Trong nhiều năm qua, thị trường BĐS Việt Nam luôn sôi động với những dự án BĐS lớn có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, điều này đã đánh thức tiềm năng phát triển của thị trường BĐS đồng thời tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, hiện nay đa số các dự án có vốn đầu tư hàng tỷ USD đều là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và với nhiều “thủ thuật” nhằm “lách luật” các chủ đầu tư nước ngoài chỉ góp một phần vốn thực, còn 50- 60% được huy động từ nguồn vốn trong nước.
Nắm bắt được nhu cầu về nhà ở của người Việt Nam rất lớn, bên cạnh các dự án BĐS do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện thì các doanh nghiệp nước ngoài cũng đua nhau thực hiện các dự án BĐS với quy mô lớn và vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD nhưng khi triển khai, đa số các dự án này đều thực hiện việc bán nhà trên giấy nhằm huy động nguồn vốn trực tiếp từ trong nước. Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay có khá nhiều dự án được công bố với chủ đầu tư là các quỹ đầu tư dán mác ngoại nhưng đến khi thực hiện lại huy động vốn trong nước hoặc vay tiền từ các ngân hàng nên ngân sách họ bỏ ra thực chất chỉ chiếm từ 40- 50% tổng số vốn đầu tư.
Điều này khiến cho tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam hằng năm bị thất thoát đi rất nhiều, đồng thời ảnh hưởng đến chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư hiện nay của Chính phủ. Một câu hỏi được đặt ra là liệu có phải các doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam để trục lợi hay không khi mà nguồn vốn thực được các doanh nghiệp bỏ ra thấp hơn nhiều so với kế hoạch kinh doanh? Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nguồn vốn từ các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí các doanh nghiệp BĐS trong nước vẫn đang phải cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay đa số các nhà đầu tư nước ngoài đều thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp một số nhà đầu tư nước ngoài làm ăn không nghiêm túc, vì vậy Việt Nam cần phải có các quy định chặt chẽ hơn nữa để hạn chế tình trạng trên.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đưa vào một lượng vốn rất nhỏ so với lượng vốn đăng ký đã phản ánh mặt trái của mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, trong đó nhiều nhất là thị trường BĐS. Những yếu kém trong khâu kiểm tra, kiểm soát các dự án là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ các quy định liên quan đến việc đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường BĐS nhưng việc quản lý kiểm tra và hậu kiểm vẫn còn rất lỏng lẻo, không sâu sát nên hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng trực tiếp nguồn vốn trong nước để thực hiện các dự án đã xảy ra hàng loạt. Tình trạng này ngày càng kéo dài sẽ khiến cho thị trường tiền tệ Việt Nam sẽ ngày càng thêm khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn, rõ ràng hơn để ràng buộc các nhà đầu tư, cần có những quy định chặt chẽ để kiểm soát nguồn vốn thực được các nhà đầu tư đăng ký trước khi thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai dự án, công tác kiểm tra tiến độ thực hiện phải được thực hiện thường xuyên tránh các hiện tượng thu hút các nguồn vốn trong nước để thực hiện dự án.
Các chuyên gia cũng cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức được vấn đề cũng đặc biệt quan trọng. Việc công bố công khai các thông tin về dự án cũng như tiến độ thực hiện là rất cần thiết, bên cạnh đó là những quy định về việc cắt giảm chính sách ưu đãi khi vi phạm những cam kết trong giấy phép đầu tư.
(vccinews)