Một lý do quan trọng khiến thị trường nhà đất Hà Nội “phát sốt” là có thông tin UBND TP. Hà Nội sẽ chính thức cho phép 240 dự án tại Hà Tây (cũ) tiếp tục được triển khai.
|
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, các sàn giao dịch bất động sản và các trung tâm môi giới nhà đất đều nhộn nhịp người mua bán tại một số dự án đang bán sản phẩm hoặc chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường thuộc phía Tây Hà Nội như Dương Nội, Vân Canh, Tân Tây Đô, Làng Việt kiều châu Âu, Xa La…
Tại Khu đô thị Dương Nội của chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường, khu nhà liền kề 100 m2 cách đây 1 tháng chỉ có giá 17-19 triệu đồng/m2, 10 ngày trước tăng lên 20-21 triệu đồng/m2, nhưng thời điểm này đang được chào bán với giá 28-30 triệu đồng/m2.
Tại Khu đô thị mới Tân Tây Đô chỉ cách Hà Nội 7 km, với nhiều lợi thế là tiếp giáp với đường Cầu Giấy nối dài và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, gần Khu công nghiệp Nam Thăng Long và Khu công nghiệp Cầu Diễn, các khu đô thị mới như Vân Canh, Xuân Phương đang chuẩn bị được triển khai, giá đất cũng tăng chóng mặt.
Cách đây hơn nửa tháng, giá thửa liền kề LK8 tại đây với chỉ số đường 39 m, diện tích 80 m2 có giá 11,8 triệu đồng/m2, thì thời điểm hiện tại đã là 17,5 triệu đồng/m2.
Thậm chí, Dự án Vân Canh 64 ha do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, mặc dù chưa chính thức qua sàn, nhưng các văn phòng môi giới đã chào bán lại quyền mua suất trong dự án, với giá ứng trước từ 50 đến 70 triệu đồng/suất.
Trên thị trường, nhiều căn hộ của HUD thuộc dự án này đã được mua đi bán lại suốt mấy tuần nay. Giá đất nền tại các khu đô thị mới triển khai như Xa La hay Khu đô thị Tân Tây Đô cũng tăng từ vài triệu tới cả chục triệu đồng/m2.
Ngoài ra, tại một số khu vực khác của Hà Nội, giá nhà đất cũng có sự biến động bất ngờ. Tại sàn giao dịch của Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát, nhiều căn hộ dự án tại khu vực Hoàng Mai như căn hộ tại 151 Nguyễn Đức Cảnh, Dự án Minh Khai… cũng được khách hàng săn đón với mức tăng giá 3-5 triệu đồng/m2 so với 1 tháng trước.
Theo khảo sát tại 18 sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, có khoảng 30% các giao dịch thành công đều thuộc về trục phía Tây, nơi tập trung các dự án thuộc vành đai 4 của Thành phố.
Ông Phạm Trung Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát cho rằng, biến động nêu trên là một xu hướng tất yếu sau nhiều tháng thị trường nhà đất “đóng băng”. Nguyên nhân cơ bản là nhu cầu của người dân về nhà ở còn lớn. Hơn nữa, sau khi giá cổ phiếu “xanh” trở lại, nền kinh tế có nhiều khởi sắc, thì việc nhiều người dân chưa có nhà ở tìm mua bất động sản là điều dễ hiểu.
Theo một số chuyên gia tại các sàn bất động sản, một lý do quan trọng khiến thị trường nhà đất Hà Nội “phát sốt” là có thông tin UBND TP. Hà Nội sẽ chính thức cho phép 240 dự án tại Hà Tây (cũ), trong đó có nhiều dự án xây dựng khu đô thị mới, tiếp tục được triển khai.
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn dịch vụ bất động sản Ba Đình, cũng nhận định rằng, khi Thành phố chính thức công bố kết quả rà soát dự án, thị trường sẽ còn đi lên bởi tâm lý các nhà đầu tư ổn định hơn.
Nhiều nhà đầu tư thứ cấp cho rằng, bất động sản nóng lên bất thường có thể theo “lộ trình” của năm 2007. Khi đó, cũng bắt đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, sau đó lan dần sang thị trường bất động sản do tâm lý của nhà đầu tư ngắn hạn muốn chuyển hướng dòng vốn để tạo ra độ an toàn cao hơn và chỉ một thời gian sau, giá nhà rớt thảm hại.
Ông Nguyễn Thường Phong, Trưởng phòng kinh doanh của Sàn giao dịch bất động sản Vinaconex cho biết, hiện tại những giao dịch thành công chủ yếu tập trung vào những căn hộ, đất liền kề có diện tích dưới 100 m2, giá khoảng 1-2 tỷ đồng.
Còn với phân đoạn nhà biệt thự, đất liền kề có diện tích lớn hoặc chung cư cao cấp, tỷ lệ giao dịch thành công rất thấp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng “sốt” đất chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có thể sẽ hạ nhiệt nhanh do giá nhà đất tăng trong thời điểm này một phần xuất phát từ yếu tố tâm lý, chứ chưa hẳn do sức cầu thực sự tăng đột biến.
(Theo Đầu tư // Tienphong Online)