Đề xuất dành 65% vốn hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua nhà của Bộ Xây dựng không được Ngân hàng Nhà nước đưa vào trong dự thảo. |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Bộ Xây dựng thì trong thời gian tới, các cơ quan quản lý phải tìm mọi cách làm sao để người nghèo, người thu nhập thấp có nhà ở.
Tuy nhiên, dự thảo lần thứ 4 của thông tư hướng dẫn hỗ trợ cho vay mua nhà ở của Ngân hàng Nhà nước - theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ - dường như sẽ làm thất vọng nhiều người thu nhập thấp muốn mua nhà ở xã hội.
Dự thảo quy định mục đích cho vay có hỗ trợ chỉ là để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc mua nhà ở thương mại, không có nội dung người thu nhập thấp được vay để mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ quy định thêm đối tượng được vay hỗ trợ là các doanh nghiệp đang là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, hoặc các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), dẫn quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 71 của Chính phủ, theo đó các loại hình nhà ở xã hội bao gồm cả nhà ở để thuê, thuê mua và nhà để bán. Như vậy, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước về cho vay có hỗ trợ đã bỏ sót đối tượng là người vay để mua nhà ở xã hội.
Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, đành rằng chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng là nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, với những người thu nhập thấp, để có đủ tiền mua được nhà ở xã hội đã khó, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại quy định phải mua nhà ở thương mại mới được vay, như vậy là vô tình làm khó người dân.
Trước đó, Bộ Xây dựng đề xuất trong số 30.000 tỷ đồng dự kiến dành cho vay hỗ trợ thì nên chia làm hai phần, trong đó 65% là dành để cho người thu nhập thấp vay mua nhà, 35% còn lại cho các chủ đầu tư vay để triển khai dự án.
Tuy nhiên, đề xuất này không được Ngân hàng Nhà nước đưa vào trong dự thảo, với lý do là các ngân hàng thương mại rất khó để kiểm soát tỷ lệ cho vay này, đồng thời không có chế tài để thực hiện việc cho vay này.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Ninh, để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, cần phải có quy định cụ thể về tài sản thế chấp để làm sao người thu nhập thấp có thể vay được, vì thực tế tài sản của những người này không có nhiều giá trị. Tuy nhiên, dự thảo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ “ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện tại dự thảo, người vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn thông thường thì mới được vay hỗ trợ”.
Đáng chú ý, dự thảo quy định lãi suất 6%/năm, áp dụng trong 3 năm, từ 15/4/2013 đến 15/4/2016, nhưng sau thời điểm đó mới công bố mức lãi suất vay hỗ trợ, và không quy định nguyên tắc biến động lãi suất.
(Theo Vneconomy)