Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đưa đất nước phát triển bền vững :Ðể thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững

Kinh doanh bất động sản (BÐS) đem lại nhiều lợi nhuận, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường BÐS Việt Nam hiện phát triển nhanh, với nhiều biến động, vì vậy, để phát triển lành mạnh và bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
 
Nhu cầu lớn

Năm 2009 ghi nhận nguồn cung nhà ở được phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 2.500 dự án khu đô thị mới, trong đó chủ yếu là phát triển nhà ở, dự án văn phòng cho thuê và các dự án BÐS khác với các loại quy mô diện tích đang được triển khai xây dựng như: Hà Nội hơn 800 dự án với diện tích khoảng 75.189 ha; TP Hồ Chí Minh 1.400 dự án với diện tích khoảng 4.490 ha; Hải Phòng 260 dự án với diện tích gần 2.600 ha; Ðà Nẵng hơn 120 dự án với diện tích khoảng 2.300 ha...

Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho người nghèo khu vực nông thôn. Theo kết quả tổng điều tra dân số  và nhà ở năm 2009, dân số nước ta là 85,8 triệu người với hơn 22,5 triệu hộ, trong đó đa số đã có nhà ở (chiếm 99,95%). Tuy nhiên phân bố không đồng đều, nhu cầu về nhà ở tại khu vực đô thị rất cao, nhất là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng do nhu cầu tăng thu nhập, di cư tìm việc làm hoặc từ nhu cầu cải thiện điều kiện sống của dân cư đô thị. Vì vậy, cho dù diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2009 đã gấp đôi so với năm 1999, nhưng theo ước tính tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng bảy triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2, trong đó: Hà Nội cần 5,5 triệu m2, thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 5 triệu m2... 

Giá cả biến động và giữ ở mức cao

Qua khảo sát thực tế, giá BÐS nói chung và giá nhà ở nói riêng còn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế nước ta, cũng như vượt quá xa giá trị thực của BÐS. Chẳng hạn, tổng chi phí đầu tư để xây dựng một chung cư cao tầng (20 đến 25 tầng) tại Hà Nội tính theo mặt bằng giá cuối năm 2009 khoảng 16,7 đến 17,5 triệu đồng/m2, trong khi giá của loại chung cư này được giao dịch phổ biến trên thị trường dao động từ 28 đến 32 triệu đồng/m2. Ðiều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thanh toán của người mua nhà. Trên thế giới, tỷ lệ phổ biến để đánh giá mức độ rủi ro vay đầu tư BÐS đối với gia đình trung lưu là khoảng 33% thu nhập hằng tháng, trong khi đó, tỷ lệ này ở nước ta trung bình khoảng hơn 80%.

Theo đánh giá của Tổ chuyên gia liên ngành Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BÐS, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng giá BÐS nói chung và nhà ở nói riêng vẫn đứng ở mức cao. Một là, giá cả đầu vào tăng và nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân chính. Hai là, việc giá BÐS bị thả nổi, hiện tượng đầu tư theo phong trào cũng như thiếu thông tin tiếp cận dẫn đến phải chấp nhận mua BÐS với mọi điều kiện và mọi giá. Ba là, cơ cấu hàng hóa BÐS còn bất cập, thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của thị trường, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê (theo thống kê, loại hình nhà ở cho thuê hoặc mượn chỉ chiếm 6,3% tổng số nhà ở trong cả nước). Bốn là, mặc dù cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đã được tháo gỡ, nhưng tốc độ triển khai các dự án BÐS vẫn chưa được cải thiện, nhất là khâu đền bù giải phóng mặt bằng do chính sách liên tục  thay đổi. Năm là, các chủ thể tham gia thị trường đông về số lượng nhưng còn yếu về năng lực đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường BÐS. Sáu là, thị trường BÐS phụ thuộc lớn chính sách tiền tệ, tín dụng, việc huy động vốn cho thị trường BÐS đang tồn tại những bất cập, đó là lãi suất cho vay ở nước ta thường cao. Bảy là, việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới còn nhiều bất cập tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội. Nhiều dự án thực hiện việc bán nhà đất thu tiền trước nhưng nhiều năm sau vẫn chưa triển khai xây dựng và với biến động giá đã làm cho dự án không còn tính khả thi. Hay một số dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng đầu tư... Ngoài ra, quản lý nhà nước về thị trường BÐS còn nhiều bất cập, chưa thể hiện được vai trò điều tiết bình ổn thị trường; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BÐS thiếu tin cậy và chưa thống nhất, với sự tham gia của nhiều ngành dẫn đến chồng chéo...

Giải pháp đồng bộ

Ðể thị trường BÐS sớm hạ nhiệt, Tổ chuyên gia liên ngành đề xuất một số biện pháp:

Thứ nhất, cần sớm xây dựng cơ chế tài chính phát triển thị trường BÐS, nhất là cơ chế tài chính phát triển nhà ở trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các chính sách tài chính tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa bảo đảm không tạo ra "bong bóng" trên thị trường BÐS, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây "đổ vỡ" thị trường trên diện rộng; bổ sung sửa đổi một số cơ chế chính sách về xây dựng, về tài chính tiền tệ liên quan tới thị trường BÐS để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển; nghiên cứu thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở và Quỹ đầu tư tín thác để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà.
 
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn lực cho các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn) cả về nguồn vốn, mô hình quản lý và triển khai thực hiện.

Thứ ba, tăng cường những biện pháp tăng nguồn cung cho thị trường như: nâng cao chất lượng, tính ổn định và tầm nhìn chiến lược cho các quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh công khai hóa trong hoạt động kinh doanh BÐS và cải cách thủ tục hành chính; xây dựng các dự án nhà ở có tính toán kỹ cơ cấu hàng hóa phù hợp về diện tích cũng như về giá cả đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường; Nhà nước sớm ban hành quy định cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở được phép bán tối đa 20% số căn hộ không phải qua sàn giao dịch BÐS, giúp các chủ đầu tư thêm nguồn vốn thực hiện dự án, tăng nhanh nguồn cung cho thị trường...

 

Thứ tư, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản thống nhất từ trung ương tới địa phương, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ ba tháng, sáu tháng ở cấp tỉnh và cấp trung ương về tình hình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, Ban chỉ đạo chính sách phát triển nhà ở và thị trường bất động sản cấp tỉnh và cấp trung ương có đủ thông tin cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường BÐS, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về thị trường BÐS ở các cấp chính quyền. 

 

 

(Theo Lê Xuân Thủy/nhan dan)

  • Thị trường nhà, đất chuyển hướng
  • Các dự án nhà ở nhan nhản sai phạm
  • Bất động sản Hà Nội: Lại đến thời của căn hộ?
  • BĐS Hải Phòng: Chênh lệch giá giữa các quận nội thành
  • Chung cư giá rẻ ở Trung Quốc - Mảnh đất màu mỡ
  • Nhiều căn hộ hạ giá
  • Thêm một doanh nghiệp xin xây nhà siêu nhỏ
  • Sửa Luật Đất đai để đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp.
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!