Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý, ngăn chặn chuyển nhượng trái phép quyền sử dụng đất: Hàng loạt rào cản

UBND TP Hà Nội vừa có Công văn hỏa tốc số 4239/UBND - TNMT về việc tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái pháp luật. Tuy nhiên, để yêu cầu này được thực hiện có hiệu quả, còn rất nhiều "rào cản" cần... bị phá vỡ.

Theo công văn, UBND TP đã giao các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền về quy hoạch, yêu cầu xử lý kiên quyết những trường hợp thông tin sai sự thật để đầu cơ, trục lợi gây nên cơn sốt bất động sản (BĐS) chóng vánh tại một số khu vực như Ba Vì, Thạch Thất, Hoài Đức... vừa qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, "vụ Ba Vì, Thạch Thất..." chỉ là chuyện rất nhỏ của thị trường, giống các cơn sốt đã từng xảy ra ở Dương Nội, An Khánh… chứ không phải cơn sốt đại trà. Giải pháp quan trọng nhất cho "sự cố" này là "hỗ trợ" người đang đi tìm lợi ích - người đầu cơ - hiểu là thị trường tại những khu vực A, B... cụ thể không hề có lợi ích mà đầy rủi ro, thất thường. Dù vậy, cơ quan chức năng cũng cần rút ra nhiều kinh nghiệm.

Đất tại huyện Thạch Thất đã bị giới đầu cơ đẩy giá tăng chóng mặt. Ảnh: Huyền Linh

Thứ nhất, phải rà soát lại mức bồi thường của NĐ 69 (về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư). Theo quy định, mức bồi thường là 1,5-5 lần giá quy định của Nhà nước, riêng Hà Nội quyết định mức 5 lần. Nếu hỗ trợ Nhà nước vào tay người nông dân thì rất tốt nhưng sẽ vô ích nếu hỗ trợ rơi vào tay người mua. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ trước đến nay có mục đích bảo đảm quyền lợi người nông dân chứ không phải dành cho người mua đón đầu đền bù (đợt vừa qua, nhiều người đầu cơ đất cũng vì lý do này). Thứ hai, tình trạng người dân chưa biết thông tin đích xác nhưng thấy đám đông đổ đi nên cũng lao vào cho thấy phải công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, thực hiện quy hoạch... một cách triệt để. Từ đấy, người dân không bị thông tin không chính xác - bao gồm cả những ý kiến kích vào để tạo sốt - lung lạc. Đặc biệt, rất nhiều hợp đồng giữa "cò" với người địa phương, giữa người mua với người địa phương, tại Ba Vì chẳng hạn, được UBND xã chứng nhận là "người bán đất ở đây". Mặc dù chứng nhận này vô giá trị nhưng đúng ra UBND xã phải thuyết phục, vận động người dân không bán bởi đất nông nghiệp là sinh kế của người dân, đồng thời trong trường hợp có quy hoạch, người dân vẫn được đền bù hoặc giá trị sẽ cao hơn nhiều. UBND cấp cơ sở làm không hết trách nhiệm trong việc theo dõi mọi biến động đất đai (người dân có sử dụng hay không, có mua bán trao tay hay không - không được thừa nhận...) mà lại hỗ trợ cho những giao dịch gây lộn xộn ở địa phương thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường lại khuyến nghị đã đến lúc phải có chế tài xử lý tin đồn gây ảnh hưởng về kinh tế. Trong trường hợp bong bóng BĐS vừa qua, tin đồn đã làm ra cơn sốt không có ích gì cho thị trường, thậm chí làm sai lệch định hướng quy hoạch của Hà Nội.

Trên thực tế, không chỉ khu vực phía Tây Hà Nội sốt mà các huyện Gia Lâm, Đông Anh có lúc cũng đã "nóng hầm hập"... Theo khuyến cáo của nhiều nhà quản lý, lý do cũng bởi cơ quan chức năng truyền tải thông tin không kịp thời, không hết. Chẳng hạn, tại Gia Lâm, phải thông tin rõ cho dân biết ở Gia Lâm nơi nào có dự án, nơi nào nằm yên.

Quản lý, ngăn chặn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép, tiến tới vận hành ổn định thị trường BĐS nói chung, đặc biệt là tại Hà Nội nói riêng, vẫn còn hàng loạt "rào cản" khác. Hiện tại, tiền nhàn rỗi trong dân hầu như "cắm" vào bất động sản. Hậu quả chưa dừng lại ở đó bởi một phần dòng vốn tín dụng lẽ ra dành cho sản xuất, kinh doanh lại chảy sang lĩnh vực này. Đây là khuyết tật trong thị trường kêu gọi vốn của người dân, cũng là khuyết tật lớn của nền kinh tế Việt Nam. Cũng có một thời gian, người dân đưa vốn vào thị trường CK - khu vực gọi vốn cho sản xuất, kinh doanh - song không được nhiều và thời gian cũng ngắn, chỉ khoảng 2 năm. Khi thị trường "sập", người dân quay về tập quán cũ. Ở góc độ khác, BĐS một phần là hàng hóa (nhà cửa) song 2/3 là thị trường vốn. Tuy nhiên, ngay thị trường hàng hóa BĐS ở các tỉnh phía Bắc cũng mang tính bỏ vốn - loại hàng hóa giữ tiền - hơn để ở. Không gọi được tiền nhàn rỗi của dân vào đầu tư sản xuất ra hàng hóa, không đưa vốn dành cho sản xuất vào... đúng chỗ tạo ra những nguy cơ lớn cho nền kinh tế. Cũng vì những lý do này nên Việt Nam chưa có hàng hóa, đặc biệt là hàng xuất khẩu có giá trị cao, được thế giới để ý mà hầu như chỉ làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng rất thấp.

Trước Công văn hỏa 4239/UBND-TNMT của UBND TP Hà Nội, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá, đưa ra những giải pháp bình ổn thị trường BĐS song rõ ràng để quản lý nhà nước ở lĩnh vực này có hiệu quả, xem ra vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

 

(Theo Bắc Hà/HNM)

  • Hà Nội: Thị trường căn hộ cho thuê lên cơn sốt
  • Mua gom chung cư: Đề phòng “tiền mất tật mang”
  • Giá nhà ngược chiều thu nhập
  • Khởi công xây tổ hợp cao ốc 50 tầng tại quận Cầu Giấy
  • TPHCM: Công bố mức giá hỗ trợ chênh lệch tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm
  • 1.600 tỷ đồng đầu tư quy hoạch Khu di tích lịch sử-văn hóa Côn Sơn-Kiếp Bạc
  • Bắt đầu từ những cao ốc xanh
  • Bất động sản Hà Nội: Giai đoạn trầm lắng mới?
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!