ra vành đai xanh là nhằm khống chế dân cư nội thành. Nhưng vành đai xanh của Hà Nội cũ và hành lang xanh của Hà Nội mới hiện nay khác hẳn nhau, nên sắp tới tất yếu phải có sự rà soát các dự án, rà soát các khu đô thị. Việc rà soát này thực ra đã được tiến hành trước đó, khi hàng loạt dự án phía Tây đã phải tạm đình chỉ và chỉ có số ít dự án tiếp tục được triển khai.

Việc tạm đình chỉ hàng loạt dự án trước kia đã khiến thị trường bất động sản Hà Nội bị ảnh hưởng mạnh. Vì thế, việc tất yếu điều chỉnh dự án nằm trong quy hoạch mới, mà người ta gọi là hành lang xanh lần này, sẽ tác động đến các chủ đầu tư và tác động đến thị trường bất động sản.

Tôi cho rằng, muốn có quỹ đất để thực hiện Quy hoạch chung thì chúng ta phải có Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất này lại chưa được Quốc hội thông qua. Vì thế, việc lấy quỹ đất này sẽ bằng việc thu hồi các dự án.

Cụ thể, hàng loạt dự án của các chủ đầu tư không có năng lực hoặc những dự án không thể triển khai sắp tới có thể bị thu hồi, dẫn tới sự đảo lộn rất lớn. Nhưng tôi tin, sau đợt quy hoạch và sau đợt rà soát quy hoạch thì khả năng cung ứng bất động sản ra thị trường là rất nhiều và việc cạnh tranh bán sản phẩm trên thị trường cũng rất lớn. Khi ấy, giá bất động sản chắc chắn sẽ giảm tiếp.

"Hạn chế tối đa xây dựng nhà cao tầng trong hành lang xanh"

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn

Thành phố Hà Nội sẽ có trách nhiệm điều chỉnh các dự án về quy mô, mật độ cho phù hợp. Chỗ đáng được xây thấp tầng thì phải làm thấp tầng, nơi cho phép xây cao tầng vẫn làm cao tầng. Tất cả phải tuân thủ theo Đồ án quy hoạch vừa được duyệt. Riêng với các dự án nằm trong vành đai xanh sông Nhuệ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rõ ràng.

Theo đó, các dự án nằm trong vùng vành đai xanh đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc chưa triển khai đều đã được phân loại và sẽ có ứng xử khác nhau. Tương tự như vậy, đối với vùng hành lang xanh, các dự án cũng sẽ được xem xét. Hành lang xanh không có nghĩa không cho xây dựng bất cứ cái gì trong đó, có dự án vẫn được chấp nhận, chỉ có điều phải hạn chế tối đa xây dựng nhà cao tầng.

Quy hoạch chung được phê duyệt, tình hình đầu tư bất động sản sẽ có thay đổi lớn. Dựa vào Quy hoạch chung, người ta có thể nắm rõ hơn rất nhiều thông tin về các khu vực đất đai mà mình có nhu cầu đầu tư. Những thứ trước đây vốn rất khó hình dung thì nay với mô hình, sa bàn, cũng như bản đồ, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát, rõ ràng hơn để nghiên cứu và đưa ra sự lựa chọn của mình.

"Các dự án được ‘cởi trói’ sẽ đưa vào triển khai"

Ông Phạm Văn Chang, Phó tổng giám đốc CTCP Tuần Châu Hà Nội

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt sẽ mở ra một trang mới cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Khi có phê duyệt thì các doanh nghiệp mới bắt tay vào triển khai các bước đi tiếp theo của dự án.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt Quy hoạch chung cũng mở ra một trang mới cho thị trường. Các dự án được "cởi trói" sẽ đồng loạt đưa vào triển khai, cung cấp một lượng sản phẩm dồi dào cho thị trường trong thời gian tới. Đây thực sự là điều kiện tốt cho những người có nhu cầu về nhà ở dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm bất động sản. Riêng đối với CTCP Tuần Châu Hà Nội, chúng tôi đã chờ đợi Quy hoạch chung này được phê duyệt hơn 1 năm nay.

Hiện Công ty đã hoàn tất các hồ sơ liên quan đến dự án tại Quốc Oai gửi các cơ quan liên quan thẩm định. Hy vọng, Quy hoạch chung được phê duyệt sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm phê duyệt dự án để chúng tôi triển khai trong thời gian tới.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Bất động sản Bà Rịa - Vũng Tàu Lặng lẽ chờ cơ hội
  • Hệ lụy của nhà làm dự án
  • Thị trường BĐS tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức
  • Hàng chục dự án bất động sản… bất động
  • Tiền thuê đất tăng đột biến, doanh nghiệp lúng túng
  • Phê duyệt quy hoạch tổng thể Hà Nội
  • Thẩm định chặt hồ sơ gọi vốn cho dự án bất động sản
  • Thỏa sức chọn nhà riêng lẻ
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!