Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nâng cấp QL37 Đình Trám - Phố Hương: Bàn giao trong dang dở

Việc bàn giao QL37 đoạn Đình Trám - Phố Hương sau nhiều năm tiến hành thi công nâng cấp vào trung tuần tháng 7/2010 tới đây lẽ ra sẽ là tin rất vui cho không chỉ các nhà thầu, chủ đầu tư và người dân các địa phương.

Tuy nhiên, niềm vui này lại vơi đi bởi vẫn còn nhiều việc đang dang dở, nhiều đoạn đường “giữ nguyên trạng” giao lại cho địa phương “chờ” nguồn vốn khác để đầu tư.


Dự án dở dang

Dự án nâng cấp QL37 đoạn Đình Trám - Phố Hương thuộc “siêu dự án” Cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường bộ, có chiều dài hơn 49km, với tổng mức đầu tư hơn 213 tỷ đồng, do liên danh nhà thầu Tổng công ty XD Bạch Đằng và Công ty cổ phần đầu tư và XDGT thi công. Tuyến đường được khởi công từ tháng 9/2007 và theo kế hoạch ban đầu, thời hạn hoàn thành là tháng 9/2009.

Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian qua, dự án gặp rất nhiều gian nan, đặc biệt trong công tác GPMB. Theo ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và XDGT, dù khởi công chính thức vào tháng 9/2007 nhưng do vướng mắc trong GPMB nên phải đến 6 tháng sau, công tác thi công mới được triển khai. Cả trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên, các đơn vị thi công đều phải tổ chức thi công trong cảnh vướng xôi đỗ ở rất nhiều điểm. Điều này làm cho việc tập kết máy móc, nguyên vật liệu và đẩy nhanh tiến độ gặp nhiều khó khăn.

Nan giải nhất phải kể tới đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Giang. Do sự vênh nhau về cơ chế GPMB giữa Việt Nam và khung chính sách của nhà tài trợ, cộng thêm nhận thức của một số hộ dân chưa đầy đủ về chính sách đền bù GPMB của Nhà nước nên nảy sinh kiện cáo, chây ỳ không chịu bàn giao mặt bằng.

Trước đây, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang cam kết GPMB và bàn giao cho nhà thầu thi công chậm nhất đến ngày 31/1/2010, nếu không sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng dự án mặc dù còn một số đoạn chưa làm xong.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay tình hình cũng chẳng sáng sủa. Số mặt bằng chưa được bàn giao gần như vẫn bất di, bất dịch, không có biến chuyển. Mặc dù đã hết hạn hiệp định và dự kiến sẽ bàn giao đưa vào khai thác dự án vào ngày 15/7 tới đây, nhưng tại Bắc Giang vẫn còn khoảng 3,4km mặt bằng chưa được bàn giao.

Theo lãnh đạo Ban QLDA 2 - đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư dự án, cho đến nay, không còn cách nào khác là phải khoanh lại số mặt bằng này, giao lại cho chính quyền địa phương để bàn giao tuyến đường đi vào khai thác.

Nhà thầu chịu thiệt

Việc dự án phải bàn giao khi chưa hoàn thành khiến cho tuyến đường thiếu đồng bộ và mất mỹ quan. Thiệt thòi trước tiên là người dân địa phương và người tham gia giao thông bởi hàng ngày, hàng giờ phải chứng kiến và đi trên con đường nham nhở, đứt quãng.

Tuy nhiên, những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất lại là các nhà thầu thi công dự án. Theo ông Phạm Văn Khôi, trừ 3,4km chưa có mặt bằng, các đoạn còn lại gần như đã thi công xong từ rất lâu.

Thậm chí, đoạn qua khu vực Thái Nguyên gần như đã xong từ năm 2009 và bàn giao cho địa phương vào 31/4/2010. Trong suốt một thời gian dài, các đơn vị thi công hết sức bị động, dù máy móc thiết bị đã được huy động một số lượng lớn với 6 mũi thi công luôn túc trực tại công trường để sẵn sàng thi công gấp rút nếu địa phương bàn giao mặt bằng nhưng tất cả vẫn vô vọng.

Việc ăn trực, nằm chờ, ngồi chơi xơi nước trong một thời gian dài khiến nhà thầu bị thiệt hại không nhỏ.

Do nhận thấy nguy cơ dự án vướng mặt bằng, khó triển khai nên nhà thầu Tổng công ty XD Bạch Đằng đã rút khỏi dự án từ lâu, còn lại hậu quả chủ yếu do Công ty cổ phần đầu tư và XDGT gánh chịu.

Cũng theo ông Khôi, một lý do khác khiến nhà thầu thua lỗ lớn khi làm Dự án QL37 là do tuyến đường triển khai đúng vào giai đoạn cao trào nhất của bão giá lịch sử cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Dự án được đấu thầu từ năm 2007, khi đó giá nguyên vật liệu còn thấp, nhưng bắt đầu triển khai vào cuối tháng 9/2007, rất nhiều loại nguyên vật liệu như: sắt thép, đá, cát, xăng, dầu... đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Dù đã được bù giá, nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu, nhà thầu vẫn chịu lỗ hàng chục tỷ đồng.

Theo GTVT

  • Mở rộng QL 51 Biên Hòa - Vũng Tàu mới đạt 30% giá trị hợp đồng
  • Hà Nội: Hơn 70 tỷ đồng xây dựng đường vào KCN Đài Tư - Sài Đồng A
  • Nguồn cung căn hộ tăng mạnh đón lãi suất hạ!
  • Bất động sản: Khó kiếm siêu lợi nhuận sau Nghị định 71
  • Việt kiều được mua nhà không hạn chế số lượng
  • Thị trường địa ốc Đông Nam Bộ sôi động
  • Rà soát các dự án cao tầng: Cần cân nhắc thiệt hại của DN
  • Nhộn nhịp“chợ” bất động sản trên mạng
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!